Báo động an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu từ vụ nổ Liban

10:00 | 30/10/2024 | HACKER / MALWARE
Vụ việc hàng nghìn máy nhắn tin và các thiết bị liên lạc khác phát nổ ở Liban hồi tháng 9 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về phương thức tấn công chuỗi cung ứng mới vô cùng nguy hiểm, đánh dấu sự leo thang mới trong việc sử dụng chuỗi cung ứng chống lại các đối thủ. Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho các nhà lãnh đạo toàn cầu về việc giảm phụ thuộc vào công nghệ từ các đối thủ.

Theo các quan chức Liban, trong cuộc tấn công tinh vi này, Israel đã cài thuốc nổ vào các thiết bị liên lạc mà Hezbollah sử dụng, thông qua một chuỗi cung ứng phức tạp dựa trên mối liên kết từ Đài Loan đến Hungary. Điều này cho thấy ngay cả những công nghệ đơn giản như máy nhắn tin, bộ đàm cũng có thể bị khai thác để tấn công.

Mặc dù các thiết bị có gắn bẫy đã được sử dụng trong hoạt động gián điệp trong nhiều năm nhưng quy mô và mức độ bạo lực của cuộc tấn công ở Liban đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và làm bị thương khoảng 2.300 người là rất nghiêm trọng.

Giới chức trách lo ngại rằng các chuỗi cung ứng toàn cầu hóa, vốn được thiết kế để tối ưu hóa sản xuất và thương mại, giúp sản xuất hàng hóa giá rẻ và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lại có thể trở thành vũ khí trong tay các đối thủ nước ngoài. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đã tạo ra những điểm yếu mà các đối thủ có thể khai thác để gây tổn hại hoặc thu thập thông tin tình báo.

Melanie Hart, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hiện làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Khi bạn phụ thuộc vào các quốc gia khác về những đầu vào hoặc công nghệ quan trọng, bạn đã trao cho họ một cánh cửa hậu để đi tới mọi thứ bạn làm. Vụ việc vừa rồi là minh chứng cho thấy việc biến sự phụ thuộc đó trở thành vũ khí sẽ như thế nào".

Một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ đã mô tả những vụ nổ ở Liban chỉ là vụ tấn công mới nhất và gây sốc nhất trong một số vụ tấn công chuỗi cung ứng đang diễn ra trên khắp thế giới hiện nay. Những vụ tấn công như vậy thường cần chuẩn bị trong nhiều năm và có xu hướng nhắm mục tiêu hẹp để giảm thiểu thiệt hại tài sản. Các hoạt động ngăn chặn, trong đó có hình thức kiểm tra và bị can thiệp trước khi giao cho bên nhận hàng  đang diễn ra tràn lan.

Holden Triplett, cựu quan chức của Cục Điều tra Liên bang Mỹ cho biết: “Xâm nhập vào chuỗi cung ứng là một công cụ khá cơ bản của các cơ quan tình báo. Trong vài năm trở lại đây, hoạt động này chủ yếu được sử dụng để thu thập thông tin nhưng như chúng ta chứng kiến ​​gần đây, việc này cũng có thể được sử dụng với mục tiêu giết người có chủ đích".

Sự kiện nổ thiết bị liên lạc ở Liban cho thấy, ngay cả khi sử dụng các công nghệ cũ, lỗi thời như máy nhắn tin - công nghệ của những năm 1990 để tránh sự giám sát của Mỹ và Israel cũng không thể đảm bảo an toàn. Brad Glosserman, cố vấn cấp cao của nhóm nghiên cứu Pacific Forum (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng: “Hezbollah quyết định sử dụng công nghệ thấp để giảm khả năng bị tấn công, nhưng rõ ràng là việc này cũng không thể tránh khỏi các lỗ hổng. Điểm mấu chốt là trong một thế giới có chuỗi cung ứng mở rộng quá mức, các lỗ hổng là một phần không thể tránh, mọi tổ chức đều phải mua sắm. Lỗ hổng là một thực tế trong thể tránh khỏi của cuộc sống”.

Các chuyên gia cảnh báo, ứng dụng xâm nhập chuỗi cung ứng đang trở thành một chiến thuật phổ biến của các cơ quan tình báo. Tuy không nhắm mục tiêu cụ thể nhưng chiến thuật này vẫn có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công gây thiệt mạng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ chuỗi cung ứng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Các quốc gia cần đa dạng hóa nguồn cung cấp, tăng cường kiểm soát an ninh và phát triển công nghệ nội địa để giảm thiểu rủi ro. Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn vũ khí hóa học, cung cấp ứng dụng và xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu an toàn và bền vững hơn.

Gia Minh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới