Chữ ký số công cộng tại Việt Nam: Bước tiến vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều thách thức

10:00 | 23/08/2024 | CA CÔNG CỘNG
Tỷ lệ người trưởng thành Việt Nam sử dụng chữ ký số đã tăng trưởng ấn tượng hơn 4 lần trong giai đoạn 2022 - 2024, đạt 13,5%. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách xa mục tiêu 50% đề ra trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, cho thấy còn nhiều việc phải làm để phổ cập công cụ quan trọng này.

Thời gian gần đây, chữ ký số ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử.

Việc tăng cường sử dụng chữ ký số trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công… đã được nhận định là “chìa khóa” để tạo nên công dân số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), đến nay Bộ TT&TT đã cấp phép cho 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng, trong đó có 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp ký số từ xa. Tính đến tháng 7/2024, các CA công cộng đã cấp hơn 10,1 triệu chứng thư số cho người dân và doanh nghiệp, tăng hơn 1,5 triệu so với cuối năm ngoái.

Đáng chú ý, đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho hay, tình hình xã hội số giai đoạn 2022-2024 đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5%, tăng hơn 4 lần.

Tuy vậy, đối chiếu với mục tiêu về chữ ký số được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, kết quả đạt được kể trên còn rất xa so với yêu cầu. Theo Chiến lược, một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội số là hơn 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân vào năm 2025.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng chữ ký số cá nhân còn thấp, chưa thực sự phát triển như kỳ vọng là bởi vẫn thiếu môi trường ứng dụng. Chữ ký số cá nhân mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong một số lĩnh vực như kê khai và nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội

Nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, bao gồm cả ngân hàng hay mua sắm trực tuyến, hiện vẫn chỉ là các lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy sử dụng chữ ký số cá nhân. Vì thế, để phổ cập chữ ký số cho người dân, mở rộng môi trường ứng dụng chữ ký số là một trong những bài toán cần được giải.

Phong Thu (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới