Pháp thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo

15:00 | 31/01/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Những năm gần đây với lợi thế nền tảng khoa học kỹ thuật, Pháp đã tăng cường nghiên cứu cơ bản, thúc đẩy ứng dụng và chuyển đổi công nghệ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Là công nghệ mới nổi mang tính chiến lược, dẫn đầu cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi công nghiệp mới (cách mạng công nghiệp 4.0), AI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ, tối ưu hóa và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao. Do đó, AI trở thành lĩnh vực nóng được các quốc gia quan tâm và cạnh tranh phát triển.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Đức, Nhật Bản và các nước khác đã đưa ra chiến lược quốc gia về AI nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển (Research and Development - R&D), ứng dụng. Là thành viên trụ cột của Liên minh châu Âu (EU), Pháp có nền tảng nghiên cứu về AI vững chắc, đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tích cực, ứng dụng công nghệ này trong nhiều lĩnh vực của kinh tế - xã hội và quyết tâm trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Quá trình phát triển AI ở Pháp

Trong giai đoạn 1970 - 1980, Pháp thành lập một số nhóm nghiên cứu cơ bản về thuật toán và hỗ trợ ra quyết định liên quan đến AI. Nhờ có lợi thế vượt trội về toán học và khoa học thông tin, Pháp đã quy tụ được nhiều nhân tài, các tổ chức và nhóm nghiên cứu về AI. Điều này thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh liên quan đến AI.

Thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực toán học và AI

Đến nay đã có 12 người Pháp giành được Huy chương Fields (tương đương với giải Nobel về toán học) được trao 4 năm một lần, chiếm khoảng 20% số người được trao giải (61). Điều này khiến Pháp chỉ đứng sau Hoa Kỳ (18 người). Nếu xét theo tỷ lệ dân số, đóng góp của Pháp cho lĩnh vực toán học đứng đầu thế giới. Nhiều nhà toán học nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp, trong đó có Descartes, Fermat, Lagrange, Fourier, Cauchy,… họ đã đề xuất nhiều lý thuyết toán học cơ bản như lý thuyết hàm tổng quát, lý thuyết kỳ dị, phương trình vi phân từng phần phi tuyến và phương trình Boltzmann; qua đó đã đặt nền tảng toán học quan trọng cho lĩnh vực AI cùng thời phát triển. Trong số đó, Cedric Villani (Huy chương Fields năm 2010) đã chứng minh rằng phương trình Boltzmann bị suy giảm phi tuyến và hội tụ đến trạng thái cân bằng, cung cấp cơ sở lý thuyết quan trọng cho tối ưu hóa các thuật toán học sâu.

Từ nền tảng nghiên cứu toán học và khoa học thông tin, nhiều nhà khoa học Pháp đã đạt được thành tựu trong nghiên cứu cơ bản lĩnh vực AI, như mạng nơron tích chập (Convolutional Neural Network). Giáo sư Yann LeCun - nhà tiên phong về học sâu đã đào tạo hệ thống mạng nơron tích chập đầu tiên bằng cách sử dụng hình ảnh các chữ số viết tay (cuối những năm 1980), cùng với hai nhà toán học Yoshua Bengio và Geoffrey Hinton, đề xuất mạng nơron tích chập, cải tiến thuật toán lan truyền ngược, mở rộng quan điểm về mạng nơron và giành được Giải thưởng Turing năm 2018. Mạng nơron tích chập được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như thị giác máy tính, nhận dạng giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Phòng thí nghiệm GrAI Matter Labs tiên phong về điện toán mô phỏng hệ thần kinh công suất cực thấp. Năm 2018, phòng thí nghiệm đã đề xuất mô hình điện toán mô phỏng thần kinh độc đáo dựa trên hơn 20 năm nghiên cứu về não người để khắc phục những hạn chế của máy Von Neumann và bộ xử lý ứng dụng truyền thống; cung cấp khả năng xử lý song song trên diện rộng, phân tích cảm biến và học máy được lập trình đầy đủ, đồng thời giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng (nghiên cứu công bố trên tạp chí “Nature” năm 2021 chứng minh mức tiêu thụ năng lượng của công nghệ mô phỏng thần kinh là 1/16 đến 1/4 so với các hệ thống AI truyền thống).

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) dẫn đầu về R&D tế bào thần kinh nano nhân tạo có độ ổn định cao, có thể nhận biết các âm sắc khác nhau và xử lý nhanh chóng dữ liệu lớn theo thời gian thực, mở đường cho việc sản xuất các vi mạch tiết kiệm năng lượng hơn [1].

Lực lượng nghiên cứu AI đông đảo

Môi trường đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Pháp đã tạo điều kiện cho việc quy tụ các nhân tài AI. Theo “Báo cáo tài năng AI toàn cầu” của LinkedIn [2], tính đến năm 2017, số lượng nhân lực chuyên môn lĩnh vực AI toàn cầu là 1,9 triệu, trong đó Pháp có 50.000 người, xếp vị trí thứ bảy trên thế giới.

Tính đến năm 2018, Pháp có hơn 250 nhóm nghiên cứu và 35 trung tâm đào tạo cấp bằng thạc sĩ về AI. Năm 2019, Pháp bổ sung thêm 40 trường cao đẳng, đại học đào tạo chuyên ngành AI, tăng gấp đôi số lượng nghiên cứu sinh AI, từ 250 lên 500 người.

Viện nghiên cứu AI liên ngành của Pháp tích cực thúc đẩy đào tạo nhân tài AI giữa các lĩnh vực khác nhau. Tính đến năm 2021, Viện 3IA đã đào tạo tổng cộng 454 tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ các chuyên ngành liên quan đến AI, hơn 13.000 chuyên gia trong lĩnh vực AI. Pháp có nhiều nhân tài hàng đầu thế giới về học sâu và nhận dạng mẫu, như Yann LeCun (về học sâu), Cedric Villani (đoạt Huy chương Fields), Claude-François Picard (sáng lập nhóm nghiên cứu GR22)...

Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Tài chính và Chủ quyền Công nghiệp và kỹ thuật số Pháp, tính đến năm 2021 Pháp có 81 cơ sở nghiên cứu liên kết cao cấp, đa ngành về AI, đứng đầu châu Âu. Trong số đó, CNRS là một trong những tổ chức nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng nhất ở Pháp và thậm chí cả châu Âu, đồng thời cũng là nơi có lực lượng nghiên cứu hàng đầu về AI. CNRS đã thành lập tổng cộng 51 phòng thí nghiệm AI liên kết với các trường đại học và đơn vị nghiên cứu khoa học, hình thành các cơ sở nghiên cứu hỗ hợp, liên ngành, xuyên tổ chức. Tiêu biểu trong số đó có Phòng thí nghiệm Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo LIP6 do CNRS và Đại học Paris VI cùng xây dựng; Phòng thí nghiệm Khoa học máy tính, Robot và Vi điện tử LIRMM, Phòng thí nghiệm Toán học IMT do CNRS và Đại học Montpellier cùng xây dựng. CNRS cũng thành lập 04 nhóm nghiên cứu chung về AI (Groupement de Recherche, GDR) [3], tập hợp các chuyên gia hàng đầu cùng nghiên cứu về các lĩnh vực cơ bản của AI như: mô hình và thuật toán (nhóm GDR IA), thông tin hình ảnh và xử lý tín hiệu hình ảnh (nhóm GDR ISIS), phân tích dữ liệu và ra quyết định kiến ​​thức (nhóm GDR MADICS), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (nhóm GDR TAL).

Làn sóng đổi mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực AI

Các công ty khởi nghiệp Pháp trong lĩnh vực AI duy trì xu hướng tăng trưởng, qua đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ AI. Để khuyến khích đổi mới công nghệ và khởi nghiệp, chính phủ Pháp đã đưa ra các chương trình hỗ trợ dài hạn như “La French Tech” nhằm tạo môi trường chính sách thuận lợi cho đổi mới và khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy ươm tạo các công ty khởi nghiệp AI.

Theo báo cáo "Triển vọng của công nghệ AI ở Pháp năm 2019" (Bộ Tài chính Pháp) cho thấy, công nghệ AI được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như ngành y tế, sản xuất, vận tải, tài chính, nông nghiệp; trong đó, AI được ứng dụng nhiều nhất là ngành y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, chẩn đoán y tế và nghiên cứu y học. Tính đến năm 2021, có 502 công ty khởi nghiệp về AI ở Pháp, tăng 11% so với năm 2020. Các thị trường ứng dụng chính như lái xe tự động, tài chính, robot, máy bay không người lái và in 3D.

Pháp có nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao, kết hợp với các chính sách kinh tế thuận lợi đã khuyến khích hoạt động R&D của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhiều công ty đa quốc gia đến Pháp đầu tư. Một số công ty công nghệ quốc tế hàng đầu đã thành lập trung tâm R&D tại Pháp. Năm 2018, Facebook thành lập trung tâm R&D công nghệ AI thứ ba tại Paris sau Menlo Park và New York ở Mỹ, để phát triển R&D các công nghệ chủ chốt như nhận dạng giọng nói tự động, nhận dạng hình ảnh và học máy. Năm 2019, Tập đoàn Microsoft đã thành lập Trung tâm phát triển AI toàn cầu tại Pháp và Tập đoàn Intel cũng khai trương trung tâm nghiên cứu dữ liệu lớn đầu tiên của châu Âu tại Pháp.

Với năng lực đổi mới công nghệ mạnh mẽ, các công ty nội địa Pháp đã thu hút được nhiều công ty công nghệ quốc tế đến hợp tác đầu tư. Một số dự án đào tạo ngôn ngữ tự nhiên dựa trên tiếng Pháp hấp dẫn các công ty đa quốc gia như Google và Facebook; công ty máy học Moodstocks, công ty robot Aldebaran Robotics và một số công ty hàng đầu khác của Pháp đã được Google và SoftBank của Nhật Bản đầug tư, qua đó huy động được nguồn lực toàn cầu tới Pháp.

Các giải pháp thúc đẩy phát triển AI của Pháp

Triển khai các chiến lược về trí tuệ nhân tạo

Chính phủ Pháp có kế hoạch phát triển AI một cách hệ thống. Tháng 3/2017, Pháp ban hành "Chiến lược AI của Pháp" [5], nêu rõ chính phủ Pháp nên phát triển công nghệ AI từ góc độ chiến lược, tích hợp các nguồn lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực AI và đảm bảo rằng Pháp sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về AI ở Châu Âu. Chiến lược tích hợp AI vào các chiến lược và sáng kiến ​​đổi mới hiện có; đề xuất hơn 50 biện pháp chính sách để thúc đẩy phát triển AI, tập trung vào R&D, công nghệ, đào tạo nhân tài, chuyển đổi ứng dụng, đạo đức và an toàn,...

Tháng 3/2018, Tổng thống Pháp Macron đã có bài phát biểu "AI mang lại lợi ích cho nhân loại" tại hội nghị chuyên đề về AI do Collège de France tổ chức. Sau đó, Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp đã ban hành “Chiến lược R&D AI quốc gia” vào tháng 11 cùng năm, để thúc đẩy xây dựng mạng lưới AI liên ngành, xây dựng trung tâm R&D AI đẳng cấp thế giới, tăng cường giáo dục và đào tạo, đầu tư vào sức mạnh tính toán cho nghiên cứu... phấn đấu đưa Pháp trở thành cường quốc AI, có thể cạnh tranh với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong R&D.

Tháng 11/2019, Bộ Quốc phòng Pháp đã ban hành "Lộ trình ứng dụng AI vào Quốc phòng", trong đó nêu 5 khía cạnh chính: yêu cầu phần cứng dữ liệu, chiến lược R&D đổi mới, khuôn khổ đạo đức và pháp lý, cơ chế tổ chức và nhiệm vụ trọng tâm, hợp tác quốc tế.

Tháng 11/2021, Pháp công bố "Chiến lược phát triển AI quốc gia giai đoạn hai 2021-2025" [6], trong đó làm rõ các nhiệm vụ cốt lõi và các biện pháp chính để phát triển AI trong 5 năm tới. So với chiến lược phát triển giai đoạn đầu, chiến lược giai đoạn hai tăng cường đầu tư tài chính (2,22 tỷ euro từ 2021 - 2025), chuyển trọng tâm từ phát triển R&D cơ bản sang đào tạo nhân tài cũng như tích hợp và ứng dụng công nghệ thông minh vào nền kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành về AI

Pháp tích cực thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, tập trung vào 3 vấn đề chính là: giáo dục và đào tạo, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Tháng 4/2019, Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp đã lựa chọn 4 vùng có thế mạnh nghiên cứu (Paris, Grenoble, Toulouse và Nice) để thành lập các trung tâm nghiên cứu liên ngành về AI, hình thành mạng lưới liên kết nghiên cứu hàng đầu, gồm: Trung tâm nghiên cứu liên ngành về AI Paris (PRAIRIE), Trung tâm nghiên cứu liên ngành về AI Grenoble (MIAI), Trung tâm nghiên cứu liên ngành AI Toulouse (ANITI) và Trung tâm nghiên cứu liên ngành Nice về AI (3IA Côte d'Azur). Trung tâm nghiên cứu liên ngành AI được điều phối bởi Viện Nghiên cứu Khoa học máy tính và Tự động hóa quốc gia (INRIA), đồng thời được các cơ quan chính phủ, tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đồng tài trợ.

Việc tập hợp các doanh nghiệp và đội ngũ nghiên cứu đẳng cấp thế giới có lợi cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới AI. Lấy Trung tâm nghiên cứu liên ngành về Trí tuệ nhân tạo Nice làm ví dụ, đã tập hợp được lực lượng nghiên cứu và nguồn lực công nghiệp ở vùng miền Nam nước Pháp.

Chú trọng đào tạo nhân tài

Pháp rất coi trọng việc bồi dưỡng nguồn nhân lực về AI. Năm 2021, chính phủ Pháp đã đầu tư 781 triệu euro để triển khai 2 kế hoạch đào tạo nhân tài AI kéo dài 5 năm, gồm "Kế hoạch đào tạo nhân tài về AI" và "Kế hoạch đào tạo quy mô lớn về AI". "Kế hoạch đào tạo nhân tài về AI" hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học tăng cường nguồn lực cho đào tạo AI, nâng cao uy tín của các trường đại học Pháp và thu hút sinh viên quốc tế đến Pháp.

Còn “Kế hoạch đào tạo quy mô lớn về AI" hướng mục tiêu phổ biến giáo dục AI đến đại chúng. Một mặt, mở rộng các môn học, ngoài các môn cơ bản như toán, khoa học máy tính; phát triển các khóa đào tạo đa ngành về AI, robot và kỹ năng dữ liệu; tăng cường giáo dục liên ngành như AI & an ninh mạng, AI & khoa học đời sống, AI & điện toán đám mây. Mặt khác, xây dựng chương trình đào tạo dành cho những người không chuyên (bên cạnh hệ thống học thuật chuyên nghiệp) để tăng nguồn nhân lực cho phát triển AI.

Bên cạnh đó, Pháp thành lập 210 trường kỹ thuật, lập mới các chuyên ngành đào tạo AI trong các trường cao đẳng và đại học này. Chẳng hạn Trường Bách khoa Paris (École polytechnique), Trường École nationale supérieure des mines de Paris triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ AI từ năm 2018.

Tăng cường ứng dụng AI trong các lĩnh vực trọng điểm

Trong khuôn khổ "Kế hoạch đầu tư tương lai" (dự án R&D nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh; Investments for the Future programme; PIA) Pháp tăng nguồn tài trợ cho các dự án liên quan đến AI. Từ năm 2018, PIA đã tài trợ cho 10 dự án liên quan đến AI, bao gồm các dự án ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế, lái xe tự hành…. Năm 2020, Ngân hàng Đầu tư quốc gia Pháp (Bpifrance) triển khai chương trình tài trợ “Thách thức IA” (Challenge IA) dành cho các công ty khởi nghiệp AI, tập trung vào bốn lĩnh vực chính là y tế, giao thông, môi trường và an ninh quốc phòng (tổng cộng có 13 dự án đã được tài trợ, giúp 21 công ty và 5 tổ chức công đạt được chuyển đổi thông minh). Đồng thời, Pháp triển khai nhiều dự án về nhóm dữ liệu trong các lĩnh vực nông nghiệp (AgDataHub), hậu cần (IACargo), xử lý giọng nói tự động (VoiceLab); thiết lập nền tảng AI chung (Aleia).

Trong các lĩnh vực ứng dụng AI, Pháp ưu tiên lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng. Năm 2018, Hội đồng Đổi mới Pháp (Conseil del'Innovation) công bố kế hoạch “Thử thách AI - Sử dụng AI để cải thiện chẩn đoán y tế”, đầu tư 30 triệu euro trong vòng 3 năm để thúc đẩy phát triển thuật toán và ứng dụng kỹ thuật AI trong lĩnh vực y tế. Năm 2019, chính phủ Pháp đã thành lập Trung tâm Dữ liệu Y tế, được kết nối với Hệ thống Dữ liệu Y tế quốc gia (SNDS) để tích hợp và lưu trữ dữ liệu sức khỏe của công dân.

Chú ý đến vấn đề rủi ro và đạo đức trong ứng dụng AI

Pháp rất coi trọng các vấn đề đạo đức và an toàn do ứng dụng AI mang lại. Ủy ban Quốc gia về Công nghệ thông tin và Tự do dân sự Pháp (CNIL) với tư cách là cơ quan quản lý dữ liệu của Pháp đã ban hành một số quy định và hướng dẫn bảo mật. Về mặt an toàn thuật toán, công bố báo cáo "Rủi ro đạo đức về AI và thuật toán" [7], trong đó phân tích cụ thể một loạt vấn đề đạo đức có thể do thuật toán AI gây ra và đề xuất các biện pháp quản trị.

Về mặt bảo mật hệ thống, ban hành "Tự đánh giá hệ thống AI" và "Hướng dẫn bảo mật hệ thống AI", cung cấp cho các tổ chức chuyên ngành và chuyên gia các kiến ​​thức, công cụ lý thuyết và hướng dẫn triển khai về bảo mật AI, đồng thời đưa ra các khuyến nghị vận hành nhằm tăng cường bảo mật của hệ thống AI. CNIL cũng ban hành hướng dẫn để các tổ chức chuyên ngành tự đánh giá mức độ trưởng thành của hệ thống AI dựa trên các quy định dữ liệu của EU.

Ngoài CNIL, chính phủ Pháp cũng đã tích cực hợp tác với khu vực tư nhân để ban hành các văn bản hướng dẫn phát triển AI lành mạnh. Tháng 7/2019, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp cùng 8 công ty hàng đầu (Air Liquide, Dassault Aviation, EDF, Renault, Safran, Thales, Total, Valeo) ký tuyên ngôn về AI cho ngành công nghiệp (Manifesto on Artificial Intelligence for Industry) nhằm thúc đẩy phát triển thông qua ứng dụng công nghệ AI đáng tin cậy, tăng cơ hội việc làm [8]. Tháng 9/2019, Liên minh Công nghiệp Kỹ thuật số Pháp (AFNUM) phối hợp với các cơ quan chính phủ và các tổ chức nghiên cứu ban hành "Hướng dẫn thực hành về đạo đức AI" để hướng dẫn các công ty phát triển hệ thống AI đáng tin cậy. Ngoài ra, Pháp đã thành lập Ủy ban đạo quốc gia (năm 2019) để giám sát sự phát triển AI quân sự.

Tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên EU

Khi tham gia Dự án Human Brain Project (HBP) của EU, Pháp đã nhận được 1 tỷ euro hỗ trợ để tăng cường nghiên cứu về lý thuyết mạng nơron, khoa học nhận thức và đạo đức. Pháp cũng hợp tác với 24 quốc gia châu Âu khác cùng ký "Tuyên bố hợp tác AI" (năm 2018) [4] để giải quyết các thách thức của AI đối với kinh tế, xã hội và đạo đức, cải thiện trình độ R&D chung của châu Âu về lĩnh vực AI.

Đối với Việt Nam

Lĩnh vực AI tại Việt Nam đang có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, xét về trình độ phát triển AI tổng thể của nước ta vẫn còn khá khiêm tốn. Để thúc đẩy hơn nữa công nghệ và ngành công nghiệp AI tại Việt Nam, chúng ta cần kịp thời xây dựng chiến lược phát triển AI tổng thể dựa trên thực tế phát triển của đất nước; trong đó, cần chú trọng đầu tư vào R&D và đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy tích hợp và xây dựng kịch bản ứng dụng AI vào sản xuất kinh tế và đời sống xã hội; tăng cường hỗ trợ tài chính, lập các dự án đặc thù nhằm khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo về AI; đồng thời cần tăng cường phòng ngừa rủi ro và giám sát đạo đức trong quá trình phát triển công nghệ AI.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://www.secrss.com/articles/59182

[2]. https://business.linkedin.com/content/dam/me/business/zh-cn/talent-solutions/Event/july/lts-ai-report/领英《全球AI领域人才报告.pdf

[3]. https://www.inp.cnrs.fr/sites/institut_inp/files/download-file/INP_LIVRET%20GDR_2021_vENG.pdf

[4]. https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/news/eu-member-states-sign-cooperate-artificial-intelligence

[5]. https://www.aiforhumanity.fr/en/

[6]. https://www.gouvernement.fr/sites/default/files/contenu/piece-jointe/2021/11/08112021_dp_strategie_nationale_pour_ia_2eme_phase.pdf

[7]. https://www.cnil.fr/sites/cnil/files/atoms/files/cnil_rapport_ai_gb_web.pdf

[8]. https://www.dataversity.net/ai-for-humanity-french-industry-engages-on-artificial-intelligence/

Trần Văn Liệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới