Cạnh tranh Mỹ - Trung về cáp quang biển toàn cầu (Phần 2)

08:00 | 12/01/2024 | AN NINH – QUỐC PHÒNG
Hiện nay, Trung Quốc cơ bản đã có khả năng độc lập trong toàn bộ chuỗi công nghiệp từ sản xuất thiết bị hàng hải, sản xuất cáp ngầm, tích hợp hệ thống đến hậu bảo trì. Để đáp lại điều này, Mỹ và các đồng minh đã có những bước đi toàn diện.

Động thái của Mỹ và đồng minh

Sự phát triển của các hãng cung cấp cáp quang biển Trung Quốc bị ảnh hưởng sâu sắc từ mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi. Vào năm 2019, Huawei Technologies bị Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm. Động thái đó là một phần trong chiến dịch toàn cầu của Mỹ và đồng minh nhằm ngăn chặn Huawei Technologies và các công ty công nghệ Trung Quốc xây dựng các mạng 5G trên toàn thế giới. Theo ước tính, đóng góp của lĩnh vực cáp quang biển vào khoảng gần 650 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2019 (khoảng 3% GDP). Do đó, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Mỹ và phương Tây, thúc đẩy họ sử dụng các biện pháp để kiềm chế đà phát triển của các công ty cung cấp cáp ngầm Trung Quốc, thể hiện ở những khía cạnh:

Một là, Mỹ hợp tác với các quốc gia có điểm cáp biển tiếp bờ “tẩy chay” các công ty Trung Quốc trong quá trình tham gia xây dựng của các dự án cáp quốc tế. Lấy tuyến cáp phía đông Micronesia (EMCS) làm ví dụ, Mỹ, Australia gây áp lực lên các nước dọc tuyến đường này để họ không chọn nhà thầu Trung Quốc. Tháng 6/2023, NEC của Nhật Bản công bố giành được hợp đồng lắp đặt Hệ thống cáp EMCS có tổng chiều dài khoảng 2.250 km (Dự án EMCS được tài trợ bởi Chính phủ Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ) [4]; Huahai Telecom của Trung Quốc không trúng thầu dù giá thầu thấp hơn 20% so với giá của đối thủ.  Tháng 2 năm 2023, công ty SubCom LLC của Mỹ khởi công xây dựng tuyến cáp trị giá 600 triệu USD để truyền tải dữ liệu từ châu Á đến châu Âu (SeaMeWe-6) kết nối hàng chục quốc gia từ Singapore đến Pháp, băng qua ba vùng biển và Ấn Độ Dương, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đây là kết quả của một chiến dịch thành công của chính phủ Mỹ giúp SubCom đánh bại HMN Tech (giá thầu của HMN Tech là 500 triệu USD), bao gồm cả việc Washington gây áp lực buộc các các nước phải “tẩy chay” các công ty Trung Quốc. Reuters cho biết “Để hất cẳng nhà thầu Trung Quốc khỏi tuyến cáp Singapore - Pháp, Mỹ đã đưa ra những lời lẽ có cả ngọt ngào và cảnh báo tới các nhà đầu tư của dự án” [5]. Trước đó, tháng 11/2021, Liên minh châu Âu đã công bố thuế quan đối với một số công ty Trung Quốc, bao gồm cả Hengtong và Fiberhome Marine, sau một cuộc điều tra phát hiện ra rằng họ bán phá giá cáp quang vào thị trường châu Âu với giá thấp giả tạo [6].

Hai là, Mỹ cấm các nhà cung cấp Trung Quốc tham gia xây dựng các tuyến cáp tiếp bờ tại Mỹ; cấm các công ty liên quan kết nối cáp với Hồng Kông; ủng hộ các tuyến cáp mới tránh vùng biển của Trung Quốc. Do vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và ít thiên tai, Hồng Kông từ lâu là điểm lựa chọn hàng đầu của các công ty đa quốc gia Mỹ để đặt cáp ngầm. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ An ninh Quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông), Mỹ đã cấm các công ty liên quan kết nối cáp ngầm với Hồng Kông với lý do "lo ngại về an ninh quốc gia". Trong 4 năm qua, chính phủ Mỹ đã can thiệp vào ít nhất 6 hợp đồng cung cấp cáp quang biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo những cách khác nhau và ít nhất bốn tuyến cáp liên quan đến việc tiếp bờ ở Hồng Kông bị ngăn chặn.

Ba là, Mỹ đưa các công ty lắp đặt cáp quang biển của Trung Quốc vào “Danh sách thực thể”, kiểm soát việc xuất khẩu sản phẩm và công nghệ nhằm ngăn chặn chuyển giao công nghệ tiên tiến cho phía Trung Quốc. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn diện trong lĩnh vực công nghệ cao, Mỹ hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, dừng các kênh đào tạo nhân sự, tạo ra các “liên minh kỹ thuật” nhằm hạn chế sự phát triển năng lực đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Một số công nghệ và thiết bị của ngành công nghiệp cáp quang biển của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, chẳng hạn như cáp quang biển hiệu suất cao, thiết bị lắp ráp tàu đặt cáp ngầm (sonar, máy chôn cáp,…), phần mềm thiết kế định tuyến hàng hải,... Khai thác điểm yếu này, Mỹ đã ban hành một số chính sách để hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các công nghệ và sản phẩm liên quan đến cáp ngầm, hạn chế năng lực kỹ thuật cốt lõi trong xây dựng cáp quang biển của Trung Quốc.

Tiểu kết

Mỹ triển khai sáng kiến "Mạng sạch" (Clean Network Initiative) năm 2020 và thông qua “Đạo luật kiểm soát cáp ngầm dưới biển” (Undersea Cable Control Act) tháng 2 năm 2023 [7] nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc có được các công nghệ và sản phẩm tiên tiến liên quan đến cáp quang biển, hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án cáp quang biển quốc tế mới. Cáp thông tin dưới biển đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh quan trọng giữa các cường quốc, trong đó nổi bật là giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Mỹ và đồng minh gây sức ép đối với các công ty Trung Quốc không chỉ hạn chế việc tích lũy kinh nghiệm xây dựng dự án cáp quy mô lớn, mà còn khiến các công ty Trung Quốc đối mặt với nhiều rào cản và chi phí cao khi thực hiện các dự án cáp quốc tế, làm chậm tốc độ mở rộng thị trường toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ lợi ích của riêng họ. Thông qua các biện pháp ngoại giao, Trung Quốc đáp trả ngày càng cứng rắn đối với Mỹ và phương Tây. Thông qua hoạt động lập pháp, liên tiếp ban hành các luật liên quan đến an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu (như Luật An ninh Quốc gia, Luật An ninh Mạng, Luật An ninh Dữ liệu) và tiếp tục thúc đẩy xây dựng một hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài. Về bảo mật thông tin, Trung Quốc tập trung nghiên cứu và phát triển truyền thông an toàn lượng tử để tăng cường bảo mật thông tin liên lạc qua cáp quang biển. Về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng mạng lưới giám sát tàu ngầm ở Biển Hoa Đông và Biển Đông [8]. Việc xây dựng các tuyến cáp dưới biển là một phần của chiến lược “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Digital Silk Road) thuộc Sáng kiến “Vành đai - Con đường”. Các công ty Trung Quốc sẽ không lùi bước mà tiếp tục tiếp cận các thị trường “thân thiện hơn” ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Đối với khu vực Biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông đã gây không ít trở ngại cho việc triển khai các tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, Trung Quốc tăng cường xây dựng đảo nhân tạo, xây căn cứ quân sự và tuần tra hải quân, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng dân quân biển với số lượng lớn để quấy rối tàu nước ngoài. Điều này đã dấy lên lo ngại cho các tuyến cáp dự kiến đi qua khu vực Biển Đông. Trước tình hình đó, nhiều dự án cáp quang biển mới có thể phải chuyển hướng để chỉ kết nối các quốc gia và khu vực thân thiện, hoặc phải chọn tuyến đường vòng để giúp tăng khả năng phục hồi của mạng. Ví dụ, Echo và Bifrost - hai hệ thống dự kiến hoàn thành vào năm 2024, sẽ là những tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương đầu tiên đi qua biển Java. Bổ sung cho Echo là Apricot, tuyến cáp biển nội Á đầu tiên không đi qua khu vực Biển Đông. Những tuyến cáp này và các tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương khác tránh Biển Đông và Hồng Kông sẽ dài hơn và tốn kém hơn để xây dựng và vận hành.

Các điều ước quốc tế về quản lý dây cáp và ống dẫn cáp ngầm có từ “Công ước Bảo vệ cáp điện báo dưới biển” 1884 (Convention for the Protection of Submarine Telegraph Cables) [9], một cơ chế hiện là một phần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Tuy nhiên, khi cáp quang biển quốc tế ngày càng trở nên quan trọng, các thể chế quốc tế hiện tại không đủ ràng buộc trong chương trình hợp tác liên chính phủ. Trên thực tế, bên cạnh những sự cố khách quan ảnh hưởng đến hoạt động của cáp quang biển, nó còn có thể chịu những đe dọa chủ quan như chiến tranh hiện đại, khủng bố và cướp biển phá hoại. Kết nối dữ liệu và Internet là đặc điểm nổi bật của thế kỷ 21, cùng với khối lượng dữ liệu và độ nhạy cảm của thông tin truyền qua cáp quang biển ngày càng gia tăng, thì mối lo ngại về an ninh xung quanh cơ sở hạ tầng cốt lõi này trở nên rõ ràng hơn. Việc bảo vệ cáp quang biển cần được ưu tiên và cần sự phối hợp của các công ty và các chính phủ.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://www.congress.gov/bill/118th-congress/house-bill/1189

[2]. https://www.csis.org/analysis/securing-asias-subsea-network-us-interests-and-strategic-options

[3]. https://www.gov.cn/zhengce/zhengceku/2021-11/16/5651262/files/96989dadf83a4302895cd17cbeec6600.pdf

[4]. https://www.submarinenetworks.com/en/systems/trans-pacific/emcs/nec-to-supply-east-micronesia-cable-system-emcs-funded-by-japan-australia-and-usa

[5]. https://www.reuters.com/investigates/special-report/us-china-tech-cables/

[6]. https://www.csis.org/analysis/securing-asias-subsea-network-us-interests-and-strategic-options

[7]. https://www.secrss.com/articles/56658

[8]. https://www.caifc.org.cn/uploadfile/2023/0214/20230214033152606.pdf

[9]. https://www.iscpc.org/documents/?id=13

Trần Văn Liệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới