Ukraine sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo trong cuộc xung đột với Nga
Theo Reuters, CEO Hoan Ton-That của Clearview AI, công ty phát triển ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt dựa vào kho ảnh trên mạng xã hội đã bắt đầu sử dụng công nghệ của họ trong chiến đấu. Theo đó, Ukraine muốn phát hiện lính Nga, xác thực thông tin sai lệch và xác định danh tính những người thiệt mạng.
Lee Wolosky, cố vấn của Clearview AI và cũng là quan chức ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama cho biết, Ukraine sẽ được sử dụng miễn phí phần mềm này. Họ cũng trang bị công nghệ này tại những chốt kiểm soát để xác định danh tính người qua lại.
Người sáng lập Clearview AI cho biết, họ có khoảng 2 tỷ hình ảnh từ mạng xã hội VKontakte của Nga trong tổng số 10 tỷ bức ảnh mà họ đã thu thập được. Cơ sở dữ liệu này có thể giúp Ukraine xác định danh tính những người thiệt mạng dễ dàng hơn so với việc sử dụng vân tay. Công nghệ của Clearview AI vẫn có thể xác định danh tính ngay cả khi có những tổn thương trên khuôn mặt.
Ngoài ra, phía Clearview AI cũng sẽ được sử dụng để giúp những gia đình bị chia cắt trong quá trình sơ tán có thể đoàn tụ được với nhau. Bên cạnh đó, nó cũng được kỳ vọng sẽ xác thực danh tính của các đặc vụ Nga và giúp chính phủ nước này gỡ bỏ các bài viết sai lệch trên mạng xã hội liên quan tới chiến tranh.
Tuy nhiên, chính Ton-That của Clearview AI cũng cho biết họ không thể xác định chính xác chính phủ Ukraine muốn làm gì với công nghệ này. Dẫu vậy, nó sẽ được triển khai tại Ukraine trong vài ngày tới.
Không ít nhà phê bình cho rằng công nghệ này dễ dàng sai lệch tại các trạm kiểm soát và cả trong xung đột. Ngoài ra, nó cũng không phù hợp, có thể dẫn tới cái chết của thường dân hoặc khiến các kết quả xác định sai lệch. Trong thực tế, cảnh sát Mỹ đã từng sử dụng công nghệ này và gặp phải sự cố đáng tiếc.
"Chúng ta sẽ thấy thứ công nghệ có mục đích tốt này sẽ phản tác dụng và gây hại cho những người mà đáng lẽ ra nó phải bảo vệ", Albert Fox Cahn, lãnh đạo cấp cao ở Dự án Giám sát Công nghệ của New York, cho biết.
Tuy nhiên, Ton-That nói rằng Clearview AI không bao giờ được sử dụng làm nguồn nhận dạng duy nhất. Chính công ty cũng không muốn công nghệ này được sử dụng nhưng lại vi phạm Công ước Geneva, vốn đã tạo ra các tiêu chuẩn pháp lý về đối xử nhân đạo trong chiến tranh.
Giống như những người dùng khác, người dùng ở Ukraine cũng đang được đào tạo để có thể làm chủ công nghệ. Họ cũng phải nhập số hồ sơ và lý do tìm kiếm trước khi thực hiện truy vấn.
Clearview AI hiện chủ yếu được sử dụng trong lực lượng thực thi pháp luật Mỹ. Dẫu vậy, nó đang phải đối mặt với hàng loạt các vụ kiện ở nước này vì vi phạm quyền riêng tư khi tự ý trích xuất hình ảnh trên web và mạng xã hội. Tuy nhiên, Clearview AI giải thích rằng việc thu thập dữ liệu của họ chỉ tương tự như cách Google hoạt động. Trong khi đó, một số nước như Anh hay Australia coi cách làm của Clearview AI là bất hợp pháp.
Thuỳ Dung