Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ chuyên trách CNTT trong Hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tham dự có TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT và TS. Ngô Ngân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); đồng chí Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Cùng với sự bùng nổ của CNTT và truyền thông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi cơ bản diện mạo của các quốc gia trên thế giới, đồng thời thay đổi nhanh chóng phương thức làm việc và cách thức quản lý, điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức.
Những năm gần đây, Việt Nam đang mạnh mẽ chuyển mình trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội để đưa nước ta bắt kịp với thế giới. Một trong những yêu cầu cơ bản của cuộc cách mạng 4.0 là sự thay đổi cách thức và phương thức làm việc, theo đó, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để thay đổi phương thức làm việc, sử dụng chữ ký số thay thế cho các hình thức xác thực đối với các văn bản điều hành, tác nghiệp ngày càng trở nên phổ biến.
Phát biểu tại buổi khai giảng lớp học, TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT nhấn mạnh, tại Hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số bước đầu đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, vai trò của ứng dụng CNTT trong các hoạt động điều hành tác nghiệp, giảng dạy tại hệ thống Học viện càng trở nên rõ nét, quan trọng.
TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CCNTT, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi khai giảng lớp học
Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện luôn quan tâm, động viên, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên trách ứng dụng CNTT để đảm bảo quá trình vận hành ứng dụng CNTT được thông suốt, an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành tác nghiệp, giảng dạy nghiên cứu trong toàn Hệ thống Học viện.
Cũng tại buổi khai giảng lớp học, đồng chí Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, nhấn mạnh ngày nay, chữ ký số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt, việc ứng dụng chữ ký số công vụ trong các cơ quan nhà nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính và hình thành chính quyền điện tử.
Đ/c Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại buổi khai giảng
Trước đó, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp “Đào tạo kỹ năng sử dụng chứng thư số, chữ ký số cho cán bộ công chức, viên chức tại Trung tâm Học viện” dành cho cán bộ, công chức tại Học viện, trọng tâm là các đồng chí thực hiện công tác văn thư của các đơn vị trực thuộc Học viện trung tâm.
Đồng chí Lê Quang Tùng mong muốn qua lớp học, các cán bộ chuyên trách CNTT sẽ hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật, quy chế của Nhà nước về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, an toàn bảo mật thông tin, an toàn an về sử dụng chứng thư số, chữ ký số trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời nâng cao kiến thức về kỹ năng ứng dụng, triển khai hệ thống tại các đơn vị, hướng tới một hệ thống điều hành, tác nghiệp không giấy tờ.
Tại buổi khai giảng, đồng chí Phạm Xuân Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, cũng đã giới thiệu về các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về chuyển đổi số; an toàn, an ninh mạng trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.
Lớp học “Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT dành cho cán bộ chuyên trách CNTT trong Hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” sẽ kéo dài từ ngày 14 đến ngày 19/8. Nội dung lớp học sẽ giới thiệu quy trình triển khai chứng thư số, chữ ký số trong công tác quản lý điều hành tác nghiệp của hệ thống Học viện; Vấn đề xây dựng quy chế vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống CNTT trên toàn hệ thống Học viện; Hoạt động xây dựng các đề xuất ứng dụng CNTT theo hành lang pháp lý ở Việt Nam hiện nay; Quy trình vận hành, kiểm tra hệ thống truyền hình trực tuyến và đào tạo trực tuyến của Học viện.
Các đồng chí học viên tham gia lớp học sẽ là nhân tố để triển khai hoạt động ứng dụng CNTT, triển khai dự án Xây dựng mô hình quản trị Học viện thông minh, chuyển đổi số, chữ ký số và chứng thư số tại các đơn vị trong thời gian tới.
Bích Thủy