Lào Cai: Đứng trong nhóm 10 của Bảng xếp hạng Việt Nam ICT-Index 2018
Lào Cai nằm trong top 10 về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT–Truyền thông
Theo bảng xếp hạng ICT-Index năm 2018, với chỉ số xếp hạng chung ICT-Index 0,5968 điểm, Lào Cai giữ vị trị đứng thứ 8, giảm 1 bậc so với năm 2017 (hạng 7). Trong đó, chỉ số hạ tầng kỹ thuật xếp hạng 10, giảm 3 bậc so với năm 2017 (7); Chỉ số hạ tầng nhân lực xếp hạng 8, tăng 6 bậc so với năm 2017 (14); Chỉ số ứng dụng CNTT xếp hạng 8, giảm 2 bậc so với năm 2017 (6).
Qua kết quả trên, mặc dù tổng thể tỉnh Lào Cai chỉ giảm 1 bậc và vẫn nằm trong Top 10 các tỉnh dẫn đầu về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-Truyền thông toàn quốc. Điểm số của Lào Cai so với tỉnh dẫn đầu Đà Nẵng (0,9407 điểm) vẫn được rút ngắn so với năm 2017 (66,4% năm 2017; 63,4% năm 2018). Điều đó khẳng định Lào Cai vẫn đang duy trì tốt tốc độ tăng trưởng chung.
Bộ chỉ số ICT-Index năm 2018 được xây dựng dựa trên 3 chỉ số thành phần là chỉ số hạ tầng kỹ thuật (HTKT), hạ tầng nhân lực (HTNL) và ứng dụng CNTT. Tỉnh Lào Cai năm 2018 có 2 chỉ số thành phần giảm là chỉ số HTKT và ứng dụng CNTT. Nguyên nhân dẫn đến điểm số HTKT giảm là do điểm số HTKT-XH giảm. Cụ thể là số lượng thuê bao băng rộng không dây (3G/4G) giảm đột ngột (từ 303.009 xuống 191.138 thuê bao, giảm 37%). Nguyên nhân chính là do Lào Cai là một trong số những tỉnh trong năm 2017 thực hiện nghiêm việc quản lý thuê bao trả trước, số lượng thuê bao ảo giảm đáng kể. Số thuê bao cố định giảm theo xu thế chung (từ 38.020 xuống 15.620 giảm 59%). Chỉ số ứng dụng CNTT giảm 2 bậc do cả hai chỉ số thành phần (Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; Dịch vụ công trực tuyến) đều giảm. Các chỉ số khác vẫn được duy trì và có tốc độ tăng trưởng bình thường.
Giải pháp nâng cao chỉ số ICT-Index tỉnh Lào Cai trong năm 2019
Để cải thiện chỉ số ICT-Index tỉnh Lào Cai trong năm 2019, tỉnh Lào Cai đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh thực hiện công tác phát triển và ứng dụng CNTT truyền thông, cụ thể như sau:
Về chỉ số HTKT, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, Internet, điện lưới cho các thôn, bản, đến các hộ gia đình trong các vùng sâu, vùng xa của tỉnh kết hợp với chương trình viễn thông công ích của Trung ương để triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tăng chỉ tiêu thuê bao Internet, thuê bao băng rộng; Đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT, kết nối mạng nội bộ, mạng diện rộng, trang thiết bị CNTT cho các cơ quan Nhà nước ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); Triển khai các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin và an toàn dữ liệu...
Về chỉ số nhân lực CNTT, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy tin học đối với các cơ sở giáo dục; trang bị, nâng cấp phòng tin học, máy tính ở các cấp học nhất là cấp tiểu học năm 2018 phấn đấu đạt chỉ tiêu 88-90% trường Tiểu học, 100% trường THCS, THPT được ứng dụng CNTT trong quản lý, có phòng máy tính và đưa môn tin học vào giảng dạy (năm 2017 tỷ các trường dạy tin học 84,1%). Tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đến trường, tỷ lệ người lớn biết đọc, viết lên 100%; Tạo môi trường tốt để học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, học tập, nghiên cứu CNTT phù hợp với yêu cầu trong mỗi cấp học. Có giải pháp về xã hội hóa giáo dục, huy động sự hợp tác với các doanh nghiệp, đóng góp của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể; Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, định hướng về ứng dụng CNTT trong việc dạy và học tại các trường học trên địa bàn tỉnh; Liên kết các cơ sở đào tạo, đưa nội dung chuyên ngành CNTT, điện tử thành một trong những chuyên ngành ưu tiên đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh; Duy trì, đảm bảo 100% các sở, ban, ngành, địa phương có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách/phụ trách về CNTT, đảm bảo an toàn thông tin. Tạo điều kiện cho cán bộ CNTT tham gia các khóa học vừa học vừa làm để 100% cán bộ chuyên trách/phụ trách CNTT có trình độ đại học CNTT trở lên. Bố trí, xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực phụ trách CNTT cho cấp xã phục vụ hỗ trợ triển khai các ứng dụng CNTT của các xã, phường, thị trấn; Xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên sâu về quản trị, vận hành, khai thác và đảm bảo ATTT cho 100% cán bộ chuyên trách về CNTT; Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT, ATTT cho cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Nâng tỷ lệ công chức, viên chức được tập huấn về ATTT đạt 100%. Đào tạo quản lý, khai thác phần mềm ứng dụng CNTT cho cấp xã.
Về Chỉ số Ứng dụng CNTT, tiếp tục cấp và duy trì đảm bảo tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức sử dụng hộp thư điện tử của tỉnh trong công việc đạt 100%; đẩy mạnh triển khai các ứng dụng cơ bản phục vụ quản lý điều hành của chính quyền các cấp, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã được triển khai, gồm: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống một cửa điện tử, ứng dụng chữ ký số, phần mềm theo dõi chỉ đạo, điều hành; phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài chính-kế toán, quản lý tài sản cố định; Ứng dụng chữ ký số... Đặc biệt chú trọng chỉ số dịch vụ công trực tuyến, đây là chỉ số thành phần quan trọng nhất trong bộ chỉ số ICT-Index, đồng thời là tiêu chí thành phần quan trọng của chỉ số CCHC, chỉ số PCI, vì vậy năm 2019 cần tập trung thực hiện, cải thiện hiệu quả ngay trong Quý I/2019.
Cũng trong bảng xếp hạng Việt Nam ICT-Index 2018, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu với chỉ số ICT-Index 0,9407 điểm, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 (0,6652 điểm) và Hà Nội đứng thứ 3 (0,6473 điểm).
Ở khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục duy trì vị trí số 1, với chỉ số ICT-Index 0,9263 điểm; Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở vị trí thứ 2 (0,9175 điểm); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vươn lên đứng vị trí số 3 (0,7270 điểm) trong bảng xếp hạng.
Năm 2018 là năm thứ 13, Báo cáo này được công bố trên cơ sở tiếp tục thực hiện chủ trương giữ nguyên hệ thống chỉ tiêu trong thời gian ít nhất 3 năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng điều tra trong việc chuẩn bị số liệu và so sánh kết quả xếp hạng của các năm, theo đó hệ thống chỉ tiêu của năm 2018 được giữ nguyên như của năm 2017.
Chỉ số Vietnam ICT-Index là chỉ số chính thống về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; phản ánh bức tranh chân thực, khách quan và toàn diện nhất về việc bảo đảm điều kiện cho phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan, địa phương tại Việt Nam. Chỉ số ICT Index cũng gắn kết, hỗ trợ đối với chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR Index). Bộ chỉ số còn thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử và thành phố thông minh trong giai đoạn hiện nay và định hướng tới năm 2025. Do vậy, Báo cáo chỉ số Vietnam ICT Index được Chính phủ và các tỉnh thành xem là tiêu chuẩn để đánh giá tình hình xây dựng và phát triển công nghệ thông tin của mình, từ đó đưa ra các tiêu chí cụ thể để khắc phục và phấn đấu, đạt được thành tích cao hơn.
Hoàng Cửu