Tiêu chí và quy trình Bình chọn sản phẩm an toàn thông tin năm 2019 của VNISA
Theo ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), khác với các năm trước, trong năm nay, gần 70 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong nước được Bộ TT&TT đề nghị tham gia Chương trình Bình chọn. Do đó, tiêu chí và quy trình bình chọn là điều mà các tổ chức, doanh nghiệp cần nắm rõ trước khi đăng ký tham gia.
Tiêu chí đối với các Danh hiệu
Có 03 Danh hiệu được Chương trình đánh giá và trao tặng trong năm nay, đó là: “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao”, “Sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc”, “Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu”.
Danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao” có các tiêu chí bao gồm: Nhu cầu và hiệu quả ứng dụng; Công nghệ và chất lượng sản phẩm; Tính mới, công nghệ sáng tạo, tỷ lệ nội địa hóa; Thị trường và dịch vụ hỗ trợ; Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; So sánh giá cả trên tính năng; Phản hồi của thị trường,....
Đối với Danh hiệu “Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu”, các tiêu chí bình chọn chính gồm: Nhu cầu và hiệu quả ứng dụng; Công nghệ và nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ; Tính quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan; Thị trường và quy mô triển khai dịch vụ; Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; Đầu tư phát triển dịch vụ; So sánh giá cả trên hiệu quả áp dụng; Phản hồi của thị trường....
Danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc” được trao cho các sản phẩm an toàn thông tin nội địa mới, là kết quả nghiên cứu và phát triển có chất lượng cao, đang trong quá trình thương mại hóa và cung cấp ra thị trường. Danh hiệu này nhằm khuyến khích các sản phẩm an toàn thông tin mới, có tính sáng tạo cao; cũng như hỗ trợ cho các start-up trong việc đánh giá, quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
Tại buổi Gặp mặt báo chí ngày 24/7 của Chương trình Bình chọn, ông Vũ Quốc Khánh – Ủy viên Ban chấp hành VNISA đã chia sẻ về sự khác biệt giữa tiêu chí của Danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao” và “Sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc”.
Ông cho hay, hiện nay việc đánh giá sản phẩm an toàn thông tin dựa trên 4 nhóm tiêu chí cơ bản: Tính năng, hiệu quả sử dụng; Công nghệ, chất lượng sản phẩm; Tính sáng tạo, đột phá; Khả năng thương mại hóa, tiềm năng dự kiến. Đối với 02 Danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao” và “Sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc”, 3 nhóm tiêu chí đầu là tương đồng. Tuy nhiên, đối với nhóm tiêu chí cuối, thì sản phẩm chất lượng cao là sản phẩm đã được thử thách trên thị trường được ít nhất 2 năm, có doanh thu và tổng kết về thương mại, đồng thời doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đó đã được cấp đầy đủ giấy phép về mặt pháp lý.
Còn đối với các sản phẩm mới xuất sắc, đây là những sản phẩm mới được đưa ra thị trường, có tiềm năng lớn mà chưa đòi hỏi về mặt giấy phép cũng như thị trường kinh doanh. Hội đồng bình chọn sẽ dựa trên nguồn lực để đánh giá đây có phải là sản phẩm an toàn thông tin xuất sắc và được khuyến nghị hay không. Danh hiệu này chính là cơ hội tốt cho các start-up để được đánh giá, quảng bá sản phẩm, đồng thời giúp giới thiệu trước sản phẩm mới đối với các doanh nghiệp lớn hơn.
Quy trình bình chọn các Danh hiệu
Việc bình chọn các Danh hiệu được tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, bao gồm 03 bước.
Thứ nhất là bước sơ tuyển. Tại bước này, các hồ sơ đăng ký sẽ được xem xét, đánh giá về sự hợp lệ và đáp ứng các yêu cầu. Sau khi đã xem xét, các hồ sơ sẽ được trình Hội đồng bình chọn để đưa vào vòng thẩm định, đánh giá kỹ thuật.
Thứ hai là bước thẩm định và đánh giá kỹ thuật. Tùy theo đặc thù của sản phẩm và dịch vụ, với sự hỗ trợ của các Tổ kỹ thuật, Hội đồng bình chọn sẽ tổ chức thẩm định tính đúng đắn của hồ sơ và kiểm nghiệm các tính năng an toàn thông tin của các sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở thẩm định hồ sơ kỹ thuật và đánh giá kiểm định thực tế.
Thứ ba là bước chung tuyển, tức đánh giá bình chọn sản phẩm, dịch vụ để đưa ra kết quả. Hội đồng tiến hành chấm điểm sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chí đã được thống nhất, dựa trên thẩm định hồ sơ và báo cáo kết quả thẩm định của tổ kỹ thuật. Việc chấm điểm đảm bảo nguyên tắc độc lập, công bằng, khách quan.
Sau đó, Hội đồng bình chọn sẽ đề xuất Chủ tịch VNISA ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng theo yêu cầu. Kết quả sẽ được công bố trong Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2019. Các sản phẩm, dịch vụ đạt Danh hiệu sẽ được VNISA gửi thư giới thiệu trực tiếp đến hơn 2000 đối tượng tiềm năng sử dụng, bao gồm các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức trên cả nước.
Năm 2018, Chương trình Bình chọn đã công nhận và tôn vinh 04 sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao, 08 sản phẩm an toàn thông tin tiêu biểu và 07 sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc. Qua theo dõi, khảo sát của VNISA và phản hồi của các doanh nghiệp, các sản phẩm đạt Danh hiệu đã có tỷ lệ thị trường tăng lên 20 – 25%, một phần nhờ uy tín của Danh hiệu đã đạt được.
Đối tượng tham gia bình chọn là những sản phẩm, dịch vụ về bảo đảm an toàn thông tin; sản phẩm công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin có tính năng an toàn, bảo mật cao. Các sản phẩm, dịch vụ này phải có xuất xứ từ Việt Nam, do các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ. Thời gian nhận hồ sơ bình chọn từ ngày 30/06/2019 – 15/08/2019. Quy chế bình chọn, Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình bình chọn, cũng như thông tin chi tiết về Chương trình có thể xem tại địa chỉ: http://binhchon.vnisa.org.vn/ |
An Dương