Hội thảo quốc tế tại Việt Nam Vấn đề đảm bảo an ninh thông tin

14:00 | 03/10/2009 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Hội thảo quốc tế là hoạt động hợp tác quốc tế hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế của nước ta. Nhưng thực tế thời gian vừa qua cho thấy, đây là một loại hình hoạt động khá phức tạp.


Hội thảo quốc tế là hoạt động hợp tác quốc tế hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế của nước ta. Nhưng thực tế thời gian vừa qua cho thấy, đây là một loại hình hoạt động khá phức tạp.

Để có cái nhìn khái quát và giúp cho việc tổ chức hoặc tham gia hội thảo quốc tế trong thời gian tới của các tổ chức, cá nhân trong nước với các đối tác nước ngoài, về những lĩnh vực nhạy cảm đạt được hiệu quả mà vẫn bảo đảm an ninh thông tin quốc gia, tác giả xin đề cập một số vấn đề cụ thể về chủ đề này.

Trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng với phương châm: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đã tới Việt Nam để tìm hiểu và đã phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Để tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế và khoa học - công nghệ của đất nước, một trong những chính sách của Nhà nước ta là tranh thủ tối đa trí tuệ và sự giúp đỡ về vật chất của cộng đồng thế giới. Chúng ta đã xác định phải có những bước hội nhập “đi tắt, đón đầu” ở một số lĩnh vực kinh tế, khoa học – công nghệ. Vì vậy, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc quốc tế giữa giới chuyên môn, các nhà khoa học, các doanh nhân ở trong nước với các đồng nghiệp nước ngoài, trong đó hội thảo quốc tế tại Việt Nam là một hướng đi đúng đắn và đang là một hoạt động phổ biến. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 20 năm đổi mới, đã có trên 9000 cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Số các cuộc hội thảo này năm sau luôn cao hơn khoảng hai lần năm trước.

Hội thảo quốc tế thường được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các cá nhân, tổ chức xã hội của Việt Nam và đối tác nước ngoài nhằm thu hút ý kiến rộng rãi về một hay nhiều vấn đề cần thiết nào đó ở tầm quốc gia, hoặc quốc tế mà các bên cùng quan tâm.

Tuy đây là một hoạt động hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, nhưng do thành phần tham dự hội thảo rất đa dạng, phạm vi và nội dung các cuộc hội thảo có khi liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm, vấn đề bí mật nhà nước, lợi ích quốc gia… cho nên dễ bị các đối tượng không thiện chí với Việt Nam lợi dụng để thu thập thông tin.

Nhằm đảm bảo an ninh thông tin trong những lĩnh vực nhạy cảm khi tổ chức hội thảo, chúng ta cần nhận diện được cả hai mặt tích cực và hạn chế của việc tổ chức hội thảo quốc tế tại nước ta trong thời gian vừa qua và, đề ra được các giải pháp thích hợp cho vấn đề đảm bảo an ninh thông tin trong hội thảo quốc tế thời gian tới. Các vấn đề này cần được xem xét và đánh giá một cách đầy đủ, khoa học.

Các mặt tích cực của Hội thảo quốc tế tại Việt Nam

Thứ nhất, đây là cách tiếp cận với nền tri thức của thế giới nhanh chóng và hiệu quả nhất nếu hội thảo quốc tế được tổ chức một cách phù hợp. Nhờ các cuộc hội thảo quốc tế này mà các nhà khoa học ở trong nước có thêm tri thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ để tham mưu giúp Nhà nước giải quyết các vấn đề về hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đổi mới phong cách làm việc, phương pháp điều hành tác nghiệp.... Trong quá trình hội thảo, chúng ta có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, trao đổi, học hỏi về công nghệ mới, tìm kiếm đối tác, thu hút đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh….

Thứ hai, về góc độ kinh tế, việc tổ chức hội thảo quốc tế tại Việt Nam là một hoạt động giúp Nhà nước ta không những tiết kiệm được nhiều ngoại tệ mà còn đỡ tốn kém thời gian, công sức của các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia. Mặt khác, hoạt động này cho phép một đội ngũ đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện tiếp cận, trao đổi, học hỏi tiếp thu được những kinh nghiệm, tri thức khoa học – công nghệ tiên tiến trên thế giới ngay tại trong nước.

Thứ ba, đây cũng là cơ hội để các đối tác hiểu thêm về hoàn cảnh, đất nước, con người Việt Nam, từ đó tranh thủ cảm tình và sự giúp đỡ của họ một cách thuận lợi, thiết thực và hiệu quả hơn. Như chúng ta đã biết, thành phần đại biểu nước ngoài dự hội thảo quốc tế tại Việt Nam khá đa dạng, bao gồm các quan chức thuộc chính phủ, cán bộ của các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện các công ty nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và khá đông Việt kiều mang quốc tịch nước ngoài. Do đó, tại hội thảo chúng ta có thể tận dụng cơ hội để tiếp xúc trực tiếp, hiểu biết thêm về các đối tác cũng như thể hiện sự cầu thị, thiện chí của mình để có thể thu hút khả năng, sự hợp tác giúp đỡ cao nhất của họ ngay tại hội thảo cũng như về lâu dài.

Một số hạn chế

Về nội dung hội thảo: Nhiều nội dung hội thảo liên quan trực tiếp đến các vấn đề bí mật Nhà nước và công tác bảo vệ nội bộ. Thời gian qua, hầu hết các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội đều có hội thảo quốc tế. Các vấn đề được đưa ra bàn bạc, trao đổi thường rất cần cụ thể, phần lớn nội dung chứa đựng thông tin liên quan trực tiếp đến những quyết định cả ở tầm chiến thuật cũng như chiến lược của các Bộ, ngành và của Nhà nước. Cần thấy rằng, mặc dù đây là các thông tin “nhạy cảm” (có thể thuộc bí mật nhà nước), song nó lại là những căn cứ, những cơ sở cho các kết luận, các quyết định mang tính khoa học nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra nên các cơ quan tổ chức hội thảo vẫn phải giới thiệu, cung cấp cho các thành viên tham dự. Đây cũng là điểm sơ hở, dễ bị rò rỉ thông tin bí mật nhà nước. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn, nắm rõ đặc điểm này để cảnh giác và có biện pháp bảo vệ thông tin thích hợp trong hội thảo quốc tế.

Về thành phần tham dự: Trong số người nước ngoài dự hội thảo, hội nghị có cả những đối tượng tham gia với mục đích thu thập thông tin nhạy cảm với nhiều mục đích khác nhau, không loại trừ những mục đích không thiện chí đối với Việt Nam.  

Về kinh phí đảm bảo: Mặc dù các cuộc hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam, song thực tế cho thấy không phải lúc nào cũng chỉ do phía Việt Nam chi phối. Ở nước ta, giai đoạn vừa qua cũng như hiện nay, do khó khăn về kinh tế nên phần lớn các cuộc hội thảo đều do phía nước ngoài tài trợ. Nhiều cuộc hội thảo đi theo các dự án của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam với kinh phí 100% do nước ngoài bảo đảm. Sự chi phối về tài chính này trong nhiều trường hợp đã khiến cơ quan Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức hội thảo mất đi quyền  kiểm soát nội dung hội thảo và một số vấn đề liên quan.

Một số giải pháp bảo vệ thông tin trong hội thảo quốc tế

Với các đặc trưng mang ý nghĩa khoa học của các hội thảo quốc tế nên loại hình này dễ bị rò rỉ tin tức, tài liệu mật dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trên nhiều lĩnh vực. Để  phát huy được những mặt tích cực, đồng thời hạn chế được những sơ hở liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh thông tin trong hội thảo quốc tế tại Việt Nam, chúng ta cần quan tâm tới một số giải pháp tối thiểu sau:

Một là, các cá nhân  tham gia hội thảo cần có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện pháp luật về bảo mật thông tin, bảo vệ nội bộ khi tham gia hội thảo quốc tế. Từ đó có ý thức cảnh giác trong quá trình chuẩn bị nội dung thông tin tham gia, cung cấp tài liệu phục vụ hội thảo và khi trình bày báo các tham luận, trả lời chất vấn…. Chấp hành nghiêm túc các quy định như báo cáo với thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về việc được mời hoặc được cử tham gia hội thảo; Chỉ được phép cung cấp những thông tin, tài liệu nhạy cảm dùng cho hội thảo khi cơ quan, đơn vị đồng ý; Không sử dụng những phương tiện mang tin, sao chép chuyển giao dữ liệu dễ bị lợi dụng thu tin bất hợp pháp, gây thất thoát thông tin ngoài ý muốn.

Hai là, các đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo cần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm quản lý về công tác bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, quan hệ quốc tế và tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành trong việc tổ chức hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Ba là, đối với các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tổ chức và quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, cần tăng cường phổ biến, quán triệt, tuyên truyền hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan.

Từ những mặt được và chưa được trong việc tổ chức hội thảo quốc tế ở Việt Nam như phân tích, đánh giá ở trên, chúng ta thấy rằng để giải quyết vấn đề bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, bảo vệ nội bộ không có nghĩa là ngăn cản các cá nhân, tổ chức tham dự hội thảo trong việc cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ hội thảo, mà điều quan trọng và cần hết sức quan tâm đó là các tổ chức, cá nhân tham gia hội thảo phải nhận thức đầy đủ về vấn đề bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và kiểm soát được quá trình cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin trước, trong và sau hội thảo, đảm bảo không vượt khỏi phạm vi cho phép.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới