Fortinet: Thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự và kỹ năng an toàn thông tin toàn cầu

16:00 | 10/06/2022 | DOANH NGHIỆP
Nghiên cứu mới đây của Fortinet trong Báo cáo về Khoảng cách kỹ năng An ninh Mạng toàn cầu năm 2022 (2022 Cybersecurity Skills Gap Report) đã chỉ ra nhiều vấn đề xoay quanh việc thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng và tình trạng hạn chế kỹ năng về an ninh mạng dẫn tới thách thức và hậu quả đối với các tổ chức ở châu Á.

Thiếu hụt nhân sự an ninh mạng trong khu vực châu Á

Khảo sát tại khu vực Đông Nam Á và Hồng Kông trong báo cáo cho thấy 71% các công ty tham gia khảo sát đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ trong lĩnh vực an ninh mạng. Báo cáo đã chỉ ra rằng 79% các tổ chức có ban giám đốc đã khuyến nghị tăng số lượng nhân viên chính thức làm việc trong mảng công nghệ thông tin và an ninh mạng. Chính vì vậy, việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên là những yếu tố lớn nhất đặc biệt trong tình hình ngày càng có nhiều tổ chức áp dụng công nghệ như điện toán đám mây, tự động hóa, AI,… thì vấn đề này ngày càng được quan tâm.

Cũng theo Báo cáo lực lượng lao động mạng năm 2021 của ISC (Cyber Workforce Report), Châu Á - Thái Bình Dương có sự thiếu hụt về lực lượng lao động theo khu vực lớn nhất là 1,42 triệu người. Mặc dù con số đã giảm so với năm trước, nhưng rõ ràng là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn cần nhiều giải pháp hơn.

Một trong những thách thức về tuyển dụng đó là việc tuyển các nhân sự nữ, sinh viên mới tốt nghiệp đại học và người dân tộc thiểu số. Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng 75% các tổ chức có cấu trúc chính thức với mục tiêu tuyển dụng được nhiều nhân sự nữ hơn và 59% có các chiến lược để thuê người dân tộc thiểu số. Thậm chí, 65% các tổ chức còn nỗ lực để tuyển thêm nhân sự từ nhóm các cựu chiến binh. 

Ông Peerapong Jongvibool, Phó Chủ tịch Fortinet khu vực Đông Nam Á và Hồng Kông chia sẻ thông tin với báo chí

Đào tạo nâng cao kỹ năng và nhận thức về an toàn thông tin

Báo cáo cũng phản ánh rằng, 63% đồng ý rằng thực trạng thiếu hụt kỹ năng an toàn thông tin dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về an ninh mạng đối với doanh nghiệp mang lại nhiều thách thức và hậu quả đối với các tổ chức ở châu Á, bao gồm cả việc xảy ra vi phạm về bảo mật dữ liệu, từ đó dẫn tới thiệt hại về kinh tế.

Ông Rashish Pandey, Phó Chủ tịch Tiếp thị và Truyền thông, khu vực Châu Á của Fortinet cho biết: “Chương trình Đào Tạo Nâng cao (TAA) và các khóa học của Viện Đào tạo Fortinet đã được thành lập và phát triển, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các khóa huấn luyện về an ninh mạng nhận chứng chỉ - vốn được coi là rất quan trọng đối với các tổ chức có nhu cầu tuyển dụng. Fortinet cam kết mục tiêu đào tạo 1 triệu chuyên gia, hoàn thành vào khoảng năm 2026. Cho tới này, thông qua hợp tác với các đối tác địa phương, chúng tôi đã thành công trong việc cấp hơn 840.000 chứng chỉ kể từ khi bắt đầu chương trình”.

Ông Rashish Pandey, Phó Chủ tịch Tiếp thị và Truyền thông, khu vực Châu Á của Fortinet chia sẻ thông tin với báo chí

Về đầu tư đào tạo phát triển chuyên gia an toàn thông tin trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc Fortinet Việt Nam cho biết: “Môi trường đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay chưa thể thay đổi nhanh chóng để bắt kịp được các xu hướng phát triển công nghệ tiên tiến trên thế giới. Chính vì vậy, Fortinet cũng đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các học viện an ninh mạng ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với các trường đại học như trường Đại học công nghệ Hồ Chí Minh và một số các trường đại học khác ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế,… bằng các chương trình đào tạo tập trung vào các vấn đề tiêu biểu, không theo mô hình giáo dục đào tạo thông thường tại các trường đại học. Fortinet hy vọng qua các chương trình mới sẽ giúp cho các bạn sinh viên nâng cao kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực an toàn thông tin, giúp xây dựng một lực lượng chuyên gia an ninh mạng có kiến thức và kỹ năng toàn diện cho Việt Nam”.

Ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc Fortinet Việt Nam chia sẻ thông tin với báo chí

Quốc Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới