Tọa đàm thực thi quyền SHTT trong thương mại điện tử
Tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT, ông John Hill, Quyền Phó Đại sứ - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cùng với 80 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT, các hiệp hội, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực SHTT.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh vai trò của sở hữu trí tuệ trong thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử. Hiện thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô khoảng 4 tỷ USA (tương đương 100.000 tỷ đồng) và kỳ vọng đạt 10 tỷ USD khi tỷ lệ sử dụng smartphone trên 70%, tốc độ tăng trưởng thị trường của thương mại điện tử Việt Nam đạt tới mức trung bình 22%/năm.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, vi phạm SHTT trực tuyến trở thành một thách thức cho tất cả các chủ thể quyền và các bên quan tâm. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được cung cấp thông qua các website mua bán trực tuyến của bên thứ ba. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của chủ thể quyền để phát hiện, cung cấp chứng cứ xâm phạm cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra và thu thập thêm bằng chứng. Bên cạnh đó, có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ thu hồi tên miền, đóng website vi phạm hoặc xóa bỏ những nội dung vi phạm khỏi website...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, với sự phát triển của thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều. Những lợi ích thu được từ mô hình này rất lớn, có sức hấp dẫn đối với nhà sản xuất, kinh doanh và ngày càng thu hút được nhiều chủ thể tham gia. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của thương mại điện tử, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy những thách thức, trong đó có quyền SHTT.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nêu thực trạng, những vi phạm liên quan đến SHTT hữu hình đã gây khó khăn trong công tác xử lý; những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử đa dạng hơn và khó phát hiện để xử lý. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm quyền SHTT… diễn ra phổ biến và thực tế xử lý rất khó khăn do hình ảnh quảng cáo trên Internet khó xác định được yếu tố vi phạm rõ ràng, khó xác định được giá trị hàng hóa để xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, khi nhận thấy dấu hiệu vi phạm, đến địa chỉ trên website thì không phải là kho hàng và không xử lý được vi phạm… Thực tế, những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử không chỉ là câu chuyện của một quốc gia mà là câu chuyện toàn cầu, vì vậy cần nâng cao hiểu biết, nhận thức và vai trò thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã nêu ra những kiến nghị và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức của chủ thể quyền để các chủ thể quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ, hợp tác với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền SHTT đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ có tác động tích cực khi khuyến khích được các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của sự lao động sáng tạo. Thực thi hữu hiệu quyền SHTT là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể, người tiêu dùng và xã hội, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.