Vũ trụ số Metaverse: Thực tế ảo hay thế giới thật?

23:00 | 02/09/2022 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Gartner, Inc nhận định vũ trụ số Metaverse là một trong năm xu hướng công nghệ nổi bật trong năm 2022. Vậy Metaverse là gì và tiềm năng mà nó đem lại cho thế giới thực to lớn đến đâu?

Metaverse là gì?

Theo Gartner, doanh thu toàn cầu của công nghệ nền tảng cho Metaverse là AR/VR được dự đoán sẽ tăng từ 12 tỷ USD năm 2020 lên 72,8 tỷ USD vào năm 2024. Bên cạnh đó, nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đã và đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đua Metaverse. Điển hình vào 29/10/2021, Facebook chính thức đổi tên thành Meta theo định hướng từ một Social Media company trở thành Metaverse company. Cùng với đó là việc công ty Epic Games (công ty đứng sau tựa game Fornite) đã gọi vốn thành công 1 tỷ USD với tham vọng đưa tựa game này trở thành Metaverse. Có thể thấy, Metaverse không còn là khoa học viễn tưởng mà đã và đang dần trở nên thực tế.

Thuật ngữ Metaverse lần đầu được biết đến vào năm 1992 trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash của nhà văn Neil Stephenson. Nội dung cuốn tiểu thuyết sử dụng Metaverse để mô tả một thế giới khác (thế giới ảo cho Internet) mà tại đây có thể viết lại hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội và không còn sự ràng buộc, cứng nhắc về kinh tế, văn hóa của thế giới thực.

Xét về cấu tạo từ Metaverse được tạo thành từ Meta có nghĩa là “toàn diện hơn”, “siêu việt hơn” và verse trong Universe nghĩa là “vũ trụ”. Do đó, Metaverse như một bản sao của thế giới thực và tồn tại song song với thế giới thực nhưng vượt xa và ưu việt hơn so với vũ trụ thực. Tại thế giới đó, những công cụ hoặc tính năng các nhà phát triển cung cấp sẽ giúp xóa tan rào cản của sự tự do và sáng tạo.

Do đó, có thể hiểu Metaverse là một tập hợp các không gian ảo, nơi người dùng có thể tạo và khám phá với những người khác không ở trong cùng một không gian thực với nhau. Người dùng sẽ có thể đi chơi với bạn bè, làm việc, vui chơi, học hỏi, mua sắm, sáng tạo và hơn thế nữa.

Sự phát triển của Metaverse sẽ giúp mở ra không gian tương tác trực tuyến của người dùng theo cách đa chiều hơn so với các công nghệ hiện tại. Thay vì chỉ xem nội dung kỹ thuật số, người dùng trong Metaverse như có thể thực sự sống trong không gian của thế giới kỹ thuật số một cách siêu thực. Ngoài ra, người dùng sẽ có thể hiện thực hóa mọi thứ có thể tưởng tượng từ gặp gỡ với bạn bè và gia đình, làm việc, học hỏi, vui chơi, mua sắm, sáng tạo, cũng như những trải nghiệm hoàn toàn mới không thực sự phù hợp với cách người dùng nghĩ về máy tính hoặc điện thoại ngày nay… Trong tương lai, thậm chí người dùng sẽ có thể để dịch chuyển tức thời dưới dạng ảnh ba chiều để có mặt ở bất kỳ đâu cùng với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Nếu Metaverse trở thành thực tế thì vũ trụ ảo song song này sẽ có những đặc tính khác biệt để tách nó với những trải nghiệm của công nghệ thực tế ảo hoặc thế giới ảo thuần túy đang có. Bởi (1) Metaverse được coi như một vũ trụ nên nó sẽ không thể bị giới hạn về không gian, thậm chí cả về thời gian; (2) Người dùng sẽ có thể sống và tương tác như thế giới thật với những con người thật, sự việc thật trong thế giới kỹ thuật số riêng thông qua con người đại diện (Avatar) của mình; (3) Thế giới trong Metaverse tồn tại song song với thế giới thực. Do đó, thời gian, dữ liệu của tất cả người dùng sẽ được cập nhật và đồng bộ liên tục cho dù người dùng có “online” hay không; (4) Thế giới trong Metaverse sẽ không giới hạn về dữ liệu, tài nguyên hay người dùng; (5) Người dùng sẽ có quyền sở hữu và những tài sản ảo nhất định đồng thời có thể sử dụng chúng để giao dịch trong nền kinh tế của thế giới số.

