Các Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ của ngành Cơ yếu Việt Nam
- Ngành Cơ yếu Việt Nam phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc
- Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN thuộc lĩnh vực Quốc phòng- An ninh 2012
- Ban Cơ yếu Chính phủ đón nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN
Cụm công trình về Khóa mật mã (năm 2012)
Ngày 7/6/2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 714/QĐ/CTN tặng Giải thưởng Nhà nước cho Cụm công trình “Nghiên cứu về khóa mật mã ứng dụng bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của tập thể 29 tác giả và đồng tác giả.
Cụm công trình được đánh giá là xuất sắc về khoa học công nghệ (KHCN), góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cụm công trình “Nghiên cứu về khóa mật mã ứng dụng bảo mật thông tin lãnh đạo chỉ huy của Đảng, Nhà nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được thực hiện trong suốt hơn 21 năm (từ tháng 11/1986 đến tháng 12/2007). Cơ quan chủ trì nghiên cứu cụm công trình là Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Mật mã (từ tháng 01/1986 đến tháng 01/1995) và sau đó Học viện Kỹ thuật mật mã (từ tháng 02/1995 đến tháng 12/2007), cơ quan chủ quản cụm công trình là Ban Cơ yếu Chính phủ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện các tác giả nhận
Giải thưởng tại buổi Lễ.
Những kết quả, thành công trong nghiên cứu của Cụm công trình là đã cập nhật được những kết quả mới nhất trên thế giới về khóa mật mã và cải tiến, vận dụng sáng tạo, hợp lý theo điều kiện thực tế trong hoàn cảnh của Việt Nam. Cụm công trình đã được đưa vào sử dụng thực tế dưới nhiều hình thức khác nhau, được tích hợp vào nhiều sản phẩm, thiết bị mật mã chuyên dụng, phần mềm bảo mật thông tin... mang lại hiệu quả cao trong nhiều năm qua.
Cụm công trình “Năm thiết bị mật mã chuyên dụng” (năm 2007)
Ngày 24/02/2007, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 211/2007/QĐ/CTN về việc tặng Giải thưởng Nhà nước cho Công trình KHCN Ngành Cơ yếu Việt Nam: “Năm thiết bị mật mã chuyên dụng” của 28 tác giả và đồng tác giả. Công trình được đánh giá là xuất sắc, có giá trị cao về KHCN, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, KHCN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban Cơ yếu Chính phủ đón nhận Giải thưởng Nhà nước về KHCN.
Các thiết bị mật mã của Cụm công trình được các nhà khoa học mật mã Việt Nam hoàn toàn làm chủ, tự thiết kế, chế tạo, ứng dụng những thành tựu, giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, giải quyết nhiều vấn đề mới và khó, bám sát yêu cầu, điều kiện thực tế của Việt Nam và đã được triển khai áp dụng tại nhiều đơn vị đạt hiệu quả cao.
Cụm công trình 05 thiết bị mật mã chuyên dụng nói trên đã khẳng định ý chí chủ động, sáng tạo, làm việc đầy tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ KHCN của ngành Cơ yếu Việt Nam và sự cộng tác của các nhà khoa học thuộc nhiều đơn vị nghiên cứu KHCN trong cả nước, đồng thời góp phần đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ khoa học tiếp nối, nâng cao nhận thức, quan điểm và phương thức tổ chức nghiên cứu, ứng dụng KHCN tiên tiến đóng góp xứng đáng cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Giải thưởng là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với quá trình đóng góp của Ngành vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như biểu dương công lao của nhóm tác giả đã cống hiến cho sự nghiệp KHCN nước nhà.
Cụm công trình “Nghiên cứu khoa học công nghệ trong xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật mật mã Việt Nam để đảm bảo bí mật thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy Quân đội qua các thời kỳ” (năm 2000)
Cụm công trình do Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu chủ trì, bao gồm các kết quả, thành tựu nghiên cứu, ứng dụng mật mã, trong đó cụm công trình được thể hiện ở 2 nội dung chính: Công trình nghiên cứu mật mã sử dụng kỹ thuật mã hóa truyền thống và Cụm công trình ứng dụng công nghệ mới.
Các cụm công trình nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến, chuyển đổi kỹ thuật mật mã truyền thống đã khẳng định trình độ phát triển cao của khoa học kỹ thuật mật mã Việt Nam trước kỹ thuật mã thám hiện đại và tinh xảo của đối phương, bảo đảm bí mật tuyệt đối thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong suốt các cuộc chiến tranh giải phóng thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các tác giả Cụm công trình KHCN của Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu nhận
Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2000.
Công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong mật mã thay thế khóa ngẫu nhiên được hình thành trên cơ sở tiếp cận, nghiên cứu các thiết bị mật mã thu hồi được sau giải phóng năm 1975 và một số máy mã do các nước XHCN viện trợ. Các kết quả của Cụm công trình đã được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả cao trong Quân đội.
Công trình nghiên cứu “Thiết kế, chế tạo máy mã thoại số” (năm 2000)
Thượng tá Đỗ Thị Anh Hà, Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu, người được nhận
Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2000.
Kết quả của công trình nghiên cứu này cho ra đời sản phẩm máy mã thoại số, đánh dấu sự thành công của quá trình nghiên cứu lâu dài về bảo mật thông tin thoại trên kênh hữu tuyến. Đây là máy mã thoại số đầu tiên do Việt Nam chế tạo với phương pháp xử lý tín hiệu tiên tiến và tích hợp kỹ thuật mật mã ở trình độ cao, tính năng tương đương với các mẫu hiện có của một số nước có nền công nghệ mật mã tiên tiến. Công trình có giá trị khoa học cao, mang tính mới mẻ, sáng tạo, mở ra hướng sản xuất máy mã thoại số có tính năng kỹ chiến thuật tương đương với thiết bị của thế giới.
Máy mã thoại số ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách về mã thoại phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy của các cấp trong Quân đội, đánh dấu bước phát triển mới của kỹ thuật mật mã quân đội trong việc bảo mật tiếng nói, khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc nghiên cứu kỹ thuật mật mã quân sự và khả năng thiết kế chế tạo máy mã thoại số của Việt Nam phục vụ cho bảo mật thông tin lãnh đạo chỉ huy của các cấp trong Quân đội.
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật mật mã đã phát triển cùng với sự lớn mạnh của ngành Cơ yếu Việt Nam. Các cán bộ, chiến sĩ cơ yếu đã không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt, nắm bắt kịp thời các tiến bộ KHCN mới để nghiên cứu, sáng tạo và vận dụng vào kỹ thuật mật mã, đáp ứng trình độ tự động hoá, hiện đại hoá ngày càng cao. Cán bộ khoa học kỹ thuật mật mã đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Bích Thủy