Những vấn đề mới nổi bật về chữ ký số chuyên dùng công vụ quy định tại Nghị định 68
Cụ thể, Chương I quy định chung; Chương II quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; Chương III quy định về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra hộ chiếu và thẻ căn cước có gắn chíp điện tử; Chương IV quy định về sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; Chương V quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; Chương VI quy định về điều khoản thi hành.
Việc xây dựng Nghị định nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp, bao quát được thực tiễn cũng như thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Một số điểm nổi bật, đáng chú ý trong Nghị định số 68/2024/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, về phạm vi, đối tượng áp dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ
Theo quy định trước đây, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống chính trị chưa được quy định trong phạm vi, đối tượng áp dụng dẫn đến tình trạng bất cập, thiếu thống nhất trong việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ. Các đối tượng tham gia hoạt động công vụ không đảm bảo điều kiện cấp chứng thư chữ ký số sẽ không được cung cấp dịch vụ để sử dụng. Điều này dẫn đến các cơ quan, đơn vị lúng túng trong triển khai thực hiện, thậm chí nhiều đơn vị sử dụng chữ ký số công cộng trên các giao dịch điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước.
Theo Nghị định số 68/2024/NĐ-CP mới ban hành, quy định đối tượng áp dụng cụ thể như sau:
- Các cơ quan, tổ chức thuộc các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân và người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Thứ hai, về việc ủy quyền, phân cấp một số dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ
Tính đến thời điểm hiện tại, Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ đã cung cấp được hơn 1 triệu chứng thư chữ ký số cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Tại các cơ quan, đơn vị, việc thay đổi vị trí công tác, thay đổi chức danh, chức vụ của các đối tượng tham gia hoạt động công vụ rất lớn. Điều này dẫn đến thông tin trong chứng thư chữ ký số của thuê bao bị thay đổi và khi đó sẽ phải thực hiện thay đổi nội dung thông tin chứng thư chữ ký số để phù hợp, chính xác với vị trí công tác mới. Bên cạnh đó, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ có thời hạn sử dụng nhất định, khi sắp hết thời hạn, thuê bao thường có nhu cầu gia hạn thêm thời gian sử dụng để quá trình ký số được liên tục, thông suốt.
Trước đây chỉ quy định thực hiện ủy quyền cho các Bộ, ngành, địa phương trong cung cấp dịch vụ khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện chuyển giao các dịch vụ chứng thực khác (gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số), đồng thời không tận dụng được nguồn lực tại các Bộ, ngành, địa phương, hạn chế tính chủ động, kịp thời của các cơ quan, đơn vị.
Theo quy định tại Nghị định số 68/2024/NĐ-CP, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ có trách nhiệm hướng dẫn, chuyển giao công cụ hỗ trợ về gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức thực hiện phục vụ các thuê bao thuộc phạm vi quản lý.
Thứ ba, về việc đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ
Việc triển khai, sử dụng chữ ký số, chứng thư chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ đúng mục đích, quy định là nội dung hết sức quan trọng, đảm bảo giá trị pháp lý của chữ ký số, giúp các cơ quan, đơn vị triển khai thống nhất, chất lượng, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, kiểm tra, đánh giá sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa biết cách sử dụng chữ ký số, chứng thư chữ ký số trên các giao dịch điện tử, chưa áp dụng đầy đủ, chính xác dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ được cung cấp. Đặc biệt, nhiều thuê bao chưa biết cách tạo chữ ký số, không thực hiện kiểm tra, xác thực chữ ký số khi sử dụng văn bản điện tử trên các hệ thống thông tin.
Để giải quyết những vấn đề bất cập trong quá trình sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, Nghị định số 68/2024/NĐ-CP đã quy định chi tiết quy trình tạo, kiểm tra chữ ký số, kiểm tra hiệu lực của chứng thư chữ ký số, xác định yêu cầu kỹ thuật và chức năng đối với phần mềm ký số chuyên dùng công vụ.
Thứ tư, về việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra Hộ chiếu và thẻ Căn cước có gắn chíp điện tử
Thực hiện quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ đã vận hành, duy trì hạ tầng kỹ thuật hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ phát hành, quản lý, kiểm tra Hộ chiếu và thẻ Căn cước có gắn chíp điện tử. Đặc biệt, tháng 02/2023, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO đã tổ chức công bố chứng thư số quốc gia về hộ chiếu điện tử của Việt Nam (do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp) trên ICAO PKD. Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp Bộ Công an đảm bảo cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ cấp, quản lý, kiểm tra khoảng trên 80 triệu thẻ căn cước. Trong hai mô hình ứng dụng này, thời hạn hiệu lực của chứng thư chữ ký số và quy trình cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ có một số khác biệt nhất định. Đây là vấn đề mới, quan trọng và có sự khác biệt trong quy trình quản lý, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nên cần được thể chế hóa đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện.
Để kịp thời cập nhật những quy định hiện hành và đồng bộ trong hệ thống quy phạm pháp luật, Nghị định số 68/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan tới cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra Hộ chiếu và thẻ Căn cước có gắn chíp điện tử.
Thứ năm, về công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ
Tại khoản 4 Điều 50 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Để nâng cao vai trò quản lý nhà nước và làm cơ sở pháp lý để Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai bảo đảm cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; đồng thời, giúp các cơ quan thuộc hệ thống chính trị sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cần quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Cụ thể, tại Điều 35 Nghị định số 68/2024/NĐ-CP quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ:
- Xây dựng, đề xuất chủ trương, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số chuyên dùng công vụ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật.
- Quản lý công tác báo cáo, thống kê tình hình cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; quản lý việc giám sát an ninh, an toàn các hệ thống thông tin phục vụ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.
- Quản lý dịch vụ cấp dấu thời gian của chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Quản lý, tổ chức việc xây dựng, khai thác và phát triển hạ tầng chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; việc phát hành, thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trong lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật.
- Hợp tác quốc tế về chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Nghị định số 68/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
Phạm Xuân Khang, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin