Công nghệ thông tin là nền tảng của phương thức sản xuất mới
Tuy nhiên, từ năm 2000 (thời điểm Chỉ thị 58 ra đời) cho đến nay, thế giới đã có những thay đổi căn bản, đang chuyển sang thời đại phát triển mới với hai đặc trưng chính là toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và công nghệ cao. Công nghệ thông tin phát triển bùng nổ trở thành nền tảng của kinh tế tri thức, xã hội thông tin. Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về Công nghệ thông tin thay thế Chỉ thị 58 là rất cần thiết. Trong giai đoạn mới này, công nghệ thông tin phải đóng vai trò to lớn hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Dự thảo Nghị quyết, công nghệ thông tin được xác định là một trong những nền tảng quan trọng của phương thức phát triển mới; là một nhân tố quan trọng để nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động, chủ động hội nhập quốc tế, là con đường ngắn nhất để Việt Nam rút ngắn thời gian vượt bẫy thu nhập trung bình. Trên quan điểm đó, xác định mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành đều nhất trí rằng công nghệ thông tin cần phải được xác định là một trong những nền tảng quan trọng bậc nhất của phương thức phát triển mới. Muốn công nghệ thông tin được ứng dụng rộng khắp, có sức lan tỏa, không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, đơn vị. Theo TSKH. Nguyễn Quang Bắc, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA): “công nghệ thông tin chỉ được thực hiện hiệu quả khi người đứng đầu chịu trách nhiệm về vấn đề này, giao cho cấp phó là kém hiệu quả”. Ông Vũ Mạnh Lợi, Viện phó Viện Xã hội học lưu ý cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đưa công nghệ thông tin về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần xóa nhòa khoảng cách số, xóa đói giảm nghèo. Công nghệ thông tin cần đem lại phúc lợi cho tất cả mọi người.