Ưu tiên chuyển đổi IPv6 cho cổng thông tin điện tử mức độ 3, mức độ 4

11:00 | 29/08/2021 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã ra văn bản gửi các Bộ, ngành Trung ương đề nghị sớm triển khai công tác chuyển đổi IPv6 trên hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin của đơn vị nhằm đồng bộ hóa công nghệ và phát triển tốt hạ tầng số từ Trung ương đến địa phương.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện nay, mạng Internet toàn cầu đang chuyển sang thế hệ mới sử dụng giao thức và địa chỉ IPv6 thay thế IPv4 để vừa giải quyết vấn đề cạn kiệt IPv4 vừa đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như Internet vạn vật (IoT).

Thực hiện mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chương trình IPv6 For Gov, Bộ TT&TT (Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khối cơ quan Nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, Bộ đã đào tạo về IPv6 và công nghệ chuyển đổi IPv6 cho 1.511 cán bộ thuộc khối cơ quan Nhà nước đến từ 20 Bộ, ngành, 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời phát triển Chương trình Đào tạo IPv6 trực tuyến, cung cấp trên nền tảng VNNIC Internet Academy.

Tính đến hết tháng 7/2021, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 45% với 34 triệu người sử dụng Internet qua IPv6 (gấp 2,3 lần bình quân khu vực ASEAN; 1,7 lần bình quân toàn cầu). Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong chuyến đổi IPv6, được ghi nhận, đánh giá cao tại khu vực và quốc tế (đứng thứ 8 toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2020; thứ 2 khu vực ASEAN; thứ 3 châu Á sau Án Độ và Malaysia).

Thực hiện Chương trình IPv6 For Gov, Bộ TT&TT đã thúc đẩy, hỗ trợ khối cơ quan nhà nước thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo. Đến nay, mức độ ứng dụng IPv6 ở khối tỉnh, thành phố đạt được các kết quả tích cực. Có 44/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và thực hiện kế hoạch chuyển đổi IPv6; 15 tỉnh, thành phố đã chuyển đổi IPv6 thành công cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến; các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long đã chuyển đổi IPv6 thành công cho hơn 300 cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn hai tỉnh.

Còn đối với khối Bộ, ngành Trung ương, tính đến tháng 7/2021, mới có 9 Bộ, ngành đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 (Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải); 3 Bộ, ngành chuyển đổi IPv6 thành công cho cổng thông tin điện tử gồm Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước.

Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi Internet Việt Nam sang IPv6, tiên phong dẫn dắt công nghệ và phát triển tốt hạ tầng số đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Bộ TT&TT đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo triển khai sớm công tác chuyển đổi IPv6 trên hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin của đơn vị.

Trong đó, sớm ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin của Bộ, ngành, bám sát Chương trình IPv6 For Gov, đồng bộ với kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Ưu tiên chuyển đổi hoạt động IPv6 cho cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của Bộ, ngành theo yêu cầu tại Khoản 4, Điều 15, Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ TT&TT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Tuệ Minh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới