Xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử với phương châm "doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê lại”

15:00 | 30/07/2019 | DOANH NGHIỆP
Ứng dụng CNTT với mục tiêu hướng tới phát triển hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước đang là nhu cầu cấp thiết để chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp được tăng lên. Phát triển Chính phủ điện tử cần dựa trên những dữ liệu mở hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 tại thành phố Huế, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhận định: Hội thảo diễn ra trong thời điểm Chính phủ đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính và Chính phủ phục vụ hướng tới người dân và doanh nghiệp. Với tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử làm đâu, được đó và đặc biệt là đảm bảo tuyệt đối an toàn hệ thống, an toàn dữ liệu, an toàn thông tin cá nhân, tích hợp thanh toán dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.  

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, các doanh nghiệp trên cơ sở khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 công bố thì hỗ trợ cho các địa phương xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử với phương châm “doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê lại”, để phát huy tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp. Cần tạo ra sự đồng thuận để sản phẩm làm ra phải kết nối được với nhau, tạo sự liên kết dữ liệu giữa đô thị thông minh, trung tâm giám sát và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận với các chủ đề thu hút được sự quan tâm của đại biểu tham dự như: lộ trình phát triển Cổng Dịch vụ công và khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2020-2025; các mô hình kết hợp thành phố thông minh và Chính phủ điện tử của các nước phát triển trên thế giới; Mô hình và kinh nghiệm phát triển Chính phủ điện tử tại Singapore, Pháp; các hình thức hợp tác quốc tế nhằm phát triển Chính phủ điện tử và thành phố thông minh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam…

Đến với Hội thảo, một số doanh nghiệp lớn đã giới thiệu các giải pháp xây dựng và hiện đại hóa Cổng Dịch vụ công trực tuyến, trong đó tập trung vào các giải pháp định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công trực tuyến và bảo mật cho Chính phủ điện tử…, tiêu biểu như:

Ngân hàng VietinBank đã giới thiệu các giải pháp thanh toán hiện đại gắn liền với công tác cải cách thủ tục hành chính. Các giải pháp phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm: thanh toán dịch vụ công trực tuyến; giải pháp tích hợp thanh toán dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và giải pháp thẻ điện tử.

Riêng giải pháp Dịch vụ Công trực tuyến của VietinBank đã vinh dự được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) trao giải thưởng Sao Khuê 2017.

Dell Technologies giới thiệu mô hình và khung kiến trúc Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Các giải pháp tối ưu hoá cho hạ tầng hệ thống CNTT của Chính phủ điện tử theo mô hình điện toán đám mây; Giải pháp hồ sơ dữ liệu giúp kết nối thông tin giữa các Bộ, ban, ngành là nền tảng cho hệ thống điện tử một cửa; Ứng dụng phân tích dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; Các giải pháp về bảo mật đảm bảo an toàn và an ninh dữ liệu của người dân và doanh nghiệp trước các cuộc tấn công an ninh mạng. Các giải pháp mà Dell Technologies mang tới hội thảo lần này giúp tăng tốc quá trình thực hiện chuyển đối số hoạt động quản lý nhà nước, góp phần hoàn thiện Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số. 

Hyperlogy giới thiệu sản phẩm Smart Citizen - Nhận diện công dân điện tử với mong muốn: Nâng cao trải nghiệm và Chất lượng phục vụ công dân; Giảm tải thời gian xử lý hồ sơ; Tăng hiệu suất làm việc của công chức; Minh bạch thủ tục hành chính, đặc biệt, có thể liên thông Hệ thống dịch vụ công. Ứng dụng Smart Citizen thay vì định danh công dân bằng gặp mặt trực tiếp, qua đối chiếu chứng từ giấy khá phiền phức, các cơ quan nhà nước có thể thực hiện định danh công dân bằng phương thức điện tử ngay khi khách hàng đến phòng tiếp công dân nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tân tiến như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thời với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính công dân. Cụ thể: Định danh công dân thông qua: QR Code, CMND, xác thực khuôn mặt và vân tay; Tích hợp với giải pháp SMART QUEUE (phân luồng công dân theo từng nghiệp vụ và theo nhóm công dân); Thông tin trên CMND sẽ được bóc tách (chữ, ảnh, vân tay) và tự động điền trên các biểu mẫu điện tử…

Tập đoàn VNPT với vai trò là doanh nghiệp nhà nước chủ đạo về Viễn thông và CNTT, đã phát triển, triển khai cho nhiều cơ quan Bộ, ngành, địa phương các sản phẩm, dịch vụ được quy hoạch, kết nối, liên thông trong hệ sinh thái Chính phủ điện tử hoàn chỉnh. Đến với Hội thảo, VNPT giới thiệu giải pháp định danh công dân điện tử nhằm hỗ trợ phát triển cho Cổng Dịch vụ công quốc gia và tham gia tọa đàm về các thách thức gặp phải và giải pháp để phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia giai đoạn 2015-2021.

Các sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái Chính phủ điện tử đã được VNPT phát triển, triển khai cho các khách hàng Bộ, ngành, địa phương như:

- VNPT-eCabinet: Giải pháp phòng họp không giấy tờ;

- VNPT- VXP: Giải pháp Nền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu;

- VNPT-IOC: Giải pháp Trung tâm chỉ đạo điều hành;

- VNPT-iGate: Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử;

- VNPT-iOffice: Hệ thống quản lý văn bản điều hành;

- VNPT-Portal: Giải pháp cổng thông tin điện tử;

- VNPT-CCVC: Hệ thống quản lý cán bộ công chức viên chức.

Nguyệt Thu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới