Trường hè mật mã: nơi phát triển nguồn nhân lực trẻ, tương lai của mật mã
Trường hè mật mã 2022
Sự kiện Trường hè mật mã tại VIASM được tổ chức thành công thu hút sự tham gia của hơn 80 học viên là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và nhà khoa học trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức và là một hoạt động quốc tế lớn, với sự tham gia giảng dạy của các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu mật mã. Sự kiện mang nhiều ý nghĩa, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng của các nhóm nghiên cứu mật mã trong nước và quốc tế.
Giáo sư Phan Dương Hiệu, Trưởng nhóm An ninh mạng - Mật mã tại trường Viễn thông Paris, người đã có rất nhiều tâm huyết và góp phần rất lớn trong việc tổ chức thành công sự kiện Trường hè mật mã cho biết: “Vào năm 2016, bên cạnh việc tổ chức hội nghị quốc tế lớn nhất ở châu Á về mật mã là ASIACRYPT, chúng tôi đã tổ chức Trường hè mật mã để chuẩn bị những kiến thức cơ bản và nền tảng cho học viên về lĩnh vực này. Những sự kiện như vậy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam tìm hiểu và nghiên cứu về mật mã. Đó là cơ sở để chúng tôi tổ chức một sự kiện như Trường hè, đưa ra những chủ đề hiện đại đang được thế giới quan tâm, giúp các bạn trẻ có cách nhìn toàn diện hơn hơn đối với tương lại của mật mã và vai trò của nó trong cuộc sống, nhất là việc giúp đảm bảo tính riêng tư (Privacy). Với chất lượng cũng như số lượng ngày một tăng cao của các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực mật mã, tôi tin tưởng trong một thời gian không xa, chúng ta có thể kết nối những cơ quan trong và ngoài nước để có những chính sách tiến bộ. Tới đây, chúng tôi cũng tổ chức sự kiện Real-Word Crypto Day giới thiệu những ứng dụng thực tế của mật mã và hy vọng Việt Nam sẽ có thể sớm tổ chức thành công hội nghị Real-Word Crypto của IACR”.
GS. Phan Dương Hiệu đã kế thừa tinh thần từ bố mình là GS. Phan Đình Diệu - giáo sư, nhà toán học, nhà khoa học máy tính lỗi lạc của Việt Nam, là một trong những người được ghi nhận có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học tại Việt Nam. Lúc sinh thời, GS. Phan Đình Diệu luôn có suy nghĩ làm sao để đất nước phát triển hơn, người dân tiếp cận được nhiều thông tin đại chúng hơn. Trên tinh thần đó, GS. Phan Dương Hiệu luôn mong rằng sau các sự kiện ông tham dự và tổ chức như Trường hè mật mã sẽ góp phần nâng cao ý thức cũng như tạo lập lên một sân chơi giúp các bạn trẻ tiếp cận các hướng nghiên cứu mới trên thế giới về lĩnh vực mật mã, để có thể chủ động cũng như trang nhiều bị kiến thức trước xu hướng phát triển không ngừng của xã hội.
Giáo sư Phan Dương Hiệu, Trưởng nhóm An ninh mạng, mật mã tại trường Viễn thông Paris
Định hướng xu hướng mật mã hiện đại
Năm nay, sự kiện Trường hè được tổ chức với 3 chủ đề: Mật mã dựa trên lưới, Các sơ đồ mật mã nâng cao và Mật mã đối xứng. Đây đều là những chủ đề được quan tâm hiện nay với tính ứng dụng thực tế cao. Bên cạnh đó, sự ra đời của máy tính lượng tử trong tương lại sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức về an toàn, an ninh thông tin. Chính vì vậy việc đưa ra các chủ đề trong trường hè năm nay nhằm chuẩn bị sẵn sàng trước xu hướng phát triển của xã hội là điều vô cùng cần thiết.
Nhận định về vấn đề này, GS. Phan Dương Hiệu cho rằng: “Nội dung của chủ đề mật mã lưới năm nay giới thiệu những sơ đồ mật mã có thể được cài đặt ngay lập tức trên những máy tính thông thường nhưng vẫn sẽ an toàn ngay cả trong tương lai khi máy tính lượng tử được sử dụng. Điều đặc biệt là bài giảng được trình bày bởi chính một tác giả của các sơ đồ mới được NIST chọn làm chuẩn. Ngay bây giờ và trong những năm tới, có thể thấy được xu hướng áp dụng những sơ đồ mật mã này vào thực tế rất cao, bởi vì những thuật toán trong những sơ đồ này có thể thực hiện trên máy tính thông thường và không quá phức tạp hơn so với những sơ đồ cũ. Vì vậy, việc chuẩn bị cho tương lai là điều cần thiết, dù chưa biết được máy tính lượng tử sẽ có ngày được sử dụng rộng hay không, sớm hay muộn. Rất nhiều dữ liệu trong thực tế cần độ bảo mật trên 50 năm, vì vậy cần lường trước để công nghệ 50 năm sau cũng không thể phá vỡ tính an toàn hiện tại. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới việc sử dụng những sơ đồ này đang là xu hướng và sẽ phát triển dần theo thời gian”.
Phát triển nguồn nhân lực mật mã quốc gia
Trên thế giới, lĩnh vực mật mã có rất nhiều chuyên gia với nhiều công trình nghiên cứu khác nhau. Đặc biệt ghi nhận nhiều nhà nghiên cứu trẻ gốc Việt có uy tín trong lĩnh vực mật mã quốc tế, như các xuất bản tại các hội nghị chính của IACR.
Tại Việt Nam, có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo lĩnh vực chuyên sâu về Toán như: Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội,… Đặc biệt là Học viện Kỹ thuật mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) - một trong những đơn vị đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực cơ yếu và bảo mật, an toàn thông tin hàng đầu trong nước, góp phần đảm bảo tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Không chỉ Trường hè mà nhiều sự kiện, hội thảo trong nước về mật mã và an toàn thông tin đã được tổ chức như Hội thảo Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin (Học viện Kỹ thuật mật mã chủ trì tổ chức), Hội thảo quốc gia VNICT (Viện Công nghệ thông tin chủ trì tổ chức), Hội thảo và triển lãm quốc tế an toàn thông tin,… được tổ chức nhằm khích lệ việc nghiên cứu và nuôi dưỡng các tài năng, giúp không ngừng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực mật mã quốc gia.
Quốc Trường