Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng chính phủ năm 2023

10:00 | 05/02/2024 | CA CQNN
Kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước là công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, không thể thiếu, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá của Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, bài báo sẽ cung cấp đến độc giả thực trạng tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại một số địa phương, đồng thời đưa ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, triển khai sử dụng, từ đó có biện pháp khắc phục, hướng dẫn, điều chỉnh bảo đảm đúng quy định, chặt chẽ và hiệu quả.

TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Thực hiện Kế hoạch của Ban Cơ yếu Chính phủ, từ ngày 15 - 25/8/2023, Đoàn công tác do đồng chí Hoàng Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ làm Trưởng đoàn cùng đại diện Lãnh đạo, cán bộ tại Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông và Thanh tra Cơ yếu đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại 04 tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Yên Bái, Tuyên Quang. Đoàn công tác đã thực hiện kiểm tra, đánh giá thực tế tại một số huyện, xã của mỗi địa phương.

Đồng chí Hoàng Văn Thủy, Trưởng đoàn công tác điều hành buổi làm việc tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định

Qua kiểm tra, đánh giá, cơ bản các tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chữ ký số trên các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước đều đã được cấp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ để sử dụng. Việc sử dụng chữ ký số đã trở thành công việc thường xuyên hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đạt được cụ thể như sau:

- Các địa phương đã thực hiện tương đối tốt công tác triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh và cơ quan trực thuộc có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. 100% cơ quan được kiểm tra đều có văn bản ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh cho Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện trách nhiệm quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Các tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn.

- Công tác triển khai văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong lãnh đạo, điều hành, tác nghiệp đạt hiệu quả cao. 100% cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa được cấp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ. Các tỉnh đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào Hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo quy định tại Nghị định số 30/2020/ NĐ-CP về công tác văn thư và thực hiện gửi, nhận 100% văn bản điện tử có ký số (không gửi văn bản giấy). Hệ thống dịch vụ công trực tuyến các tỉnh xây dựng được tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Cán bộ, công chức, viên chức được trang bị đầy đủ hệ thống máy tính, đường truyền mạng được kết nối liên thông các cấp. Đội ngũ nhân lực thực hiện quản lý, triển khai chữ ký số cơ bản có trình độ và năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

- Các tỉnh đã quan tâm và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức trong việc tham mưu, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được đưa vào chỉ tiêu đánh giá chỉ số cải cách hành chính hàng năm của địa phương.

Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại UBND huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng chữ ký số tại các địa phương còn tồn tại một số vấn đề sau:

- Việc thực hiện quy định của pháp luật về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự nghiêm túc. Vẫn có cơ quan chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại Thông tư số 185/2019/TT-BQP. Việc sử dụng chữ ký số công cộng trong các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước vẫn diễn ra, nhất là tại bộ phận kế toán cấp xã và dịch vụ công các ngành Thuế, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc.

- Hệ thống máy tính tại cấp xã phần lớn có cấu hình thấp nên thực hiện chức năng ký số còn chậm, đường truyền mạng có tốc độ chưa cao ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nhân lực triển khai chữ ký số, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại địa phương số lượng còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ. Trình độ về công nghệ thông tin của cán bộ cấp xã còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong ứng dụng chữ ký số vào công việc.

- Một số cơ quan chưa thực hiện đúng các quy định về việc sử dụng chữ ký số, đặc biệt là chưa biết cách xác thực chữ ký số trên các văn bản điện tử. Hầu hết các tỉnh chưa có quy định thống nhất về vị trí, hình thức chữ ký số của cán bộ tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả của Bộ phận Một cửa.

- Công tác huấn luyện, tập huấn về quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đạt hiệu quả chưa cao, vẫn còn nhiều cán bộ chưa được hướng dẫn, tập huấn sử dụng. Qua kiểm tra thực tế, nhiều thuê bao chưa biết cách cài đặt, cấu hình các phần mềm ký số.

- Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thực hiện chưa thường xuyên và thực chất. Có tỉnh còn lúng túng trong quy định về khen thưởng, kỷ luật nhằm tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thời gian tới, các địa phương cần làm tốt các nội dung sau:

- Thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. Đặc biệt, không sử dụng chữ ký số công cộng trong các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

- Quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính và đường truyền mạng ở cấp cơ sở để đảm bảo việc ký số được thực hiện nhanh và hiệu quả.

- Tăng cường công tác huấn luyện, tập huấn cho các cán bộ sử dụng chữ ký số trên các hệ thống thông tin. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, có vai trò quan trọng trong triển khai ứng dụng chữ ký số.

- Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng chữ ký số của các cơ quan trong phạm vi quản lý. Xây dựng tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với từng cơ quan, đơn vị.

- Có chủ trương xây dựng chế độ đãi ngộ cho cán bộ phụ trách chuyển đổi số nói chung và cán bộ thực hiện công tác quản lý, triển khai chữ ký số nói riêng. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân lực thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn thuê bao trong quá trình sử dụng chữ ký số.

KẾT LUẬN

Thời gian qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện thường xuyên và chất lượng. Năm 2023, Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ đã hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch. Qua kiểm tra, Đoàn công tác đã nắm bắt được tình hình triển khai sử dụng chữ ký số thực tế tại địa phương, từ đó kịp thời báo cáo và tham mưu Lãnh đạo Ban các nội dung nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng chữ ký số tại cơ quan nhà nước các cấp.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giúp các địa phương đánh giá kết quả tình hình triển khai chữ ký số trên địa bàn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại địa phương

ThS. Phạm Xuân Khang (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới