Tỉnh ủy Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang quyết tâm thực hiện tốt công tác cơ yếu và bảo mật an toàn thông tin

22:00 | 31/08/2023 | AN NINH – QUỐC PHÒNG
Trong 4 ngày từ 28 - 31/8/2023, Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ do đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban đã đến thăm và làm việc với các Tỉnh ủy: Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Kiên Giang nhằm tăng cường sự phối hợp và đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ về lĩnh vực cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ với với Tỉnh ủy Bạc Liêu

Tham gia đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu; Cục Viễn thông và Cơ yếu, Bộ Công an; Trung tâm CNTT - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng; cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ: Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền; Cục Chính trị - Tổ chức; Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã; Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin; Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ tại Tỉnh ủy Tiền Giang, có đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; tại Tỉnh uỷ Hậu Giang có đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; tại Tỉnh ủy Bạc Liêu, có đồng chí Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tại Tỉnh ủy Kiên Giang, có đồng chí Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của các Tỉnh ủy.

Thông qua các buổi làm việc với Tỉnh ủy nổi bật có thể nhận thấy rằng các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu của các tỉnh đã tích cực quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ. Hoạt động công tác cơ yếu đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang. Nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người làm công tác cơ yếu về vai trò, tầm quan trọng của công tác cơ yếu trong thời kỳ mới đã có sự chuyển biến rõ nét, nổi bật có thể kể đến như:

Tại Tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh trong năm 2019 đã ban hành Quyết định thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang. Năm 2020 đã ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của của cơ quan nhà nước trong địa bàn tỉnh. Các thiết bị máy mã, sản phẩm mật mã, tài liệu kỹ thuật mật mã được Tỉnh ủy bố trí đầy đủ đề phục vụ công tác cơ yếu, đảm bảo thay thế và dự phòng được quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật đảm bảo đúng nguyên tắc của ngành Cơ yếu.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ

Tại Tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước, triển khai Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản có liên quan. Hàng năm, Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước ở các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn. Qua đó, đã giúp cho lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương hiểu rõ hơn tầm quan trọng, các quy định trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước nhất là bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng.

Đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ

Tại Tỉnh Bạc Liêu, sau khi nhận được Nghị quyết 56-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều Công văn, Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện đến các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tỉnh ủy đã tích cực triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đến các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng chí Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ

Tại Tỉnh Kiên Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai xây dựng Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành các hệ thống thông tin của tỉnh (Kiên Giang - SOC), kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm thực hiện theo dõi, giám sát và đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh theo mô hình 4 lớp. Triển khai cài đặt phần mềm phòng chống mã độc cho hơn 5.000 máy tính của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh đã phối hợp với Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ, Bộ Công an kiểm tra, đánh giá, an toàn an ninh thông tin hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm phục vụ triển khai Chính quyền số của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ

Các chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu được các Tỉnh ủy thực hiện tương đối đầy đủ. Lãnh đạo Tỉnh ủy và các đơn vị tổ chức có sử dụng lực lượng cơ yếu thường xuyên quan tâm, động viên cán bộ, nhân viên cơ yếu các đơn vị khắc phục khó khăn, yên tâm công tác. Cán bộ cơ yếu tại các Tỉnh ủy thực hiện tốt các quy định về quản lý nghiệp vụ kỹ thuật mật mã, duy trì chế độ trực nghiệp vụ và tổ chức mã hóa, giải mã điện mật đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo trong mọi tình huống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang

Kết luận tại các buổi làm việc với bốn Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh 6 vấn đề mà các Tỉnh ủy cần quan tâm, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, đồng thời phát huy tốt năng lực của lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh.

Thứ nhất, tiếp tục quan tâm triển khai quán triệt Nghị quyết 56 của Bộ Chính trị và các văn bản, quy định của pháp luật về cơ yếu đến các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin, các quy định của pháp luật liên quan về bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

Thứ ba, Tỉnh ủy cần chỉ đạo các cấp ủy, chỉ huy các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm, rà soát, củng cố tổ chức; thực hiện đào tạo, bổ sung cán bộ làm công tác cơ yếu; nghiên cứu và có chỉ đạo bảo đảm biên chế làm công tác cơ yếu tại Văn phòng cấp ủy của tỉnh và huyện phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo tuyển chọn cán bộ, chuyên viên làm công nghệ thông tin để cử đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu tạo nguồn nhân lực cơ yếu cho các đơn vị.

Thứ tư, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin, triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai mạng liên lạc cơ yếu tại một số đơn vị cấp huyện nhằm tiến tới từng bước triển khai đồng bộ thống nhất mạng liên lạc cơ yếu trên toàn tỉnh.

Thứ năm, chỉ đạo các đơn vị cơ yếu sử dụng các sản phẩm bảo mật và an toàn thông tin phải tăng cường công tác quản lý thông qua kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo mật và an toàn thông tin. Các cơ quan sử dụng cơ yếu phải duy trì công tác kiểm tra cơ yếu cấp dưới; chấp hành chế độ báo cáo; tăng cường sử dụng sản phẩm mật mã theo đúng quy trình khai thác, vận hành.

Thứ sáu, các tỉnh cần phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương về cơ cấu tổ chức việc làm cho các cán bộ cơ yếu. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân cơ yếu trên địa bàn tỉnh phải chủ động tích cực tham mưu cho cấp ủy, chỉ hủy, lãnh đạo về công tác bảo mật và an toàn thông tin trong đơn vị.

Quốc Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới