Nhiều trang web thương mại điện tử có nguy cơ bị phạt
Đại diện Cục TMĐT&CNTT (ngồi giữa) trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp trong buổi toạ đàm về pháp lý thương mại điện tử (Ảnh: Chí Thịnh)
Tại buổi tập huấn pháp lý thương mại điện tử diễn ra tại TPHCM vào chiều 24/5/2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT& CNTT) thuộc Bộ Công thương và Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết vẫn còn quá ít doanh nghiệp sở hữu website TMĐT tiến hành thủ tục thông báo/đăng ký.
Trưởng đại diện Cục TMĐT& CNTT tại TP. HCM cho biết, đến thời điểm này chỉ mới có gần 2.000 doanh nghiệp sở hữu website TMĐT bán hàng hoàn tất thủ tục thông báo trên trang web online.gov.vn. Đồng thời, tuy có 600 tên miền/website đã đăng ký trên cổng quản lý hoạt động TMĐT này nhưng chỉ có chưa đến 200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT.
Trước đó, qua đợt rà soát (bằng phần mềm) của Sở Công Thương TPHCM vào cuối tháng 3-2014, chỉ tính riêng ở khu vực TPHCM ghi nhận có đến 86.000 website TMĐT hoạt động.
Như vậy, đã có khá nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang sở hữu website TMĐT chưa làm thủ tục thông báo/đăng ký với Bộ Công thương. Một số doanh nghiệp, cá nhân tuy có đăng ký tài khoản trên online.gov.vn nhưng sau đó lại không bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục thông báo/đăng ký nên cũng không được ghi nhận vào danh sách các website TMĐT đã thông báo, đăng ký với Bộ Công thương.
Các quy định về thông báo/đăng ký website TMĐT với Bộ Công Thương đã được công bố từ lâu. Đồng thời, hiệu lực xử phạt đối với các website TMĐT không tuân thủ quy định này (Nghị định 185/2013/NĐ-CP) đã bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2014. Như vậy, doanh nghiệp nếu không làm đúng theo quy định này hoàn toàn có thể bị xử phạt vào bất kỳ thời điểm nào, kể từ bây giờ…
Các website cung cấp dịch vụ TMĐT đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương sẽ được nhận một đoạn mã (code) qua email để xác nhận việc đã đăng ký với Bộ Công thương. Sau đó, doanh nghiệp có thể nhúng đoạn mã này vào một đường dẫn (hoặc logo) đặt dưới chân trang web để khách hàng có thể bấm vào đó nhằm xác định website này đã đăng ký với Bộ Công thương.
Đặc biệt, người tiêu dùng cũng có thể kiểm tra phần quy chế của website cung cấp dịch vụ TMĐT đã thông báo/đăng ký với Bộ Công thương. Website nào đã thực hiện thủ tục này sẽ có phần quy chế nghiêm túc, thể hiện chi tiết rõ ràng… Cục TMĐT& CNTT đang tiến hành xét duyệt cẩn thận quy chế hoạt động của các website này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người mua và người bán, giúp chủ sở hữu trang web giải quyết nhanh khi gặp sự cố (bị khiếu nại do hàng hoá bán trên website TMĐT không đúng chất lượng).
Theo Cục TMĐT& CNTT, có hai hình thức website TMĐT, một là website TMĐT bán hàng, hai là website cung cấp dịch vụ TMĐT. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sẽ thông báo với Bộ Công Thương về các website TMĐT bán hàng do chính thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Còn thương nhân, tổ chức sẽ đăng ký với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT. Các website cung cấp dịch vụ TMĐT được thiết lập nhằm cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm các loại hình dịch vụ sau: • Sàn giao dịch TMĐT • Website khuyến mãi trực tuyến • Website đấu giá trực tuyến Hiện nay, các website cung cấp dịch vụ TMĐT phải tiến hành đăng ký, còn các website TMĐT bán hàng chỉ cần làm thủ tục thông báo trên trang web online.gov.vn. |