Học viện Kỹ thuật mật mã sẽ trở thành Học viện đổi mới sáng tạo năm 2045
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo một số Học viện, trường Đại học tại Hà Nội.
Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Nam Hải, Phó Trưởng ban; các đồng chí Nguyên Lãnh đạo Ban cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban và các hệ Cơ yếu. Phía Học viện Kỹ thuật mật mã có TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện, chủ trì Hội thảo; các đồng chí trong Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, giảng viên Học viện.
Đồng chí Nguyễn Nam Hải, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc Hội thảo
Trải qua gần 45 năm xây dựng và phát triển, Học viện Kỹ thuật mật mã đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng, phát triển Học viện, khẳng định vị thế, uy tín của Học viện trong thời gian qua.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, thực hiện chương trình công tác năm 2020 của Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật mật mã tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả đạt được, đề xuất các giải pháp để xây dựng, phát triển Học viện thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kiểm định chất lượng và quản trị thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các Học viện, trường Đại học.
Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Hùng đã trình bày tham luận "Phân tích thực trạng và định hướng phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong đó nhấn mạnh, theo Nghị quyết 56-NQ/TW, định hướng xây dựng viện Kỹ thuật mật mã thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cơ yếu và nhu cầu cho lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Học viện phấn đấu đến năm 2030 sẽ được xếp hạng trong nhóm 10 trường đại học hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam và trong nhóm đầu về đào tạo, nghiên cứu mật mã và an toàn thông tin ở khu vực. Mục tiêu đến năm 2045 sẽ phát triển thành Học viện đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, thời gian tới, Học viện cần nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh liên kết đào tạo; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp; triển khai hệ sinh thái số học tập; số hoá cơ sở dữ liệu học liệu.... Đội ngũ cán bộ, giảng viên cần được bồi dưỡng đầy đủ kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ cao; phấn đấu đến năm 2030 có trên 60% giảng viên cơ hữu có trình độ PGS, Tiến sỹ; 25% giảng viên có khả năng giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.
TS. Nguyễn Hữu Hùng cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, bổ sung cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức/doanh nghiệp công nghệ xây dựng nền tảng số, cung cấp giải pháp chuyển đổi số áp dụng thống nhất trong các cơ sở giáo dục. Các Học viện, nhà trường cần chia sẻ các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số, hệ thống quản trị, quản lý nhà trường.
GS, TS. Nguyễn Hữu Đức trình bày tham luận tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ và nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày tham luận "Chiến lược phát triển giáo dục đại học thích ứng với cuộc CMCN lần thứ Tư". Trong đó gợi ý định hướng cho Học viện cần có chiến lược đổi mới sáng tạo về văn hoá, nhân sự, khoa học công nghệ, đào tạo để phát triển và quản trị thương hiệu của Học viện.
Hội thảo còn có một số tham luận nổi bật như: "Chuyển đổi số trong các trường Đại học ở Việt Nam và áp dụng tại Học viện Kỹ thuật mật mã" của ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ tư vấn chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; "Các vấn đề về cải tiến chất lượng cơ sở giáo dục nhìn từ các kết quả kiểm định chất lượng giáo dục" của TS. Tạ Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội thảo nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên trong việc xây dựng và phát triển Học viện. Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học và các tổ chức/doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, đổi mới giáo dục, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kiểm định chất lượng và quản trị đại học.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bích Thủy