Tham dự Hội thảo có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị IoT trong nước; các nhà cung cấp dịch vụ di động; các diễn đàn về IPv6, IoT...
Hội thảo tập trung phân tích vai trò quan trọng và mối tương quan mật thiết giữa IPv6 và ngành công nghiệp IoT, cũng như chia sẻ giữa các doanh nghiệp, tổ chức về triển khai IPv6 với IoT.
Tại Hội thảo, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết, số liệu thống kê từ Google cho thấy tỷ lệ tăng trưởng IPv6 năm sau tăng gấp đôi so với năm trước (từ 0,5% tại thời điểm 1/2012 đến 16% tại thời điểm 1/2017), hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20%. Với đà tăng trưởng qua các năm như trên thì dự báo đến năm 2019 tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt 100%.
Theo các chuyên gia dự báo, đến năm 2020 dân số thế giới đạt 7,6 tỷ người, trong khi đó thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối (tỷ lệ ~ 6,58 thiết bị kết nối/1 người dân). Do đó, để có thể kết nối các thiết bị với nhau thì cần có số địa chỉ IP rất lớn. Với không gian địa chỉ rộng lớn (3,4.1038 địa chỉ) cùng các ưu điểm khác như: an toàn bảo mật, tự động cấu hình,… khiến IPv6 trở nên quan trọng và cần thiết cho việc phát triển IoT.
Hiện tại các tiêu chuẩn IPv6 trong IoT cũng đã được chuẩn hoá bởi IETF, các nhà nghiên cứu, sản xuất các thiết bị, ứng dụng IoT cũng đã sản xuất các sản phẩm ứng dụng IPv6 và IoT như hệ thống smart home, smart building…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, IoT có nhiều lợi ích, đặc biệt mang lại sự phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống, điều đó khiến cho IoT đã, đang và sẽ là xu hướng của công nghệ trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Ban Công tác thúc đấy phát triển IPv6 quốc gia, các chuyên gia công nghệ đến từ các doanh nghiệp ICT hàng đầu trong nước như: VNPT Technology, FPT, các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT trình bày, chia sẻ về vai trò của IPv6 trong mạng IoT, tầm quan trọng của IPv6 đối với đảm bảo an toàn cho các giải pháp IoT.
Được biết, Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn 3 (2016 – 2019), giai đoạn chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Đây là giai đoạn quan trọng với việc thúc đẩy triển khai IPv6 đến từng đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong nước, chung tay đưa IPv6 lan toả sâu rộng trong cộng đồng người dùng Internet.
Trước đó, VNNIC cũng cho biết, thông qua kết quả triển khai IPv6 của các tổ chức, doanh nghiệp, kết quả triển khai IPv6 của các quốc gia đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian vừa qua. Cùng với Ấn Độ, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có những bước tiến rõ rệt trong việc triển khai IPv6. Cụ thể, sau chỉ một năm, từ thời điểm tháng 5/2016 cho đến tháng 3/2017, tỷ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam tăng trưởng từ 0,05% lên khoảng 6%, đưa Việt Nam vươn lên và đứng trong Top 5 quốc gia có tỷ lệ triển khai IPv6 tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với Ấn Độ, Nhật, Malaysia và Saudi Arabia; Top 3 khu vực ASEAN cùng với Malaysia và Singapore.