Ở giai đoạn đầu của sự phát triển công nghệ, máy tính cá nhân là động lực thúc đẩy, điện thoại thông minh là trung tâm của giai đoạn phát triển thứ hai và đến nay các nền tảng công nghệ hiện đại như VR, AR, Blockchain, Bigdata, Web3 là cơ sở tạo nên Metaverse. Theo một báo cáo từ Hootsuite (Canada), tính đến tháng 1/2021 trên toàn cầu số lượng người dùng điện thoại thông minh là 5,22 tỷ người, số người sử dụng Internet là 4,66 tỷ người và số người dùng mạng xã hội là 4,2 tỷ người. Những số liệu trên cho thấy: trong tương lai không xa, vũ trụ số sẽ tiệm cận với cuộc sống thật và có thể sẽ trở thành một phần rất thật của thế giới.

Ứng dụng của Metaverse

Có thể thấy rằng, vũ trụ số Metaverse đang trong khởi đầu ở giai đoạn hình thành, nhưng các nền tảng công nghệ cơ sở của nó đã và đang được xây dựng, phát triển và ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong thực tế.

Lĩnh vực giải trí

Theo số liệu thống kê của Statista (công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu người dùng tại Đức) hiện có hơn 2,7 tỷ người trên thế giới chủ động hoặc thụ động chơi trò chơi điện tử. Mô hình chơi điện tử để kiếm tiền đã gây chấn động ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến, với những người chơi truyền thống đang tìm cách chuyển sang các dự án GameFi như Axie Infinity. Gần đây, tiền điện tử đã được tích hợp thành công vào thế giới ảo do các công ty như Decentraland và Sandbox tạo ra. Do đó, có thể thấy rằng Metaverse hiện đang tạo cơ hội lớn cho các công ty giải trí trực tuyến.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Các bác sĩ là một trong những đối tượng đầu tiên sử dụng VR/AR để chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân. Tai nghe thực tế hỗn hợp của Microsoft đã cho phép các chuyên gia y tế trên toàn cầu cộng tác trong các quy trình tiến hành phẫu thuật ở thế kỷ 21. Do đó, bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng HoloLens của Microsoft bằng cử chỉ tay và lệnh thoại để hiển thị hình ảnh 3D từ quá trình quét, truy cập dữ liệu của bệnh nhân và liên hệ với các chuyên gia khác. Ngoài ra, những hình ảnh trước khi phẫu thuật thu được từ quét MRI, CT và 3D có thể giúp xem dữ liệu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân theo thời gian thực.

Lĩnh vực thương mại

Không chỉ ứng dụng lĩnh vực giải trí, Metaverse còn có thể đóng vai trò quan trọng trong lộ trình phát triển và bứt phá của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán hàng. Các tính năng AR và VR của Metaverse sẽ mang đến cơ hội để doanh nghiệp tham gia thị trường kỹ thuật số tiên tiến và cung cấp các dịch vụ làm hài lòng khách hàng; cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm thực tế sẽ làm tăng tỷ lệ tương tác của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Metaverse sẽ giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ bằng các công cụ chuyển ngữ hỗ trợ thời gian thực. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể chăm sóc và hỗ trợ khách hàng của họ ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời gian nào.

Lĩnh vực giáo dục

Các ứng dụng của Metaverse sẽ tạo nên bước đột phá về phương pháp giảng dạy, cách thức tiếp cận mới cho người học và người dạy, thay vì học lý thuyết sẽ chuyển sang học thực hành, trải nghiệm thực tế qua mô phỏng 3D, các phòng LAB. Do đó, các bài học, kiến thức sẽ thực tế, chi tiết, nhanh hiểu, dễ nhớ thu hút người học, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cách cũ. Việc ứng dụng các công nghệ Metaverse tạo ra nhiều hứa hẹn để chuyển đổi phương thức giảng dạy truyền thống sang giảng dạy thông qua thực tế ảo. Metaverse giúp sinh viên tiếp cận với nhiều môi trường học tập, được lĩnh hội kiến thức từ nhiều giáo viên khác nhau trên khắp thế giới và xóa bỏ rào cản của việc học.

Lĩnh vực quân sự

Công nghệ đóng góp một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Để thay đổi chiến thuật quân sự, nhiều quốc gia đã nỗ lực tìm cách huấn luyện binh sĩ trong môi trường giả định sử dụng công nghệ AR và VR. Các chuyên gia cho biết một trong những lợi thế chính của VR là khả năng đưa người dùng vào một thế giới ảo an toàn, giảm chi phí và rủi ro, có thể áp dụng trong quá trình đào tạo binh sĩ ở chiến trường. Việc huấn luyện các binh sĩ sử dụng VR và AR có thể tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách cho việc đào tạo quy mô lớn và giảm rủi ro từ những môi trường nguy hiểm. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn khi kết hợp với trải nghiệm chiến trường thực.

Tiềm năng của Metaverse

Kể từ khi Facebook chính thức thay đổi mục tiêu, tầm nhìn từ mạng xã hội sang Metaverse, đã có hàng loạt các công ty công nghệ lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau như giải trí, thời trang… tham gia vào cuộc đua trong vũ trụ ảo. Có thể thấy rằng, Metaverse sẽ là cuộc “so găng” kịch tính của các “ông lớn” trong giới công nghệ.

Trên thế giới, năm 2014 Facebook đã thâu tóm công ty Oculus VR - một hãng chuyên sản xuất kính thực tế ảo với giá 2 tỷ USD. Facebook cũng sở hữu mạng xã hội với hơn 3 tỷ người dùng, phát hành các đồng tiền điện tử Diem thay thế cho dự án Libra trước đó. Họ đã nắm vững các công nghệ cốt lõi cho Metaverse như Social, AR/VR, Blockchain, Big Data, IoT, AI… để sẵn sàng cho tham vọng xây dựng một vũ trụ ảo song song.

Cùng với đó, Google tham gia rất sớm vào cuộc đua Metaverse bằng việc mua lại nhiều công ty công nghệ liên quan cũng như phát triển các thiết bị phần cứng và phần mềm, tiêu biểu như: Google Glasses, Google Cardboard, Google ARCore… Ngoài ra, Google cũng thành lập Google Labs có thể tập trung phát triển AR/VR. Google đang phát triển tai nghe AR mới có tên Project Iris.

Còn Microsoft đang bước vào cuộc đua xây dựng Metaverse với Teams, chỉ vài ngày sau khi Facebook đổi thương hiệu thành Meta trong nỗ lực xây dựng không gian ảo cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Microsoft sẽ tích hợp Mesh - một nền tảng hợp tác cho trải nghiệm ảo, trực tiếp vào Microsoft Teams trong thời gian tới. Ngoài ra, các công ty lớn như Apple hay Samsung đều đã có những chuẩn bị và dự tính cho riêng mình để tham gia vào cuộc đua này.

Tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá khả năng phát triển Metaverse không thua kém các công ty tiên phong trên thế giới. Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam 2022, được tổ chức sáng 15/6 tại Đà Nẵng đã ra mắt Làng công nghệ Metaverse. Đây sẽ là mở đầu cho xu hướng mới, một cổng kết nối quốc tế với Việt Nam, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam để tiến vào những sân chơi lớn. Không nằm ngoài sự thay đổi gần như mang tính bắt buộc trên, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã có những bước đi cụ thể nhằm tham gia vào Metaverse. Tiêu biểu là Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (trực thuộc Tập đoàn Viettel) đã đầu tư vào việc nghiên cứu, thiết kế và làm chủ các công nghệ mô phỏng hiện đại không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn cả dân sự.  Hay như kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam là VNG đã có phép thử đầu tiên với Metaverse khi là một trong những nhà đầu tư chính rót số vốn lên đến 81 triệu USD vào Haegin - một dự án khởi nghiệp về Metaverse của Hàn Quốc.

Về khía cạnh khởi nghiệp trong Metaverse, vào cuối năm 2021, VerseHub - Startup do người Việt làm nhà sáng lập đã nhận được khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD từ GameFi nhằm triển khai các dự án liên quan tới vũ trụ ảo. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các startup Việt trong lĩnh vực Metaverse có niềm tin để gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài.

Với ý nghĩa vượt lên trên vũ trụ hiện tại, Metaverse sẽ thay đổi cách người dùng tương tác với thế giới, từ đó tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, mang lại nhiều cơ hội cho mọi người. Tương lai của Metaserve gần như là một điều chắc chắn khi hầu như tất cả các công ty công nghệ lớn đều đã và đang đầu tư rất nhiều vào nó. Mặc dù một Metaverse thống nhất, duy nhất có thể còn cần nhiều thời gian để xuất hiện, nhưng có thể thấy những phát triển hiện nay đang dần dẫn đến việc tạo ra nó. Trong thời gian chờ đợi, người dùng đã có thể trải nghiệm các dự án giống như Metaverse đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, sự phát triển của Metaverse vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều. Trải nghiệm khi dùng Metaverse sẽ tạo ra những vấn đề mới cho xã hội như: người dùng sẽ nhập vai sống động trong thế giới ảo mà quên đi thực tại hay; thanh thiếu niên trong độ tuổi phát triển có thể quá chìm đắm trong Metaverse mà tiêu phí quá nhiều thời gian trong vũ trụ ảo, không quan tâm tới thế giới thực; hay như rủi ro mà xã hội có thể phải theo dõi và ngăn chặn tội phạm trong một thế giới phi tập trung.

Ở khía cạnh tích cực, Metaverse sẽ là nơi con người có thể học hỏi, xây dựng, giải trí, giao tiếp và cộng tác với bất kỳ đối tượng nào trên trái đất một cách hiệu quả. Được sử dụng đúng cách, Metaverse có thể mang con người lại gần nhau hơn bao giờ hết, mang lại cho nhân loại những cơ hội mới để kết nối bất kể sự khác biệt về ngôn ngữ hoặc vị trí. Đó có thể là sự khởi đầu của những môi trường mới, nơi con người có thể xây dựng những nền kinh tế hoàn toàn mới dựa trên sự phân bổ giá trị được chia sẻ. Metaverse có thể sẽ là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi trải nghiệm được xây dựng bởi con người, cho con người, trong một bối cảnh ngày càng dễ tiếp cận hơn.

Tài liệu tham khảo

1. https://101blockchains.com/top-metaverse-applications/

2. https://baochinhphu.vn/ra-mat-lang-cong-nghe-metaverse-dau-tien-tai-viet-nam-102220615124505204.htm

3. M. Sparkes, “What is a metaverse,” New Scientist, vol. 251, no. 3348, p. 18, 2021.

4. A. Siyaev and G.-S. Jo, “Towards aircraft maintenance metaverse using speech interactions with virtual objects in mixed reality,” Sensors, vol. 21, no. 6, p. 2066, 2021.

5. C. Stokel-Walker, “Welcome to the metaverse,” New Scientist, vol. 253, no. 3368, pp. 39–43, 2022.

ThS. Phạm Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Tin mới