Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, xây dựng Ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại

16:00 | 10/09/2020 | AN NINH – QUỐC PHÒNG
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước yêu cầu cấp thiết phải giữ bí mật truyền tin trên hệ thống mạng liên lạc quân sự phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, ngày 12/9/1945, tổ chức mật mã đầu tiên được thành lập - Ban Mật mã quân sự (tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam ngày nay), đặt tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các tổ chức mật mã (sau này đổi tên là tổ chức cơ yếu) được hình thành và phát triển lớn mạnh trong lực lượng Quân đội, Công an và cơ quan của Đảng, Nhà nước. Ra đời trong điều kiện lịch sử vô cùng khó khăn, gian khổ và lớn lên cùng cách mạng, từ một tổ chức mật mã ban đầu, đến nay đã trở thành ngành khoa học kỹ thuật mang tính cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Ngày 12/9/1945 là thời điểm lịch sử trong chặng đường đầy vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, chiến trường chia cắt, địch đánh phá dữ dội và sử dụng nhiều phương tiện trinh sát, thu tin mã thám hiện đại, cán bộ, nhân viên cơ yếu đã khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng hy sinh thân mình, tự lực, tự cường, xây dựng tổ chức, phát triển kỹ thuật mật mã, đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, dù ở giai đoạn nào của Cách mạng, ngành Cơ yếu Việt Nam cũng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thời gian qua, ngành Cơ yếu đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về cơ yếu; đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác cơ yếu.

Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành Cơ yếu Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, 02 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Giải phóng và nhiều tập thể, cá nhân trong ngành Cơ yếu được phong tặng anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Những thành tích thầm lặng nhưng rất vẻ vang mà ngành Cơ yếu Việt Nam đã đạt được trong 75 năm qua là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần tận tụy, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên cơ yếu. Đặc biệt là sự hy sinh quên mình của gần 800 liệt sỹ cơ yếu qua các cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hun đúc nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng ngày càng quyết liệt, đe dọa đến an ninh, chủ quyền của các quốc gia. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử đã mang lại những lợi ích to lớn trong hoạt động quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội, đối ngoại, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin; hoạt động gián điệp, thu tin mã thám, cài cắm, móc nối, mua chuộc của các thế lực thù địch, tình báo nước ngoài bằng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi; việc lộ lọt thông tin bí mật nhà nước có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trong đó xác định nhiệm vụ bảo mật, an toàn thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngày 05 tháng 3 năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại, lực lượng cơ yếu tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có nền khoa học - công nghệ mật mã tiên tiến, đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, ngành Cơ yếu cần tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau: (1) Chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, nhất là ở tầm chiến lược để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác cơ yếu; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cơ yếu và Luật Cơ yếu; (2) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ yếu đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu và lực lượng cơ yếu; (3) Đổi mới phương thức hoạt động của công tác cơ yếu, bảo đảm nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ trong tổ chức, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu và các sản phẩm mật mã, kỹ thuật mật mã; (4) xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân; (5) Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã.

Tự hào về lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và truyền thống vẻ vang 75 năm của ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2020), đồng thời, thấm nhuần lời dạy của Bác: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”, cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới