Ban Cơ yếu Chính phủ tích cực triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số

08:00 | 10/02/2024 | CA CQNN
Để góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, trong năm 2023, Ban Cơ yếu Chính phủ (Ban CYCP) đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ xác thực, bảo mật thông tin phục vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC), CĐS, hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

CÁC MỤC TIÊU QUAN TRỌNG ĐẨY MẠNH CĐS, PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ SỐ NĂM 2023

Trong năm 2023, Ủy ban Quốc gia về CĐS đặt mục tiêu tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh CĐS theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, năm 2023 được coi là năm Dữ liệu số quốc gia, tập trung vào thực hiện một số mục tiêu quan trọng cụ thể như sau:

- Về dữ liệu số: Phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các CSDL trong danh mục; 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP); trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến.

Ngày 30/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP về việc phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia: Xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; ứng dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, có giá trị sử dụng lâu dài; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với sự phát triển của các CSDL quốc gia và tiến trình CĐS quốc gia, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; dữ liệu tại Trung tâm là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách kiến tạo phát triển xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh.

- Về Chính phủ số: 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến; 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử; 30% thanh toán trực tuyến trên cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC; 60% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên cổng DVC quốc gia; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 50% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.

BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ TÍCH CỰC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CẢI CÁCH TTHC VÀ CĐS

Trong năm 2023, Ban CYCP đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai công tác cải cách TTHC và CĐS. Cụ thể như sau:

- Về hoàn thiện thể chế: Công tác hoàn thiện thể chế luôn được Ban CYCP quan tâm đẩy mạnh, nhất là thể chế phục vụ cho CĐS trong thực hiện TTHC, đồng thời đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Ban CYCP đã chủ động tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực cơ yếu như: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Nghị định định danh và xác thực điện tử, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng,… Trong đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua lần lượt vào ngày 22/6 và 24/11/2023. Đáng lưu ý, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã thể hiện được sự đồng bộ pháp luật viễn thông với pháp luật Cơ yếu.

- Về triển khai cải cách TTHC: Ban CYCP triển khai tích hợp 22 TTHC toàn trình của Ban CYCP lên Cổng DVC Bộ Quốc phòng, Cổng DVC Quốc gia, trong đó có 17 TTHC thuộc lĩnh vực Chứng thực điện tử và 05 TTHC thuộc lĩnh vực Mật mã dân sự. Góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về cung cấp và thực hiện DVC trực tuyến. Tính từ đầu năm đến nay, Ban CYCP đã tiếp nhận, giải quyết trên 13.700 TTHC đảm bảo đúng thời hạn, không để chậm, muộn. Các hồ sơ yêu cầu và kết quả giải quyết TTHC được đồng bộ trên Cổng DVC Bộ Quốc phòng và CSDL quốc gia về TTHC.

- Về triển khai chữ ký số phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cải cách TTHC: Hoạt động cung cấp chứng thư số thường xuyên được Ban CYCP đổi mới, nâng cao năng lực với nhiều tiến bộ vượt bậc. Đến nay, đã bảo đảm cung cấp và đáp ứng kịp thời 100% yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước với hơn 700.000 chứng thư số cấp mới; gia hạn 17.000 chứng thư số, thay đổi thông tin 37.588 chứng thư số, thu hồi 62.254 chứng thư số; bảo đảm, cung cấp 63.191 bộ sản phẩm ký số trên thiết bị di động (SIM PKI) cho các cơ quan Đảng, Nhà nước (tổng cộng đã đảm bảo gần 900.000 chứng thư số cho các loại hình dịch vụ). Trong đó, đối với cơ quan cấp Bộ và tương đương đã cấp 100% cho tổ chức, 95% cho lãnh đạo; đối với cấp cục, sở và tương đương đã cấp đạt 98% cho tổ chức, 96% cho lãnh đạo; đối với cấp xã phường và tương đương đã cấp được 98% cho tổ chức, 71% cho lãnh đạo (tính đến tháng 11/2023 cấp hơn 130.000 chứng thư số).

Theo kết quả thống kê từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến nay đã có 86,7% các cơ quan đã triển khai tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Phần lớn DVC trực tuyến mức độ 3, 4 đã được tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, có cơ quan đạt 100% số lượng DVC hoàn toàn sử dụng chữ ký số. Tần suất trao đổi văn bản điện tử có chữ ký số trong nội bộ cơ quan và với các cơ quan khác đạt tỷ lệ trên 90%, có cơ quan đạt 100%, số lượng văn bản điện tử có chữ ký số gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia của các bộ, ngành, địa phương tăng nhanh so với giai đoạn trước đây (tăng hơn 400% so với giai đoạn trước năm 2019).

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay đã có 28 triệu văn bản điện tử có chữ ký số gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia (trong năm 2023 có khoảng 8 triệu văn bản điện tử có chữ ký số). Mỗi tháng có khoảng 700.000 văn bản điện tử có chữ ký số được gửi, nhận giữa các cơ quan. Đến nay, số lượng đơn vị kết nối gửi nhận văn bản điện tử khoảng 30.000 đơn vị, trong đó bao gồm 100% các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội và một số doanh nghiệp.

Về căn cước công dân và hộ chiếu điện tử, Ban CYCP triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ sản xuất hơn 83 triệu căn cước công dân gắn chip điện tử, hơn 1.000.000 hộ chiếu có gắn chip điện tử đảm bảo an toàn, liên tục.

Ban CYCP đã phối hợp, triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào các hệ thống quan trọng của Chính phủ điện tử. Đồng thời, Ban CYCP cũng phối hợp triển khai giám sát, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống tin Chính phủ điện tử.

Để triển khai kịp thời các nhiệm vụ tại Đề án 06, Ban CYCP đã cung cấp đầy đủ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia vào Cổng DVC quốc gia, hệ thống thông tin điện tử các cấp; cung cấp giải pháp ứng dụng mật mã bảo đảm xác thực, bảo mật cho hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC. Ban CYCP đã xây dựng công cụ hỗ trợ và hướng dẫn tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong việc ký số dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa và đăng tải Cổng thông tin điện tử. Đến nay, Ban CYCP đã đáp ứng đầy đủ 100% yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương gửi về Ban (bao gồm các yêu cầu cấp phát chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức, bộ phận một cửa,...), kịp thời phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Đối với nhiệm vụ bảo mật thông tin, trong thời gian qua, Ban CYCP luôn chủ động thực hiện công tác dự báo sự gia tăng nhu cầu về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, nhu cầu bảo mật CSDL và CĐS của các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Ban CYCP đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, triển khai các giải pháp xác thực, bảo mật sử dụng mật mã đối với các thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Trong đó nổi bật là các nhiệm vụ: Phối hợp với Bộ Công an triển khai các giải pháp xác thực, bảo mật phục vụ CSDL quốc gia về dân cư từ cấp xã đến cấp Trung ương, các CSDL chuyên ngành của Bộ Công an; phối hợp với Bộ Nội vụ để tham gia bảo mật, xác thực CSDL cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong bảo mật, xác thực CSDL đảng viên.

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trong đó giao Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, Ban CYCP sẽ tập trung tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và ban hành Nghị định quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Thứ hai, để hoàn thành các mục tiêu của chiến lược CĐS, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trong thời gian tới, Ban CYCP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ, ngành, địa phương triển khai đáp ứng 100% các yêu cầu về chữ ký số, tích hợp chữ ký số vào các DVC trực tuyến, các hệ điều hành tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai rộng hệ thống ký số tập trung phục vụ CĐS trong ngành Y tế và Giáo dục.

Thứ tư, nâng cấp các thuật toán mật mã, nghiên cứu triển khai mật mã lượng tử cho hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ nhằm nâng cao độ an toàn về chữ ký số.

Thứ năm, về triển khai Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Nghị quyết 175/NQ-CP), Ban CYCP sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, xác thực và bảo mật thông tin dùng mật mã, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các hệ thống thông tin và CSDL.

ThS. Lê Quang Tùng (Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới