Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua với tỷ lệ 86,86% gồm 7 Chương 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an phát biểu tại buổi họp
Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho biết, Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, CNTT lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV…; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.
Đáng lưu ý, trong chương II Luật An ninh mạng quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật An ninh mạng, thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chương III Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật bao gồm: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, CNTT, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng.
Chương IV của Luật tập trung quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trọng tâm là các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, quy định rõ các nội dung triển khai, hoạt động kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức này. Cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế cũng là một trong những đối tượng được bảo vệ trọng điểm.
Cũng tại cuộc họp công bố Lệnh của Chủ tịch nước, Cục trưởng Cục An ninh mạng Hoàng Phước Thuận khẳng định, Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân. Tất cả những điều không bị cấm, quy chiếu 29 điều của Bộ luật Hình sự, điều luật trực tiếp và điều luật liên quan và những luật khác sẽ được Nhà nước bảo hộ trên không gian mạng.
Hiện nay, Ban soạn thảo dự án Luật An ninh mạng đã họp bàn với Bộ Tư pháp để chuẩn bị xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, dự kiến trong tháng 10/2018 sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định này.
M.T