Thừa Thiên Huế Công bố dịch vụ Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh
Tham dự Hội nghị về phía Thừa Thiên Huế có: UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, Chính phủ điện tử trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo các Bộ, ngành cùng Lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nghi thức công bố dịch vụ Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Trung tâm IOC hoạt động từ đầu năm 2019, được xây dựng trên mô hình hợp tác điển hình giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Sau hơn 6 tháng vận hành, bước đầu Trung tâm đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính Nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.
Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị
Đến nay, IOC đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM), hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý Nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý; công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý; người dân được tham gia tương tác với hoạt động Nhà nước; bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả. Với cách làm đó, giải pháp phát triển dịch vụ ĐTTM Thừa Thiên Huế được Ban Tổ chức giải thưởng viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.
Về công tác đầu tư công nghệ thông tin, đồng chí Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: “Tỉnh đã tạo được môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch cộng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, với nguồn nhân lực tốt về CNTT và các chương trình, chính sách thu hút đầu tư và tin tưởng rằng đây chính là thời điểm tốt để các doanh nghiệp CNTT nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế”.
Đây là dự án được Viettel xây dựng bằng hình thức “may đo” theo yêu cầu và đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, các cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương phối hợp xây dựng quy trình nghiệp vụ. IOC được đánh giá cao về sự thông minh và phù hợp với đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế, đảm bảo việc phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao trải nghiệm của người dân và khách du lịch nhưng vẫn bảo tồn được nét cổ kính của trung tâm văn hóa lịch sử của đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu chúc mừng Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa phương tiêu biểu trong triển khai, xây dựng ĐTTM. Trong một thời gian ngắn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả nổi bật, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong đó, nổi bật nhất là việc quản lý giám sát tập trung kết hợp với việc theo dõi xử lý dịch vụ công trực tuyến với dịch vụ ĐTTM.
Đồng chí Nguyễn Thành Hưng nhận định, yếu tố thành công trong xây dựng ĐTTM là làm thế nào để có thể dùng chung cơ sở hạ tầng, dùng chung cơ sở dữ liệu. Đây là mô hình điển hình để các bộ, ngành, địa phương học tập kinh nghiệm về xây dựng ĐTTM và Chính phủ điện tử.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ TT&TT cùng Lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Viettel đã thực hiện nghi thức khai trương, công bố dịch vụ Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hoàng Hằng