Quản lý nhà nước về công tác Cơ yếu là điểm sáng trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị giai đoạn 2020-2024

23:00 | 09/05/2024 | CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Chiều 09/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị giai đoạn 2020-2024 và phương hướng, nghiệm vụ giai đoạn 2025-2030. Đồng chí GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị giai đoạn 2020-2024

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên toàn quốc.

Tại Hội nghị, đồng chí PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tổng kết công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị giai đoạn 2020-2024 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030. Đồng chí nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ về nội dung, chương trình, giáo trình, về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp trong đào tạo lý luận chính trị, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp.

Trong giai đoạn từ năm 2020-2024, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị đã diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động lớn đến đời sống của cán bộ, đảng viên, đến cách thức tổ chức quản lý, điều hành hoạt động giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị vẫn có bước phát triển toàn diện, cả về đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, tổ chức tuyển sinh, quản lý hệ thống, tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

Công tác đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị luôn được Học viện coi trọng. Học viện đã hoàn thành việc cập nhật, bổ sung quan điểm mới của Đại hội XIII vào giáo trình, bài giảng; tổ chức tập huấn cho giảng viên các cơ sở đào tạo của Học viện, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tổ chức phát hành giáo trình mới cập nhật tới các lớp khai giảng trong năm 2021. Đặc biệt, từ năm 2023 đã đưa nội dung Quản lý nhà nước về công tác cơ yếu vào chương trình giảng dạy các môn cao cấp lý luận chính trị, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc cho biết.

PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trình bày báo cáo tổng kết tại Hội nghị

Học viện cũng đã xây dựng, phát triển chương trình đào tạo cao cấp lý bận chính trị mới dành cho cán bộ lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (nghiệm thu năm 2024) và đang chuẩn bị triển khai xây dựng, phát triển chương trình cao cấp lý luận chính trị mới, trọng tâm là cập nhật tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, thực hiện từ Quý I/2026 nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ mới; phối hợp với các ban, ngành, Trung ương dự thảo Kết luận số 67-KL/TW của Ban Bí thư về việc giao nhiệm vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an….

Công tác phối hợp trong hoạt động đào tạo cao cấp lý luận chính trị giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Ban Tổ chức Trung ương, các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Học viện cũng đã chủ động hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho giảng viên các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quyền đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Hằng năm, các Học viện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã cử các giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, kịp thời bổ sung nhân lực, đáp ứng nhu cầu giảng dạy cao cấp lý luận chính trị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận và thống nhất rằng, thời gian qua, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị đã đi vào nền nếp, bài bản, chất lượng và nghiêm túc, là khâu quan trọng, cần thiết để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác tuyển sinh và quy trình đào tạo thống nhất, đồng bộ với công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; chú trọng quản lý hoạt động học tập, rèn luyện của học viên, đảm bảo giữ vững kỷ cương, kỷ luật học đường theo phương châm “dạy tốt, học tốt và rèn luyện tốt”.

Đồng thời, nhìn thẳng vào những hạn chế để tìm ra nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp, đảm bảo sự thống nhất, liên thông trong các khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, công tác đào tạo lý luận chính trị trong thời gian qua đã được thực hiện bài bản, nề nếp, thực hiện theo nguyên tắc căn bản là gắn lý thuyết với thực tiễn, gắn việc học tập với thi đua rèn luyện; đồng bộ giữa các lớp tập trung và không tập trung; đồng bộ trong đào tạo của Công an, Quân đội; thống nhất đề thi và cách thức đánh giá, từ đó góp phần đảm bảo sự công bằng trong công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị trên phạm vi toàn quốc.

Tuy vậy, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng thừa nhận, qua các ý kiến từ Hội nghị cho thấy, bên cạnh những thuận lợi cũng còn tồn tại những bất cập, cần tiếp tục tháo gỡ để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng như tăng cường kỷ cương, pháp luật trong tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị đúng với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó, có việc khắc phục tình trạng lười học lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thời gian tới, Học viện sẽ chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về đào tạo cao cấp lý luận chính trị để bảo đảm sự thống nhất trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị (nhất là sự thống nhất về chương trình đào tạo, thống nhất giữa năng lực, điều kiện đào tạo với việc được giao chỉ tiêu đào tạo, thống nhất trong việc cấp bằng, chuẩn đầu ra); tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các ban, Bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở tất cả các khâu.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội nghị

Bên cạnh đó, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện, nhà trường của Quân đội, Công an; các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, tài liệu học tập, nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bích Thủy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới