Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức đi vào hoạt động

13:00 | 13/03/2019 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Chiều 12/03/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã chính thức được khai trương, đi vào hoạt động, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Lễ khai trương có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Mai Tiến Dũng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và quan khách quốc tế.... Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban và lãnh đạo một số cơ quan đơn vị thuộc Ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử - Chính phủ của thời đại Công nghiệp 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí cho xã hội, Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đã tích cực xây dựng hoàn thiện Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo văn bản được gửi, nhận một cách nhanh chóng và thông suốt giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành và địa phương.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết, Trục Liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là một trong những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo là nền tảng tích hợp chia sẻ quốc gia, kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan Nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đồng chí khẳng định “Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử”.

Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm sẽ tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của Tập đoàn VNPT.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, với mong muốn xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, trơn tru, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả; góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử của ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt 6 nội dung:

Thứ nhất, nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng lộ trình nêu trong Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, trước hết là ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý văn bản, khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử so với lộ trình nêu trên.

Thứ hai, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phục vụ liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg; truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong liên thông gửi, nhận văn bản điện tử nói riêng, phát triển Chính phủ điện tử nói chung.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia trước mắt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiến tới giai đoạn 2020-2025 sẵn sàng kết nối lưu thông với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thứ tư, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thứ năm, tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện trong việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung.

Thứ sáu, các lãnh đạo cần khẩn trương tập trung chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (đứng thứ 2 từ phải sang) cùng các vị lãnh đạo thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Ngay sau nghi thức khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện quy trình trình ký bằng chữ ký số chuyên dùng trên thiết bị di động do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp, Quyết định phê duyệt đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia đã được ban hành trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng. 

Lễ khai trương cũng nhận được nhiều ý kiến tham luận của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; lãnh đạo UBND một số tỉnh thành, Tập đoàn VNPT, Viettel... Các ý kiến đều bày tỏ vui mừng trước sự kiện khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống, phối hợp với các cơ quan liên quan để ứng dụng hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành; đồng thời các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Văn phòng Chính phủ, ngày 19/1/2019, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng với tập đoàn VNPT – đơn vị triển khai, để tiến hành chuyển đổi hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ mới, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với 95 bộ, ngành, địa phương; thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản của các bộ, ngành, địa phương sau chuyển đổi. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang hoạt động ổn định.

Số lượng đơn vị kết nối hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia là 95/95 cơ quan (31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) đã hoàn thành kết nối thông qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cớ quan Đảng, Nhà nước.

Từ 19/1 - 8/3/2019 đã có 12.257 văn bản gửi, 35.360 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Hiện 63/95 cơ quan đã chuẩn bị được máy chủ bảo mật dùng riêng, tích hợp chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp (bảo đảm văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thông suốt, an toàn, an ninh), 32/95 cơ quan đang sử dụng máy chủ bảo mật chung do VPCP cung cấp.

Thảo Uyên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới