NHỮNG NHÀ MÃ THÁM: Elizabeth Smith Friedman - Quý bà phân tích mã đầu tiên của Hoa Kỳ

22:00 | 29/12/2017 | AN TOÀN THÔNG TIN
Trong Phần 1, Tạp chí ATTT (số 2 (042)/2017) đã giới thiệu về William Frederick Friedman - người sáng lập cơ quan NSA Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực mã thám, không thể không nhắc tới công lao của người đã giới thiệu về mật mã cho Friedman và trở thành người vợ, đồng nghiệp và đồng hành cùng ông, đó là Elizabeth Smith Friedman. Phần dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết về người phụ nữ say mê ngôn ngữ và đam mê mật mã này.

TỪ HUNTINGTON ĐẾN RIVERBANK

Nghiên cứu ngôn ngữ học và trở thành người thám mã

Elizabeth Smith sinh ngày 26/8/1892, tại Huntington, Indiana, Hoa Kỳ, là con út trong gia đình có chín người con. Cha của Elizabeth là một cựu chiến binh trong Nội chiến, chủ nông trại, giám đốc ngân hàng, một quan chức địa phương và là một tín đồ Quaker thuộc Hiệp hội Giáo hữu. Khi còn nhỏ, Elizabeth yếu ớt, được nuôi dạy theo kiểu một gia đình Quaker truyền thống nên đã sớm hình thành tính cách thận trọng, trầm tĩnh, quyết đoán và sáng tạo. Lớn lên, cô nghiên cứu nhiều ngôn ngữ như tiếng Latin, Hy Lạp, Đức, và tiếng Anh.

Tháng 6/1916, sau một năm làm hiệu trưởng trường trung học ở một thị trấn nhỏ gần Wabash Indiana, Elizabeth đến Chicago để tìm việc làm mới. Cô đến thư viện Newberry, nơi có bản gốc các vở kịch của Shakespeare từ năm 1623  và đã gặp George Fabyan, người đang tìm cộng sự để cùng nghiên cứu về mật mã song song của Bacon trong các tác phẩm của Shakespeare. Elizabeth đã được nhận vào làm việc tại Phòng nghiên cứu Riverbank của George Fabyan. Tại đây, Elizabeth gặp bà Elizebeth Wells Gallup, người đã có nhiều sách và bài báo chứng minh rằng, Francis Bacon là tác giả của các vở kịch và tác phẩm của Shakespeare. Tại Riverbank, Elizabeth cũng đã gặp và yêu William Friedman - một trong số 15 nhân viên làm việc tại Riverbank. Họ đã kết hôn vào tháng 5/1917 và cùng làm việc trong gần bốn năm tiếp theo tại Riverbank - cơ sở nghiên cứu mật mã duy nhất ở nước Mỹ vào thời điểm đó.

Tại Riverbank, Elizabeth gia nhập một đội ngũ đa tài, có những người đánh máy, dịch giả, chuyên gia về di truyền, âm học và kỹ thuật. Từ công việc, Elizabeth đã thu thập được nhiều thông tin lịch sử về văn bản bí mật. Cho đến khi thành lập Văn phòng Mật mã của Quân đội, Riverbank là cơ sở duy nhất có khả năng khai thác và giải mã các tin nhắn được mã hóa.

Trong chiến tranh Thế giới lần thứ I, Fabyan quyết định thành lập đơn vị mật mã tại Riverbank và nhận giải mã các tin nhắn mật cho cơ quan tình báo ở Washington. Tướng Joseph Mauborgne, Giáo sư John Manly và Đại tá Parker Hitt đã có lần thăm Riverbank và rất hài lòng với trình độ chuyên môn của các nhân viên. Sau chuyến thăm đó, Quân đội Mỹ đã chuyển tiếp các tin nhắn mã hóa chặn bắt được đến Riverbank. Vì sức ép về công việc cùng với lòng đam mê, William đã bỏ nghiên cứu về di truyền học, Elizabeth đã ngừng hỗ trợ trong dự án của Gallup, để cùng làm việc về mật mã cho quân đội và Bộ Tư pháp.

Vụ án âm mưu Hindu-Đức

Trong Thế chiến I, để chống lại Anh, Đức đã bí mật hỗ trợ nhóm người Ấn Độ sinh sống tại Anh, đang thực hiện âm mưu mua vũ khí, đạn dược ủng hộ cuộc nổi dậy chống lại nhà cầm quyền đang cai trị đất nước họ. Các mưu kế nhằm làm phân tán sự chú ý và lực lượng của Anh, lợi dụng tình hình một nước Anh bị suy yếu để tấn công. Các nhà chức trách Anh đã biết được một số danh tính trong nhóm tình báo Đức và Ấn Độ gồm khoảng gần hai trăm người làm việc trong các văn phòng ở Berkeley và California. Vào đầu tháng 11/1917, rất nhiều thư tín mã hóa bị các cơ quan kiểm duyệt bưu chính Anh chặn bắt được chuyển về Riverbank. Những thư này đã được chuyển giữa các nhóm gián điệp khác nhau, nội dung được mã hóa bao gồm hàng loạt các nhóm ba, chẳng hạn như 7-11-3, 8-5-6, 3-9-15,.... Elizabeth đảm đương vai trò chính trong việc giải mã những phần của các thông điệp bằng tiếng Anh. Sau khi nghiên cứu, Elizabeth đã xác định được rằng, các bộ nhóm ba này phải tham chiếu tương ứng với trang, dòng và vị trí trong dòng của một cuốn “sách mã” nhất định. Nghĩa là, 1-2-3 có nghĩa là trang 1, dòng 2, chữ hoặc từ thứ 3 trong dòng này của quyển sách chưa biết. Elizabeth phán đoán rằng, như một thuật ngữ, đây không phải là mật mã, mà là “mã số”. “Khóa” sẽ hiểu là cuốn sách nào đó dùng để tham chiếu và có ít khả năng để giải mã bất kỳ tin nhắn nào mà không cần cuốn sách mã này.

Có hai phiên tòa “Hindu-Đức” được mở tại Chicago và ở San Francisco. Ông bà Friedman đã làm chứng tại phiên tòa Chicago, William còn làm chứng tại phiên tòa San Francisco. Họ giải thích việc thám mã và xác định tên phù hợp của một trong những đại lý Hindu[Chakvravarty]. Từ đây, theo từng đoạn, văn bản rõ của các thông điệp, họ đã xác định được các từ lặp lại nhiều lần trên các trang và  dòng của trang đó theo chủ đề thuộc về kinh tế - chính trị hoặc là lịch sử thương mại. Cuối cùng, ông bà Friedman đã tìm ra 2 cuốn sách mã mà tội phạm đã sử dụng để liên lạc. Đó là cuốn sách về kinh tế chính trị và cuốn từ điển Anh - Đức để làm bằng chứng luận tội tại 2 phiên tòa này.

LÀM PHÂN TÍCH MẬT MÃ CHO CHÍNH PHỦ

Rời khỏi Riverbank làm mật mã trong quân đội

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, William trở lại làm việc cùng với Elizabeth ở Riverbank và đoàn tụ ở Pittsburgh. Họ cũng đã từ chối làm công việc nghiên cứu về lý thuyết mật mã song song Shakespeare và không ở trên đất của Riverbank nữa. Trong thời gian này, William đã viết cuốn sách nổi tiếng tựa đề Chỉ số trùng hợp ngẫu nhiên và các ứng dụng của nó trong việc thám mã. Quân đội Mỹ cũng đã giảm lưu lượng điện gửi đến Riverbank để họ giải mã và chuẩn bị cho kế hoạch thành lập đơn vị mật mã ở Washington DC. Từ tháng 01/1921, gia đình Friedman rời tới Washington DC, họ đã làm việc cho Quân đoàn tín hiệu của quân đội. Trong khoảng sáu tháng trong năm 1923, Elizabeth làm việc cho Hải quân Hoa Kỳ với cương vị trưởng bộ phận xây dựng mã.

Tham gia lực lượng Cảnh sát biển và Kho bạc

Khoảng năm 1925, việc buôn lậu rượu bắt đầu trở thành một công việc kinh doanh thời thượng và siêu lợi nhuận. Trong năm 1931, chỉ riêng việc điều chỉnh thuế áp cho Conexco (Tập đoàn xuất nhập khẩu của Vancouver, hay Conexco-là tập đoàn lớn nhất trong số các tập đoàn nhập khẩu rượu bất hợp pháp vào Hoa Kỳ trong thời gian Cấm) đã lên tới trên 119 triệu USD. Các tuyến đường thủy giữa bờ biển Florida và Bahamas, giữa Florida và Cuba, đã trở thành các tuyến thường xuyên buôn rượu lậu.

Elizabeth nhận được lời mời làm việc của đại úy Root, một quan chức Tình báo làm việc trong lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ. Ông này được giao nhiệm vụ lập ra Đội cảnh sát tuần tra bờ biển để hỗ trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật của Bộ Tài chính. Elizabeth được bổ nhiệm làm một “đại lý đặc biệt” của Cục Kiểm soát Ngoại giao thuộc Bộ Tư pháp, làm việc hợp đồng cho đại úy Root. Bà được giao nhiệm vụ nhận các tin nhắn đã mã hóa và thông tin liên quan từ cơ quan của đại úy Root về giải mã và trả tài liệu cho đơn vị này.

Cho đến năm 1928, Conexco đã sử dụng phương pháp truyền thông bằng hệ thống mật mã chung cho tất cả các tàu. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1930, mỗi tàu của đội tàu Conexco sử dụng một hệ thống mật mã khác nhau. Họ đã có một hạm đội Thái Bình Dương khoảng 40 tàu (chủ yếu là thuyền máy, ngoài ra có một số tàu hơi nước và các loại tàu biển khác), khoảng một nửa trong số chúng hoạt động và thường xuyên trao đổi thông tin.

Từ tháng 5/1928 đến tháng 01/1930, đã có khoảng 3.300 tin nhắn được truyền đi giữa 5 trạm chuyển bờ và 25 tàu. Mã hóa đôi khi liên quan đến phương pháp nhiều bước, đầu tiên mã bằng cách sử dụng một mã số thương mại, sau đó sử dụng một mã khác. Elizabeth đã làm việc phân tích mật mã với sự bền bỉ, kiên trì và nghị lực đáng kinh ngạc. Thông thường, bà dành khoảng hai tháng để phá vỡ một hệ mã mới, sau đó, bà giao lại cho các trợ lý giải mã trực tiếp những phần còn lại.

Elizabeth Friedman đã xuất hiện với tư cách là một nhân chứng chuyên gia thay mặt cho Cơ quan Điều tra Hải quan cho các trường hợp chống buôn lậu qua Hoa Kỳ diễn ra ở California, Galveston và Houston, Texas và tại New Orleans, Louisiana.

Trường hợp con tàu I’m Alone

Trong những năm 1920, con tàu mang tên I’m Alone (Tôi cô đơn) trở nên nổi tiếng với lực lượng Bảo vệ bờ biển bởi nó được trang bị tối tân, hiện đại. Với cặp động cơ 100 mã lực và đài phát thanh có tầm phủ sóng khoảng 1.000 dặm, trong gần 6 năm hoạt động, nó đã vượt qua một cách kỳ lạ trước sự kiểm soát của Bảo vệ bờ biển. Vào tháng 3/1929, con tàu đã bị bắn trong Vịnh Mexico ngoài bờ biển Louisiana sau một cuộc đuổi bắt làm một thành viên phi hành đoàn chết và một số bị bắn trọng thương. Con tàu I’m Alone bị chìm bởi thân tàu trúng rất nhiều đạn.

Khi Elizabeth vào cuộc thì vấn đề con tàu I’m Alone bị đắm đã trở thành một sự kiện quốc tế bởi nó treo cờ quốc tịch Canada. Bằng cách phân tích thông tin được mã của tàu cùng với linh cảm về ngôn ngữ và kinh nghiệm giải mã các thông điệp được mã hóa bằng phương pháp mã sách, Elizabeth đã tìm ra bằng chứng làm mất hiệu lực việc tuyên bố rằng, tàu I’m Alone đã hoạt động và thuộc sở hữu của Canada. Trong tháng 01/1935, tòa án tuyên bố rằng: từ tháng 9/1928 đến ngày bị đánh chìm, con tàu I’m Alone mặc dù đăng ký thuộc Canada, nhưng sở hữu thực tế, kiểm soát, quản lý và vận hành nó cũng như các hoạt động giao nhận hàng hóa trên tàu đều do một nhóm người thuộc công dân Hoa Kỳ. Con tàu I’m Alone được sử dụng vì mục đích chuyên chở rượu mạnh có nguồn gốc từ Honduras (thuộc Anh) để bán bất hợp pháp trong lãnh thổ của Hoa Kỳ. Do vậy, tòa án kết luận, không có bồi thường đối với sự mất mát của tàu I’m Alone và hàng hóa trên đó….

ELIZABETH SMITH FRIEDMAN - “Quý bà cười”

Nhiều đóng góp của Elizabeth đối với khoa học mật mã được đánh giá là rất độc đáo. Mỗi khi làm chứng tại một phiên tòa, báo chí và công chúng thường săn tìm bà, vì bị cuốn hút bởi lĩnh vực làm việc và việc Elizabeth là người phụ nữ duy nhất phân tích mã lúc bấy giờ. Điều này bất thường đến nỗi báo chí trở nên quá hấp dẫn với hai khía cạnh của đề tài khiến họ đánh mất sự “kiềm chế”. Sau khi bà làm chứng trong vụ bắt hai anh em buôn lậu chất ma tuý ở San Francisco, Tạp chí Dịch vụ Toàn cầu đã đặt tên cho Elizabeth là “Quý bà cười” (Smiling Lady). Ngoài ra, bà còn có các biệt danh khác như Lady Manhunter, Key Woman of Keymen.... Trong khi bà có những ấn tượng tốt đẹp về cách mà các nữ nhà báo miêu tả bà, nhưng không khỏi khó chịu về những câu chuyện, những tính từ phù phiếm của các đấng mày râu viết báo dành cho bà. Ở Vancouver, khi làm chứng trong một vụ án thuốc phiện, sự hấp dẫn của người nổi tiếng, thu hút sự chú ý của công luận đến nỗi mà bà phải sử dụng tên của chồng để giao dịch. Bà cũng đã từng bị 7 luật sư bào chữa phản đối khi tên Elizabeth S. Friedman được nêu là một nhân chứng chuyên gia tại phiên tòa....

Trong suốt sự nghiệp của mình, Elizabeth dường như đã nhận thức được vai trò tiên phong của người phụ nữ trong ngành Mật mã. Theo Điều tra Dân số năm 1920 của Mỹ, khoảng 39% lao động làm việc ở D.C. là phụ nữ và hầu hết phụ nữ làm việc ở các vị trí thấp. Bà cũng đã mong muốn thuê phụ nữ làm mật mã, nhưng trên các bảng đăng ký với các ứng viên đủ điều kiện sơ tuyển, bà đã không chọn được người phù hợp. Họ đã không phá vỡ được tin nhắn đã mã hoá cho Lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ. Thực tế, Elizabeth là người phụ nữ duy nhất được sử dụng bởi Lực lượng Cảnh sát biển khi bà được tuyển dụng. Bà trở thành nhân vật giải mã chính yếu của Lực lượng Cảnh sát biển, sau đó là Bộ Tài chính, để bắt những kẻ buôn lậu ma túy, rượu và hỗ trợ quốc tế giúp chính phủ Canada chống nhóm tội phạm thuốc phiện Columbiana, bắt những kẻ buôn lậu rượu ở Vancouver. Trong sự nghiệp của mình, bà đã phá vỡ mã số cho hơn 12.000 tin nhắn vô tuyến, có những ngôn ngữ khác biệt như tiếng Trung được sử dụng trong các đại lý thuốc phiện Trung Quốc, sử dụng tiếng lóng như cụm “Người phụ nữ búp bê” của nhóm gián điệp phục vụ Nhật Bản  thu tin về vụ Trân Châu Cảng….

Elizabeth Friedman về hưu vào năm 1946, rồi cùng với chồng, hai người trở lại nghiên cứu và viết sách về vấn đề mật mã Francis Bacon. Trong năm 1957, họ công bố kết quả như lời phán xét rằng, Bacon không viết các vở kịch của Shakespeare. Sau năm 1969, khi Friedman qua đời, Elizabeth dành phần lớn thời gian để hoàn tất một thư viện và tài liệu tham khảo về các công việc đã trải qua - “Bộ sưu tập các tài liệu mật trên thế giới lớn nhất thế giới” và giao lại cho một thư viện ở Lexington, Virginia. Elizabeth qua đời vào ngày 31/10/1980 ở tuổi 88 tại Plainfield, New Jersey. Bà được chôn cất cùng chồng tại nghĩa trang Quốc gia Arlington.

Không có nghi ngờ gì để khẳng định, bên cạnh những thành tựu gắn bó gần gũi với người chồng là William, Elizabeth Friedman nổi bật như một quý bà mật mã tuyệt vời, nổi tiếng nhất ở Mỹ trong giai đoạn từ cuối những năm 1920 đến đầu những năm 1930. Thông qua các thông tin giải mã được cung cấp tại nhiều phiên tòa, trong đó có một số phiên tòa được đánh giá là quan trọng nhất trong thời đại đó, vượt qua những người phụ nữ đương đại, Elizabeth Smith Friedman được báo giới ca ngợi là Quý bà phân tích mã đầu tiên của Hoa Kỳ.

Tài liệu tham khảo

1. Carrie Hagen, “The Coast Guard’s Most Potent Weapon During Prohibition? Code-breaker Elizabeth Friedman,” Smithsonian, January 28, 2015, accessed September 26, 2016, 

2.  The Elizabeth Smith Friedman Collection, Scope and Content Note

3. David Joyner, Elizebeth Smith Friedman, up to 1934, 2013-08-17

4. https://www.nsa.gov/nsagov/ , Elizebeth S. Friedman

5. https://blogs.weta.org/boundarystones/users/max-lee, Elizebeth Friedman: Coast Guard Code Breaker

Nguyễn Ngọc Cương, Nguyễn Văn Ngoan

Tin cùng chuyên mục

Tin mới