Việt Nam hướng tới 100% dân số sử dụng chữ ký số vào năm 2025
Ngày 22/10, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và phát triển (2014 - 2024). Tham dự có Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cùng các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành cùng một số doanh nghiệp đã hỗ trợ, đồng hành với Trung tâm.
Cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Chứng thực chữ ký số Quốc gia thuộc Cục Ứng dụng CNTT (nay là Cục Chuyển đổi số Quốc gia). Chúc mừng các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, 10 năm thành lập Trung tâm cũng như 17 năm phát triển của chữ ký số tại Việt Nam là một hành trình tự hào, là sự cống hiến không ngừng nghỉ của một tập thể luôn phấn đấu vì sự phát triển của hạ tầng số quốc gia.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long tặng hoa cảm ơn các lãnh đạo, cán bộ đã hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển của Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia
Ông Đào Đình Khả, Giám đốc đầu tiên của Trung tâm đã kể lại những bước khởi đầu nhiều khó khăn và đáng tự hào của đơn vị, từ một nhóm nhân sự nhỏ được tập hợp để triển khai nhiệm vụ đầy thách thức là xây dựng ROOT-CA quốc gia, cho đến việc triển khai các chiến dịch tuyên truyền để thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức về sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trong giao dịch trực tuyến. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng chữ ký số.
Theo Đại tá Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, việc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho 25 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng) và xác thực điện tử, dịch vụ cấp dấu thời gian, đã góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ cập chữ ký số và coi đây là hạ tầng thiết yếu cho chuyển đổi số quốc gia. Để đạt được mục tiêu 100% người trưởng thành Việt Nam có chữ ký số vào năm 2025, Bộ trưởng đề xuất phương thức tiếp cận đột phá như tận dụng những ứng dụng đã phổ biến rộng rãi như thẻ ngân hàng rộng rãi, số điện thoại động để kết thúc công việc sử dụng chữ số. Cách làm này đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Bộ trưởng tin rằng, với việc quyết định tâm trí và cách làm sáng tạo, mục tiêu phổ cập chữ số sẽ hoàn toàn khả thi, góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của hạ tầng số quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang yêu cầu các Bộ, ngành khác tích hợp chữ ký số vào các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng chữ ký số.
Tiếp thu những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Tô Thị Thu Hương thay mặt tập thể cán bộ, viên chức và người lao động hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực không ngừng, đoàn kết cùng nhau đổi mới, năng động sáng tạo. Mục tiêu hướng tới là hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế của Trung tâm là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số và xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy.
Theo thống kê, qua 10 năm, từ 9 CA công cộng, đến nay, thị trường đã có sự góp mặt của 25 CA công cộng; từ 307.000 chứng thư số được cấp năm 2014, đến năm 2024 là hơn 11,5 triệu chứng thư số; tốc độ thu phí và nộp ngân sách nhà nước tăng đều 12% qua các năm. Cùng với đó, nhân sự NEAC từ chưa đến 10 người thời điểm năm 2014, đến nay đã là 52 viên chức, người lao động.
Xuân Quỳnh