Quốc hội thảo luận Luật an toàn thông tin: Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý mật mã dân sự

13:43 | 13/08/2015 | AN TOÀN THÔNG TIN
Quản lý nhà nước về mật mã là vấn đề liên quan tới bảo đảm an ninh quốc gia, là một nội dung trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Cơ yếu, phù hợp với thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực Cơ yếu và các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lĩnh vực này.
Trên thế giới, mật mã luôn được xác định như một loại vũ khí đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ thông tin và là “vũ khí bí mật” của mỗi quốc gia, là loại sản phẩm được sử dụng với hai mục đích là phục vụ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và mật mã bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước (mật mã dân sự) có liên quan chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, an ninh thông tin và an ninh quốc gia. Vì vậy, việc thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về mật mã là vấn đề rất quan trọng, nhằm quản lý một cách chặt chẽ, có khả năng ngăn chặn các thế lực thù địch, đối tượng chống phá chế độ lợi dụng mật mã làm phương hại đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và trật tự - an toàn xã hội, đồng thời cũng tránh được nguy cơ lộ lọt bí mật kỹ thuật mật mã của quốc gia.

Thống nhất quản lý nhà nước về mật mã là vấn đề liên quan tới bảo đảm an ninh quốc gia, là một nội dung trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Cơ yếu. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của quản lý nhà nước đối với mật mã dân sự, nên trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành trong thời gian qua đều quy định giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Điều đó được thể hiện cụ thể trong các văn bản sau:

- Luật Tổ chức Chính phủ (năm 2015) đã quy định tại Điều 19 về trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực Cơ yếu, trong đó có nội dung “quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã”. Tại Điều 21, Luật Cơ yếu cũng quy định Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “quản lý, kiểm soát việc sử dụng các loại sản phẩm mật mã trong cả nước”.

- Tại các Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 08/5/2007 về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 09/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ đều thống nhất giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý về mật mã dân sự trong phạm vi cả nước.

Như vậy, Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nuớc về mật mã dân sự là yêu cầu khách quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực Cơ yếu và các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lĩnh vực này.

Với truyền thống, kinh nghiệm 70 năm của ngành Cơ yếu trong việc quản lý và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, việc giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nuớc về mật mã dân sự sẽ phát huy tốt nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tiềm lực khoa học - công nghệ mật mã để phục vụ công tác quản lý mật mã dân sự cho việc thực hiện nhiệm vụ. Đó là cơ sở đảm bảo công tác quản lý về mật mã dân sự đạt hiệu quả, đảm bảo tính khoa học và yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện triển khai Nghị định 26/NĐ-CP, cùng với việc tổ chức quản lý, triển khai Hệ thống chứng thực chữ ký số Chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Nhà nước, thời gian qua Ban Cơ yếu Chính phủ đã thực hiện quản lý, thẩm định các thành phần mật mã dân sự áp dụng cho Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam.

Triển khai Nghị định 09/2014/NĐ-CP, Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ đã được thành lập, tiếp tục thực hiện chức năng quản lý mật mã dân sự theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đưa sản phẩm mật mã vào danh mục hàng hóa cần kiểm soát chặt chẽ và giao cho một cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý. Đã có 41 nước tham gia Thỏa thuận về kiểm soát vũ khí Wassenaar, trong đó quy định việc kiểm soát xuất khẩu mật mã được thực hiện như đối với một loại vũ khí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật An toàn thông tin


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Phiên họp thảo luận về dự án Luật An toàn thông tin

Tại Phiên họp thứ 40, ngày 12/8/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật An toàn thông tin; Nội dung phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Về mật mã dân sự, hầu hết các ý kiến đều đề nghị giữ nguyên như trong dự thảo Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, quy định giao cho Cơ quan mật mã quốc gia là Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và đảm bảo an ninh quốc gia. 

Trước đó, trong Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, vấn đề mật mã dân sự cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với các ý kiến này, mật mã dân sự giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như trong bộ máy quản lý. Trên thực tế, mật mã dân sự đang được Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý; Nếu giao cho cơ quan khác sẽ phát sinh bộ máy, gây lãng phí và không sử dụng được nguồn nhân lực đã được dày công đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất và trình độ đang có tại Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đã phát biểu: Về cơ sở pháp lý, thực tiễn và cơ sở chính trị thì giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý mật mã dân sự là hợp lý. Thực hiện quản lý mật mã, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước là chức năng chính là của Ban Cơ yếu Chính phủ. Trong Luật Cơ yếu, quy định Cơ quan mật mã quốc gia có trách nhiệm quản lý về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh đối với mật mã bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Luật Tổ chức Chính phủ mà Quốc hội vừa thông qua (năm 2015) có quy định về lĩnh vực Cơ yếu, trong đó có mật mã dân sự, gồm nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh mật mã, tức là hai loại mật mã đều thuộc lĩnh vực Cơ yếu chứ không thuộc lĩnh vực thông tin - truyền thông. Ngoài ra, tất cả các văn bản dưới Luật, các quyết định, nghị định của Chính phủ từ trước tới nay đều giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý mật mã dân sự.


               Đồng chí Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội

Phân tích về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Về mật mã dân sự, đề nghị giữ nguyên như hiện nay, đã có Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cơ yếu và rất nhiều nghị định xác định Ban Cơ yếu Chính phủ là Cơ quan mật mã quốc gia. Ban Cơ yếu Chính phủ giúp cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về vấn đề mật mã dân sự để không trái với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cơ yếu. Phó Chủ tịch cũng nêu rõ: Trong Dự thảo Luật An toàn thông tin có đề cập đến mật mã dân sự, thì cần tách bạch rõ 2 lĩnh vực này để không gây chồng chéo trong quản lý nhà nước. Dự thảo cần nêu rõ các nội dung do Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ quản lý; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý về mật mã dân sự và Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan giúp cho Bộ trưởng về vấn đề này cần được quy định rõ ràng.


Tin cùng chuyên mục

Tin mới