Tăng 82,8% hoạt động cấp phép mật mã dân sự trong quý III/2022
Cụ thể, trong quý III/2022 Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã đã thẩm định và trình Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ ký 72 Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS (gồm cấp mới, cấp bổ sung) và 151 Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS. Con số này tăng khoảng 82,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ MMDS tiếp tục gia tăng, đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin, đặc biệt đáp ứng hơn nữa yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử và Chính phủ số.
Để triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030 theo quyết định 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã tập trung triển khai chuyển đổi số cho một số lĩnh vực ưu tiên về quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã đã được chỉ ra trong kế hoạch số 61/KH-BCY ngày 07/02/2022 của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, đó là: Triển khai quản lý khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn để cung cấp các thủ tục hành chính về mật mã dân sự trên cổng dịch vụ công trực tuyến đáp ứng theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ công về quản lý cấp phép kinh doanh, cấp phép xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; xây dựng hệ thống kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã phục vụ Chính phủ số; xây dựng triển khai hệ thống hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng kênh sử dụng các công nghệ đáp ứng nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp trong công tác cấp phép kinh doanh, cấp phép xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xây dựng hệ thống kho dữ liệu tập trung và hệ thống quản lý, điều hành, tác nghiệp phục vụ chuyển đổi số hoạt động quản lý mật mã dân sự.
Theo đó, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự, ông Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã cho biết: Trong thời gian tới Cục sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính: Một là, Cung cấp dịch vụ công quản lý mật mã dân sự đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số của quốc gia; Hai là, Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự đáp ứng sự đa dạng về chủng loại thiết bị và giải pháp triển khai sản phẩm mật mã dân sự hiện nay; Ba là, Thay đổi tư duy, cách thức chỉ huy, điều hành, quản lý, tổ chức, môi trường làm việc và công cụ làm việc theo hướng chuyển đổi số để cán bộ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, tập thể Cục hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ chính trị được giao.
Mai Hương