Phát triển Hạ tầng Blockchain “Make in Vietnam” để khẳng định vị thế dẫn đầu trên trường quốc tế

17:00 | 07/11/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg, công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược Blockchain Quốc gia), để Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành Blockchain. Trong đó, Ban Cơ yếu Chính phủ được giao một số nhiệm vụ như: Chủ trì nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ; Chủ trì nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mật mã cho Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam... Để làm rõ những nhiệm vụ này, Tạp chí An toàn thông tin đã có buổi phỏng vấn với Trung tướng, TS. Đặng Vũ Sơn, Nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Trung tướng, TS. Đặng Vũ Sơn, Nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Phóng viên Tạp chí ATTT: Xin cảm ơn Ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Thưa Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Ông đánh giá thế nào về Chiến lược Blockchain Quốc gia ở góc độ chính sách và tác động thực tế của nó đến sự phát triển của lĩnh vực Blockchain trong thời gian tới?

Blockchain là một trong các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cho phép lưu trữ dữ liệu phi tập trung, bất biến, minh bạch và an toàn cao. Trong đó, các thuật toán mật mã là thành phần rất quan trọng để đảm bảo các tính năng cốt lõi của một hệ thống Blockchain. Các ứng dụng nổi bật của Blockchain như tiền mã hóa (tiêu biểu là Bitcoin) và tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đang thu hút sự quan tâm từ nhiều quốc gia. Chiến lược Blockchain Quốc gia là một định hướng quan trọng của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain, qua đó góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Chiến lược đã đề cập toàn diện các yếu tố như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, cũng như ứng dụng và nghiên cứu công nghệ Blockchain, với sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hội và hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA). Đặc biệt, mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới trong ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối là một điểm nhấn quan trọng, thể hiện quyết tâm và cam kết của Chính phủ trong việc nắm bắt cơ hội và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ này.

Tôi tin tưởng rằng Chiến lược sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành Blockchain, tập trung vào việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ này trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Trong đó, lĩnh vực tài chính sẽ là một trọng tâm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và viện nghiên cứu tham gia vào nghiên cứu, ứng dụng Blockchain. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng về Blockchain, thu hút nhiều tài năng trẻ tham gia vào Ngành này, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phóng viên Tạp chí ATTT: Trong 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn và nhiều hành động mà Chiến lược Blockchain Quốc gia đã đề ra, theo Trung tướng, đâu là điểm nổi bật có thể tạo ra sự khác biệt và sức bật cho ngành Blockchain Việt Nam?

Điểm nổi bật nhất, có khả năng tạo ra sự khác biệt và sức bật cho ngành Blockchain Việt Nam chính là việc huy động tiềm lực quốc gia để tập trung phát triển các nền tảng chuỗi khối "Make in Vietnam" và xây dựng cơ chế vận hành, khai thác cũng như tương tác liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối hoạt động trên hạ tầng chuỗi khối Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng vì những lý do sau:

- Khẳng định vị thế chủ động, phát triển các sản phẩm quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ lõi và công nghệ nền, tránh lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

- Nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ các sản phẩm được thiết kế và tối ưu hóa theo nhu cầu thị trường trong nước, đáp ứng các yêu cầu văn hóa và đặc thù của Việt Nam, tạo ra sự khác biệt so với các nền tảng Blockchain nước ngoài.

- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút các tài năng trẻ và góp phần xây dựng một hệ sinh thái chuỗi khối năng động, phát triển các ứng dụng Blockchain mới phù hợp với đặc điểm Việt Nam.

- Tăng cường an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm an ninh quốc gia, giảm thiểu nguy cơ bị tấn công mạng, nhất là an toàn mật mã trong các hệ thống Blockchain.

- Phát triển hệ sinh thái Blockchain Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Blockchain, thu hút đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần xây dựng một hệ sinh thái Blockchain Việt Nam bền vững.

Phóng viên Tạp chí ATTT: Thưa Trung tướng, Blockchain là một công nghệ phức tạp gắn liền với các thuật toán mật mã, Ông có thể giải thích một cách đơn giản nhất về khái niệm Blockchain và vai trò của mật mã trong Blockchain được không ạ?

Blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán và phi tập trung, nơi thông tin được lưu trữ trong các “khối” (blocks) và liên kết với nhau thành một “chuỗi” (chain). Mỗi khối chứa dữ liệu giao dịch và các thông tin bảo mật riêng biệt, tạo thành một hệ thống an toàn, minh bạch. Khi thông tin đã được ghi vào blockchain, nó không thể thay đổi, giúp bảo vệ tính toàn vẹn và độ tin cậy của dữ liệu.

Blockchain có một số đặc điểm chính là tính phi tập trung, không thể thay đổi và tính minh bạch, an toàn cao. Trong đó, mật mã là công nghệ chủ chốt giúp bảo vệ và đảm bảo tính an toàn cho dữ liệu và giao dịch trên blockchain với các vai trò chính là Bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu; Bảo mật danh tính; Bảo mật trong giao dịch; và Chống lại các cuộc tấn công mạng.

Bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu

- Tạo dấu vân tay duy nhất cho mỗi khối: Mỗi khối trên blockchain có một giá trị băm (hash value) duy nhất, đại diện cho dữ liệu bên trong khối, bao gồm thông tin giao dịch, thời gian tạo khối và giá trị băm của khối trước đó. Các thuật toán hàm băm mật mã (Cryptographic hash function) phổ biến được sử dụng bao gồm SHA-256 và RIPEMD-160. Giá trị băm này như “dấu vân tay” duy nhất của khối; bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong dữ liệu cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn giá trị băm, giúp dễ dàng phát hiện các thay đổi trái phép.

- Liên kết giữa các khối và bảo vệ chuỗi: Mỗi khối chứa giá trị băm của khối trước đó, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ. Điều này nghĩa là nếu dữ liệu trong một khối bị thay đổi, giá trị băm của khối đó sẽ khác đi, khiến chuỗi liên kết bị phá vỡ. Blockchain sẽ phát hiện ngay sự thay đổi này, ngăn chặn các thay đổi trái phép và bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu.

- Chống sửa đổi và tấn công: Để thay đổi dữ liệu trong một khối, kẻ tấn công sẽ phải tính toán và cập nhật giá trị băm của toàn bộ các khối tiếp theo trong chuỗi. Điều này là cực kỳ khó thực hiện, vì dữ liệu trong blockchain được tạo ra dựa trên sự đồng thuận của toàn bộ các nút trong mạng và được sao chép phân tán trên nhiều máy. Do đó, mọi nỗ lực tấn công đều trở nên vô cùng tốn kém và phức tạp.

Bảo mật danh tính

Trên Blockchain, mỗi người dùng có một cặp “khóa riêng” (private key) và “khóa công khai” (public key) để bảo mật danh tính. Các thuật toán mã hóa khóa công khai điển hình bao gồm hệ mật RSA và hệ mật ECC (Elliptic Curve Cryptography). Khóa riêng được giữ bí mật và sử dụng để ký các giao dịch, trong khi khóa công khai có thể chia sẻ với người khác để xác minh tính hợp lệ của giao dịch mà không cần biết danh tính thật của người dùng. Điều này giúp giao dịch ẩn danh nhưng vẫn đảm bảo tính xác thực.

Bảo mật trong giao dịch

Các giao dịch được bảo vệ bằng cách mã hóa để chỉ người có quyền mới có thể truy cập và sửa đổi thông tin. Thuật toán khóa bí mật AES (Advanced Encryption Standard) thường được sử dụng để mã hóa dữ liệu giao dịch, đảm bảo rằng các giao dịch không thể bị đọc hoặc thay đổi trái phép bởi người ngoài, đặc biệt quan trọng đối với các giao dịch tài chính hoặc dữ liệu nhạy cảm.

Chống lại các cuộc tấn công mạng

Hệ thống mật mã mạnh giúp Blockchain chống lại các cuộc tấn công mạng, như tấn công thay đổi dữ liệu (man-in-the-middle) hoặc chiếm quyền sử dụng khóa. Chữ ký số (Digital Signature) cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ tính xác thực của giao dịch, thường sử dụng các thuật toán như DSA (Digital Signature Algorithm) và ECDSA (Elliptic Curve Digital Signature Algorithm). Mật mã bảo vệ sự an toàn cho giao dịch và đảm bảo rằng chỉ những người được ủy quyền mới có quyền truy cập và thực hiện các thay đổi hợp lệ.

Nhờ có mật mã, Blockchain có thể bảo vệ các giao dịch, giữ an toàn cho dữ liệu và duy trì lòng tin giữa các người dùng trong một mạng lưới phi tập trung, tạo ra một hệ thống đáng tin cậy trong quản lý dữ liệu và giao dịch.

Phóng viên Tạp chí ATTT: Một điều đặc biệt là bên cạnh các Bộ, ngành thì Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất được giao đích danh nhiệm vụ trong Chiến lược Blockchain Quốc gia. Ông có cảm nghĩ và đánh giá như thế nào về nhiệm vụ này của VBA trên cương vị cố vấn cấp cao và là người gắn bó mật thiết với hoạt động của Hiệp hội trong 2 năm qua?

Tôi rất vui mừng khi VBA được Chính phủ tin tưởng và giao nhiệm vụ quan trọng. Dù vậy, điều này không khiến tôi quá bất ngờ, vì trong suốt hai năm đồng hành cùng VBA qua nhiều hoạt động liên quan đến Blockchain, tôi đã nhận thấy sự nhiệt huyết, chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng kết nối hiệu quả của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia tại VBA.

Mặc dù còn khá mới về tuổi đời, nhưng VBA là một trong những hiệp hội năng nổ nhất mà tôi từng biết. Chỉ trong thời gian ngắn, VBA đã chủ động tư vấn cho Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công nghệ Blockchain tại Việt Nam, như Luật Công nghiệp công nghệ số và các văn bản pháp lý liên quan. Đồng thời, VBA đã chủ động đề xuất các cơ chế chính sách quản lý tài sản số, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC),... Đây đều là những vấn đề mới mẻ, đòi hỏi tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn Việt Nam. VBA đã tiên phong thực hiện các nhiệm vụ này với tinh thần chủ động và sự tận tâm đáng quý.

Các hoạt động thực tiễn của VBA đã chứng tỏ Hiệp hội làm rất tốt nhiệm vụ cầu nối giữa các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước với các bộ ngành và địa phương tại Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain.

Đáng chú ý, VBA đặt mục tiêu phổ cập kiến thức và đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về công nghệ Blockchain cho nhiều đối tượng là một trong sáu mục tiêu trọng tâm xuyên suốt. Minh chứng cho điều này là VBA cùng đơn vị thành viên là Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII) vừa công bố MasterTeck - Nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) đầu tiên theo Chiến lược Blockchain Quốc gia, với mục tiêu phổ cập Blockchain và AI tới một triệu người dân Việt Nam.

Việc VBA được giao nhiệm vụ cụ thể trong Chiến lược Blockchain Quốc gia là sự khẳng định và đánh giá cao các nỗ lực của Hiệp hội, đồng thời thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ vào khả năng và vai trò của Hiệp hội. Với nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, VBA có thể thúc đẩy ứng dụng và phát triển Blockchain một cách hiệu quả, góp phần xây dựng hệ sinh thái Blockchain bền vững, đưa Việt Nam lên vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Phóng viên Tạp chí ATTT: Trong Chiến lược Blockchain Quốc gia vừa mới ban hành, Ban Cơ yếu Chính phủ (CYCP) cũng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như chủ trì nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mật mã cho Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam. Đặc biệt, Ban CYCP và VBA đã cùng nhau ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phổ cập công nghệ Blockchain từ tháng 11/2023. Ông suy nghĩ như thế nào về mối liên hệ đặc biệt giữa hai tổ chức này?

Như tôi đã đề cập, mật mã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo các tính năng cốt lõi của một hệ thống Blockchain như tính bất biến và bảo mật của dữ liệu, cũng như xác thực dữ liệu và người dùng. Nếu các thành phần mật mã trong hệ thống Blockchain Quốc gia (bao gồm mật mã khóa đối xứng và khóa không đối xứng) bị xâm phạm (do các yếu tố như thuật toán và khóa không đủ mạnh, lỗi quản lý khóa bí mật, hoặc lỗ hổng hệ thống) sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến yếu tố an toàn, an ninh thông tin không chỉ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Theo Chiến lược Blockchain quốc gia, Ban CYCP với vai trò là cơ quan mật mã quốc gia đã được giao một số nhiệm vụ như:

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ.

- Có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu các yếu tố liên quan đến mật mã dân sự trong các sản phẩm ứng dụng công nghệ chuỗi khối, báo cáo Chính phủ phương án quản lý sản phẩm ứng dụng công nghệ Blockchain dùng trong các hoạt động bảo vệ bí mật của Nhà nước.

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mật mã cho Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam và xây dựng tiêu chuẩn bảo mật an toàn thông tin trong việc triển khai ứng dụng Public Blockchain, Private Blockchain, API Blockchain trên không gian mạng.

Đây là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Ban CYCP theo quy định của Luật Cơ yếu và các văn bản pháp luật liên quan, bao gồm bảo vệ thông tin bí mật nhà nước bằng mật mã, quản lý và triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ, quản lý mật mã dân sự và giám sát an toàn thông tin các mạng công nghệ thông tin trọng yếu.

Ban CYCP và VBA cũng đã ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phổ cập công nghệ Blockchain từ tháng 11/2023. Đây có thể coi là một mối quan hệ đặc biệt giữa hai tổ chức, giúp thắt chặt mối liên hệ giữa hai công nghệ này.

Có thể thấy sự hợp tác giữa hai tổ chức này sẽ giúp khai thác tối đa lợi thế của mỗi bên, đẩy nhanh các nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn phù hợp, đồng thời thúc đẩy ứng dụng Blockchain một cách an toàn và hiệu quả. Hợp tác này sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái chuỗi khối mạnh mẽ và bền vững tại Việt Nam, với sự tham gia của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và chuyên gia cùng chung tay phát triển Blockchain bền vững.

Đặc biệt, việc ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng, an ninh và cơ yếu đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan mật mã quốc gia và các chuyên gia Blockchain, đảm bảo huy động tiềm lực quốc gia tham gia vào lĩnh vực này một cách an toàn, hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Phóng viên Tạp chí ATTT: Với cương vị Nguyên Trưởng ban Ban CYCP và Cố vấn cấp cao VBA, Theo Ông, Ban CYCP và VBA có thể đồng hành ở những khía cạnh, hoạt động cụ thể nào trong mục tiêu chung là thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Blockchain Quốc gia?

 Để hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược Blockchain Quốc gia, Ban CYCP và VBA có thể đồng hành ở những khía cạnh và hoạt động cụ thể sau:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý: Bên cạnh chức năng bảo đảm an toàn thông tin bằng kỹ thuật mật mã cho hệ thống chính trị, Ban CYCP còn có trách nhiệm quản lý các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã dân sự. Trong khi đó, VBA có thế mạnh về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như ngân hàng, tài chính và phòng chống rửa tiền. Hai tổ chức này có thể phối hợp đề xuất các cơ chế pháp lý lên Chính phủ và Quốc hội nhằm phát triển một khung pháp lý cho công nghệ Blockchain, đặc biệt tập trung vào các quy định về an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã liên quan đến tài sản số, hợp đồng thông minh và tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

Khung pháp lý cần được xây dựng sao cho phù hợp với đặc thù của công nghệ Blockchain, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Khung pháp lý này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ các hoạt động ứng dụng Blockchain, bảo đảm tính minh bạch, an toàn và độ tin cậy trong các giao dịch số. Qua đó, khung pháp lý cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số Việt Nam.

Thứ hai, thúc đẩy ứng dụng công nghệ Blockchain hiệu quả và an toàn: Sự kết hợp giữa Ban CYCP và VBA sẽ giúp thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ Blockchain một cách hiệu quả và an toàn. Ban CYCP có thể hỗ trợ VBA trong việc đánh giá rủi ro về bảo mật và an toàn thông tin khi ứng dụng Blockchain, đồng thời đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin hiệu quả.

Thứ ba, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển: Việc kết hợp giữa Ban CYCP và VBA sẽ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Ban CYCP có thể phối hợp với VBA để nghiên cứu và phát triển các giải pháp Blockchain trong lĩnh vực an ninh quốc gia trên cơ sở các quy định của Luật Cơ yếu trong hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mật mã.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao: Sự phối hợp giữa Ban CYCP và VBA sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ Blockchain, am hiểu về bảo mật và an toàn thông tin, từ đó đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Blockchain.

Cảm ơn Trung tướng, chúc Ông cùng sự phối hợp giữa Ban CYCP và VBA ngày càng phát triển! 

Hoàng Hằng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới