Hệ thống quản lý An toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27001:2013

10:00 | 04/03/2015 | TIÊU CHUẨN - CHẤT LƯỢNG
Tùy thuộc vào quy mô và lĩnh vực hoạt động, mỗi tổ chức có thể có các phương thức tiếp cận khác nhau để xây dựng Hệ thống quản lý An toàn thông tin (ATTT) phù hợp. Hệ thống quản lý ATTT theo tiêu chuẩn quốc tế - ISO 27001: 2013 đề cập khá đầy đủ các yêu cầu đảm bảo ATTT của một tổ chức.

1. Hệ thống quản lý ATTT (ISMS)

Theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001: 2013, thông tin và các hệ thống, quy trình, cán bộ liên quan đều là tài sản của tổ chức. Tất cả các tài sản đều có giá trị quan trọng trong hoạt động của tổ chức và cần được bảo vệ thích hợp. Do thông tin tồn tại và được lưu trữ dưới nhiều hình thức khác nhau, nên tổ chức phải có các biện pháp bảo vệ phù hợp để hạn chế rủi ro.

Bên cạnh những rủi ro về ATTT do bị tấn công phá hoại có chủ đích, tổ chức cũng có thể gặp phải những rủi ro đối với thông tin nếu : Các quy trình quản lý, vận hành không đảm bảo; Việc quản lý quyền truy cập chưa được kiểm tra và xem xét định kỳ; Nhận thức của nhân viên trong việc sử dụng và trao đổi thông tin chưa đầy đủ…. Do đó, ngoài các biện pháp kỹ thuật, tổ chức cần xây dựng và áp dụng các chính sách, quy định, quy trình vận hành phù hợp để giảm thiểu rủi ro. 

Hệ thống quản lý ATTT (ISMS) sẽ giúp tổ chức thực hiện việc kiểm soát và định hướng cho các hoạt động đảm bảo ATTT. Việc Hệ thống vận hành tốt sẽ giúp công tác đảm bảo ATTT tại tổ chức được duy trì liên tục, được xem xét đánh giá định kỳ và không ngừng cải tiến để đối phó với các rủi ro mới phát sinh. Các hoạt động đảm bảo ATTT trong tổ chức sẽ mang tính hệ thống, giảm sự phụ thuộc vào cán bộ thực thi và luôn được xem xét, đánh giá để nâng cao hiệu quả.

2. Lợi ích triển khai áp dụng ISMS

Tiêu chuẩn ISO 27001: 2013 có thể áp dụng được cho mọi loại hình tổ chức có nhu cầu bảo vệ thông tin. Việc triển khai Hệ thống ISMS theo tiêu chuẩn ISO 27001 sẽ giúp tổ chức đạt được các lợi ích sau:

- Đảm bảo ATTT của tổ chức, đối tác và khách hàng, giúp cho hoạt động của tổ chức luôn thông suốt và an toàn.

- Giúp nhân viên tuân thủ việc đảm bảo ATTT trong hoạt động nghiệp vụ thường ngày; Các sự cố ATTT do người dùng dây ra sẽ được hạn chế tối đa khi nhân viên được đào tạo, nâng cao nhận thức ATTT.

- Giúp hoạt động đảm bảo ATTT luôn được duy trì và cải tiến. Các biện pháp kỹ thuật và chính sách tuân thủ được xem xét, đánh giá, đo lường hiệu quả và cập nhật định kỳ.

- Đảm bảo hoạt động nghiệp vụ của tổ chức không bị gián đoạn bởi các sự cố liên quan đến ATTT.

- Nâng cao uy tín của tổ chức, tăng sức cạnh tranh, tạo lòng tin với khách hàng, đối tác, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và tăng cơ hội hợp tác quốc tế.

3. Cấu trúc Tiêu chuẩn ISO 27001: 2013

Khái quát về Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27001: 2013 cung cấp mô hình thiết lập, triển khai, vận hành, giám sát, xem xét, duy trì và nâng cấp Hệ thống ISMS. 

Xây dựng Hệ thống ISMS như thế nào là quyết định chiến lược của một tổ chức. Thiết kế và triển khai Hệ thống ISMS của tổ chức đó phụ thuộc vào mục tiêu, các yêu cầu về ATTT cần phải đạt được, các quy trình đang vận hành, quy mô và cơ cấu của tổ chức... Hệ thống ISMS cũng đòi hỏi phải luôn được xem xét, cập nhật để phù hợp với những thay đổi của tổ chức và nâng cao mức độ an toàn với Hệ thống lưu trữ, xử lý thông tin. Ngoài ra, tổ chức cũng cần cân nhắc chi phí đầu tư xây dựng và triển khai ISMS phù hợp với nhu cầu đảm bảo ATTT.

ISO/IEC 27001 đặc tả các yêu cầu cần thiết cho việc thiết lập, vận hành và giám sát hoạt động của ISMS; đưa ra các nguyên tắc cơ bản cho việc khởi tạo, thực thi, duy trì và cải tiến ISMS. Tiêu chuẩn này đưa ra các quy tắc bảo mật thông tin và đánh giá sự tuân thủ đối với các bộ phận bên trong tổ chức, xây dựng các yêu cầu bảo mật thông tin mà đối tác, khách hàng cần phải tuân thủ khi làm việc với tổ chức. 

Đây cũng là công cụ để các nhà lãnh đạo thực hiện giám sát, quản lý các Hệ thống thông tin, giảm thiểu rủi ro và tăng cường mức độ an toàn, bảo mật cho các tổ chức.

Cấu trúc tiêu chuẩn ISO/IEC 27001: 2013

- 07 điều khoản chính (từ phần 4 đến phần 10 của Tiêu chuẩn): đưa ra yêu cầu bắt buộc về các công việc cần thực hiện trong việc thiết lập, vận hành, duy trì, giám sát và nâng cấp Hệ thống ISMS của các tổ chức. Bất kỳ vi phạm nào của tổ chức so với các quy định nằm trong 07 điều khoản này đều được coi là không tuân thủ theo tiêu chuẩn:

Điều khoản 4 - Phạm vi tổ chức: Đưa ra các yêu cầu cụ thể để tổ chức căn cứ trên quy mô, lĩnh vực hoạt động và các yêu cầu, kỳ vọng của các bên liên quan thiết lập phạm vi Hệ thống quản lý ATTT phù hợp. 

Điều khoản 5 - Lãnh đạo: Quy định các vấn đề về trách nhiệm của Ban lãnh đạo mỗi tổ chức trong Hệ thống ISMS, bao gồm các yêu cầu về sự cam kết, quyết tâm của Ban lãnh đạo trong việc xây dựng và duy trì hệ thống; các yêu cầu về việc cung cấp nguồn lực, tài chính để vận hành hệ thống. 

Điều khoản 6 - Lập kế hoạch: Tổ chức cần định nghĩa và áp dụng các quy trình đánh giá rủi ro, từ đó đưa ra các quy trình xử lý. Điều khoản này cũng đưa ra các yêu cầu về việc thiết lập mục tiêu ATTT và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó.

Điều khoản 7 - Hỗ trợ: yêu cầu đối với việc tổ chức đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, nhân viên của tổ chức về lĩnh vực ATTT và ISMS, số hóa thông tin.

Điều khoản 8 - Vận hành hệ thống: Tổ chức cần có kế hoạch vận hành và quản lý để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời cần định kỳ thực hiện đánh giá rủi ro ATTT và có kế hoạch xử lý.

Điều khoản 9 - Đánh giá hiệu năng hệ thống: Quy định trách nhiệm của Ban lãnh đạo trong việc định kỳ xem xét, đánh giá Hệ thống ISMS của tổ chức. Phần này đưa ra yêu cầu đối với mỗi kỳ xem xét hệ thống, đảm bảo đánh giá được toàn bộ hoạt động của hệ thống, đo lường hiệu quả của các biện pháp thực hiện và có kế hoạch khắc phục, nâng cấp hệ thống cho phù hợp với những thay đổi trong hoạt động của tổ chức.

Điều khoản 10 - Cải tiến hệ thống: Giữ vững nguyên tắc Kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Hành  động (P-D-C-A), tiêu chuẩn cũng đưa ra các yêu cầu đảm bảo Hệ thống ISMS không ngừng được cải tiến trong quá trình hoạt động. Gồm các quy định trong việc áp dụng các chính sách mới, các hoạt động khắc phục, phòng ngừa các điểm yếu đã xảy ra và tiềm tàng để đảm bảo hiệu quả của Hệ thống ISMS.

- Phụ lục A - Các mục tiêu và biện pháp kiểm soát: đưa ra 14 lĩnh vực kiểm soát nhằm cụ thể hóa các vấn đề mà tổ chức cần xem xét, thực hiện khi xây dựng và duy trì Hệ thống ISMS. Các lĩnh vực đưa ra xem xét bao gồm từ chính sách của lãnh đạo tổ chức, tới việc đảm bảo ATTT trong quản lý tài sản, nhân sự, các nguyên tắc căn bản để đảm bảo ATTT trong việc vận hành, phát triển, duy trì các hệ thống CNTT....

 

Các lĩnh vực kiểm soát của Phụ lục A

Mỗi lĩnh vực kiểm soát lại được cụ thể hóa với các mục tiêu kiểm soát cần đạt được và các biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Các biện pháp kiểm soát này có thể được lựa chọn, loại bỏ hoặc bổ sung thêm để phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mỗi tổ chức. Tuy nhiên, các loại bỏ chỉ được chấp nhận khi tổ chức đưa ra các lý giải phù hợp.

4. Triển khai ISMS ở Việt Nam

Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ ISO 27001 và cũng là đơn vị tư vấn, triển khai Hệ thống ISMS cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức. FPT IS đề xuất các tổ chức xây dựng ISMS theo các bước dưới đây để đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 27001: 2013:

- Bước 1: Khảo sát và lập kế hoạch

- Bước 2: Xác định phương pháp quản lý rủi ro ATTT

- Bước 3: Xây dựng hệ thống đảm bảo ATTT tại đơn vị

- Bước 4: Triển khai áp dụng: các biện pháp đã lựa chọn, đáp ứng chính sách, quy định, quy trình đã xây dựng và yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 27001.

- Bước 5: Đánh giá nội bộ: khắc phục các điểm không phù hợp với các quy định của tổ chức và yêu cầu của tiêu chuẩn.

Sau khi thực hiện xong bước 5, tổ chức có thể mời các đơn vị độc lập để đánh giá và cấp Chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 2701:2013 cho Hệ thống quản lý ATTT đã xây dựng.

Kết luận

Hệ thống quản lý ATTT là nhu cầu thiết yếu của một tổ chức, khi cần đảm bảo ATTT một cách toàn diện. Xây dựng hệ thống ISMS theo tiêu chuẩn ISO 27001: 2013 sẽ giúp hoạt động đảm bảo ATTT của tổ chức được quản lý chặt chẽ. Do tiêu chuẩn ISO 27001 xem xét đảm bảo ATTT trên nhiều khía cạnh, nên việc xây dựng và áp dụng hệ thống đòi hỏi phải có sự quyết tâm của lãnh đạo tổ chức và sự phối hợp đồng bộ các bộ phận của tổ chức trong việc xây dựng và duy trì hệ thống. 

Những vấn đề khó khăn, cần lưu ý khi các đơn vị bắt tay vào xây dựng hệ thống ISMS là: Nhận thức của người dùng trong tổ chức về việc đảm bảo ATTT, đánh giá lợi ích mang lại khi áp dụng hệ thống ISMS chưa cao; Trách nhiệm xây dựng, duy trì hệ thống được phân công không phù hợp, đơn vị được giao không nhận được sự phối hợp, cộng tác của các đơn vị khác trong tổ chức. Bên cạnh đó, việc xây dựng và nâng cấp hệ thống cần sự quan tâm của lãnh đạo và đầu tư nguồn lực thích đáng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới