Tọa đàm “Dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và góp ý của các bên liên quan tại Việt Nam”
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tham dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; bà Lim May – Ann, Giám đốc điều hành Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành; các tổ chức, cơ quan ngoại giao; các chuyên gia và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Buổi Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá tác động và thu thập, tổng hợp thông tin, ý kiến của các doanh nghiệp ngành công nghệ, phần mềm, nội dung số và truyền thông trong và ngoài nước về các quy định có liên quan đến quyền pháp lý và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp để gửi đến Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng cho biết: Theo kế hoạch, Luật An ninh mạng sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua vào cuối tháng 5/2018. Theo đó, an ninh mạng phải đảm bảo hoạt động trên không gian mạng, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật An ninh mạng cũng cần tạo hành lang pháp lý để không ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng ít nhất tới doanh nghiệp cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, Hội thảo được tổ chức với sự góp mặt của các chuyên gia sẽ góp thêm tiếng nói tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hoàn thiện dự thảo Luật An ninh mạng. Từ góc độ đơn vị đồng tổ chức, Hội Truyền thông số Việt Nam sẽ ghi nhận các góp ý từ các đơn vị, doanh nghiệp trong hội thảo, từ đó hoàn thiện và đưa các ý kiến gửi văn bản tới các cơ quan liên quan.
Tại Tọa đàm, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông đánh giá: Dự thảo Luật An ninh mạng có thể điều chỉnh trực tiếp và tác động đến quyền và lợi ích của 3 nhóm doanh nghiệp: (1) nhóm sản xuất và kinh doanh các thiết bị, giải pháp kỹ thuật về an ninh mạng; (2) nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ (còn gọi là Fintecb) và (3) nhóm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ nội dung số, giải pháp công nghệ nói chung. Cụ thể, các quy định được đề xuất trong dự thảo Luật có thể làm gia tăng chi phí hoạt động cho các nhóm doanh nghiệp đã nêu, gồm có: chi phí tuân thủ, chi phí giấy phép và thủ tục hành chính.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã tích cực thảo luận và đưa ra các phân tích, ý kiến đóng góp cho dự thảo, tập trung nhấn mạnh về vai trò của điện toán đám mây trong sự phát triển kinh tế số của doanh nghiệp, vấn đề tự do dòng chảy dữ liệu toàn cầu và các hiệu quả kinh tế. Các chuyên gia cũng đưa ra các kinh nghiệm và giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng của một số nước.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, vai trò của người dùng, của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước phải đặt ngang hàng như nhau trong việc đảm bảo an ninh mạng. Tuy nhiên, trong bản dự thảo này nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề thanh tra, kiểm tra, chứ chưa đánh giá hết tác động của nó. Do đó, Việt Nam cần thời gian để xem xét kỹ lưỡng các tác động như vấn đề phân loại dữ liệu, thì các tầng nấc của dữ liệu thế nào cần điều chỉnh, đây là vấn đề chưa rõ ràng.
Hoặc, Luật An ninh mạng nói về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, nhưng mới liệt kê theo lĩnh vực, chứ chưa có một danh mục đi kèm. Ông Đồng cho rằng, quan trọng nhất là có danh mục đi kèm dựa trên các cấp độ rủi ro về dữ liệu để đi đến quy định cụ thể thì dự thảo luật hiện tại chưa giải quyết hoàn toàn...
Phía Viện IPS cũng đưa ra các kiến nghị để Quốc hội xem xét, sửa đổi như việc nên xây dựng từng phần, giải quyết từng nhóm vấn đề; tiếp tục xem xét xây dựng đạo luật về bảo vệ dữ liệu; bãi bỏ các thủ tục, quy định có rủi ro gây ra giấy phép con cho doanh nghiệp….
Theo Mic