Hội nghị tập huấn giải pháp chia sẻ dữ liệu trên trục liên thông văn bản quốc gia
Toàn cảnh Hội nghị tổ chức tại miền Bắc
Triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử từ các hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn tại ba miền Bắc, Trung, Nam với các đại biểu tham dự thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã nêu bật ý nghĩa, giá trị của Trục liên thông văn bản quốc gia, xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng hướng tới nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp cho việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Trong đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là một trong những thành phần quan trọng, không thể thiếu, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, xác thực các giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
Đồng chí Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ trình bày giải pháp kết nối trên Trục liên thông văn bản quốc gia
Thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, ngày 25/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2024/NĐ-CP quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định chi tiết về cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Nghị định được xây dựng trên tinh thần kế thừa quy định tại Chương VII Nghị định số 130/2018/NĐ-CP và tích hợp Thông tư số 185/2019/TT-BQP, đồng thời cập nhật, bổ sung các quy định liên quan chữ ký số để đồng bộ với hệ thống quy phạm pháp luật hiện hành.
Thực hiện khoản 1 Điều 14 Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 ban hành quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ký tắt điện tử đối với dự thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 3287/VPCP-KSTT ngày 14/5/2024). Để kịp thời triển khai ứng dụng ký số có chức năng ký tắt điện tử, Ban Cơ yếu Chính phủ đã nâng cấp bộ công cụ ký số và có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện ký tắt trên các hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị (văn bản số 202/BCY-CTSBMTT ngày 17/6/2024).
Đồng chí Phạm Xuân Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) trình bày về chữ ký số chuyên dùng công vụ
Với mong muốn hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi tới các Bộ, ngành, địa phương quy định của pháp luật và quy trình nghiệp vụ về chữ ký số chuyên dùng công vụ, tại Hội nghị, báo cáo viên Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã trình bày những điểm mới tại Nghị định số 68/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ và hướng dẫn ký tắt điện tử đối với dự thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là những nội dung quan trọng giúp cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia nói chung và thực hiện cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ nói riêng đạt hiệu quả, chất lượng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Tại các phiên tổ chức ở ba miền, Hội nghị dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận các quy định mới và những nội dung thực tiễn triển khai còn vướng mắc, đặc biệt trong công tác sử dụng trao đổi văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia và việc cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ. Các đại biểu tham gia Hội nghị cũng nhấn mạnh giá trị, tầm quan trọng của chữ ký số chuyên dùng công vụ đối với các hệ thống thông tin như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin tại các bộ, ngành, địa phương. Chữ ký số chuyên dùng công vụ góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng xác định Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ thuộc danh sách các nền tảng số quốc gia và là Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Phạm Xuân Khang, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin