Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Tới dự Hội thảo có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo còn có hơn 100 đại biểu tại điểm cầu Hà Nội là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Bộ Công an; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; các nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan từ các đơn vị, các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; hơn 2.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo Tỉnh, Thành ủy trực thuộc Trung ương, Ban giám đốc, lãnh đạo cấp phòng của lực lượng Công an nhân dân tại các điểm cầu trực tuyến trong cả nước.
Sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội là xu thế khách quan, tất yếu, đã và đang đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của từng quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương phát triển internet ở Việt Nam, đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhờ đó internet và mạng xã hội đã phát triển nhanh chóng, ngày càng thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng tồn tại nhiều mối đe dọa về an ninh an toàn thông tin mà rất nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển luôn đặc biệt quan tâm.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, nhiều cuộc tấn công mạng và những hành vi phá hoại an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, kèm theo đó là các thủ đoạn tinh vi với tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng tới các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong mọi thời kỳ. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo không gian mạng. Đây trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong quá trình triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Song song với đó, không gian mạng cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Không gian mạng giờ đã thành không gian chiến lược mới, vùng lãnh thổ đặc biệt gắn chặt với chủ quyền đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc, đ/c Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày một số tham luận nổi bật như: Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; Bàn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - Những yêu cầu đảm bảo các chỉ số an ninh, an toàn trong bối cảnh hiện nay; An toàn thông tin mạng với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; Tác động truyền thông xã hội với chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - Một số kiến nghị, giải pháp, ứng xử của các quốc gia trên không gian mạng; Công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng, ứng dụng mạng xã hội phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Đại tướng, GSTS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu bế mạc Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia; phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Bộ trưởng đề nghị lực lượng Công an cần tập trung làm tốt một số yêu cầu sau:
Một là, tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Hai là, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm Luật an toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.
Ba là, tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.
Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Năm là, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với các Bộ, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh mạng. Tổ chức phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” là bước tiếp theo của quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học ở tầm quốc gia, nhằm mục đích nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện, làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bích Thủy