Hoạt động rửa tiền sử dụng tiền mã hóa: Phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng chống (phần 2)

15:00 | 20/12/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Trong phần I bài viết đã thông tin tới độc giả các khái niệm, phương thức, thủ đoạn của hoạt động rửa tiền bằng tiền mã hóa. Phần II tiếp theo của bài báo sẽ tập trung đề xuất các giải pháp phòng, chống rửa tiền sử dụng tiền mã hóa tại Việt Nam.

Các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực tìm và đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống rửa tiền sử dụng tiền mã hóa trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ đã đề xuất xây dựng dự án Trí tuệ nhân tạo ngành tài chính nhằm giám sát các giao dịch đáng ngờ.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (Financial Action Task Force - FATF) là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đề xuất giải pháp tăng cường kiểm soát các đại lý tài chính trung gian và áp dụng nguyên tắc xác thực danh tính người dùng (Know Your Customer - KYC) với 40 khuyến nghị phòng, chống rửa tiền. Những đề xuất này tuy đã góp phần giúp ổn định an ninh tài chính thế giới nhưng cũng còn một số bất cập do đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội và pháp lý của các quốc gia và lãnh thổ là khác nhau, nên khó có thể áp dụng thống nhất.

Đối với Việt Nam, để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền sử dụng tiền mã hóa, bài báo đưa ra một số khuyến nghị sau:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho tiền điện tử, tiền mã hóa cũng như pháp luật về phòng chống rửa tiền sử dụng tiền điện tử, tiền mã hóa.

Sự bùng nổ của tiền mã hóa khiến các cơ quan quản lý của hầu hết các quốc gia đều lúng túng và khó khăn trong việc xây dựng khung khổ pháp lý cũng như cách thức quản lý. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhưng đến nay về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam chưa xem tiền kỹ thuật số, tiền điện tử, tiền ảo hay tiền mã hóa là một loại tiền tệ hay bất kỳ loai hình tài sản nào.

Tuy nhiên, từ thực tế và bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tiền kỹ thuật số là xu hướng tất yếu. Bất chấp các quốc gia có chấp nhận hay không thì vẫn cần phải đưa ra cách thức quản lý phù hợp nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống tài chính, thị trường tiền tệ và lợi ích của quốc gia.

Hiện nay nhiều quốc gia, tổ chức đã từng bước đưa ra các quy định nhằm quản lý tiền mã hóa. Ngày 20/4/2023 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu (European Council - EUC) đã thông qua Đạo luật Thị trường tiền điện tử (Markets in Crypto-Assets Regulation - MiCA) đầu tiên. MiCA được coi là khung pháp lý toàn diện nhất cho các tài sản kỹ thuật số từ trước đến nay.

Hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền kinh tế, tài chính, kinh tế quốc gia nên việc phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp và hoạt động có thể thực hiện để có thể ngăn chặn các hành vi rửa tiền được sử dụng dưới bất cứ hình thức nào trong đó có sử dụng tiền mã hóa. Do vậy, nếu không có chế tài, quy định với tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa cũng như phòng chống rửa tiền sử dụng tiền mã hóa có thể tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền.

Hai là, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân cũng như những chủ thể trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Hiện nay, nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, người dân về tiền kỹ thuật số, tiền điện tử, tiền ảo hay tiền mã hóa chưa thực sự đúng, đủ, thường nhầm lẫn và đánh đồng các khái niệm này với nhau. Cùng với đó, việc nhận thức rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền sử dụng tiền mã hóa là chưa. Điều này dẫn tới việc bị lợi dụng, tham gia đầu tư các hoạt động đầu tư đến tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa,… mà thực chất là tham gia hoạt động rửa tiền.

Bà là, xây dựng đội ngũ chuyên trách

Các thủ đoạn và mô hình rửa tiền sử dụng tiền mã hóa là vô cùng phức tạp và thay đổi liên tục, tội phạm rửa tiền luôn nghiên cứu và tìm ra thiếu sót của các hệ thống tài chính để thực hiện hành vi phạm tội.

Vì vậy, cơ quan phụ trách công tác phòng, chống rửa tiền cần tổ chức, thường xuyên cập nhật, tập huấn các phương thức rửa tiền sử dụng tiền mã hóa của các tội phạm trong nước và trên thế giới cho cán bộ chuyên trách của cơ quan, tổ chức và các cơ quan thực thi pháp luật được giao nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền theo luật phòng, chống rửa tiền.

Bốn là, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần phát huy vai trò đầu mối quan trọng trong việc nhận diện khách hàng và các giao dịch đáng ngờ.

Để thực hiện vai trò này một cách hiệu quả, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần phải có nhân sự chuyên trách, được đào tạo kiến thức về phòng, chống rửa tiền sử dụng tiền mã hóa ở trong nước và quốc tế. Nâng cao nhận thức của các nhân viên trong các tổ chức tín dụng về phòng, chống rửa tiền sử dụng tiền mã hóa một cách chủ động vì họ là những người làm việc trực tiếp với tội phạm rửa tiền và các giao dịch phục vụ cho mục đích rửa tiền.

Tài liệu tham khảo

[1]. Chính phủ, Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

[2]. Chính phủ, Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.

[3]. Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về “Về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác”.

[4]. Quốc Hội, Luật Phòng chống rửa tiền số 14/2022/QH15.

[5]. Satoshi Nakamoto (2008), Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System.

[6]. ATF. (2018). Report to G20 Finance Ministers and Central Bank Governors, (July).

ThS. Phạm Tiến Đạt, Học viện Cảnh sát nhân dân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới