Tình hình triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam
Không nằm ngoài xu hướng tất yếu trên thế giới, Việt Nam bắt tay xây dựng, phát triển Chính phủ điện (CPĐT) từ năm 2000 và đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Dưới đây là một số thành quả bước đầu mà nước ta đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển CPĐT thời gian qua.
Kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử và Tổ công tác giúp việc
Ngày 16/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1201/QĐ-TTg giao Bộ TT&TT là cơ quan đầu mối, giúp Ủy ban quốc gia về CPĐT điều phối công tác xây dựng, phát triển CPĐT; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác. Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT có trách nhiệm phê duyệt danh sách, thành viên Tổ công tác và làm nhiệm vụ thường trực Tổ công tác.
Ngày 03/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1737/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về CPĐT và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban về CPĐT. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch thường trực là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT là Phó Chủ tịch sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng CPĐT; Đồng chí Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ là Thành viên UBQG về CPĐT....
Về nhân sự Tổ công tác, Tổ trưởng là Bộ trưởng Bộ TT&TT; Các Tổ phó bao gồm: Thứ trưởng Bộ TT&TT: Nguyễn Thành Hưng và Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng.
Ngay sau đó, ngày 25/12/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 2250/QĐ-BTTTT phê duyệt Danh sách thành viên và lãnh đạo các nhóm của Tổ công tác giúp việc UBQG về CPĐT, bao gồm 40 thành viên chia thành 04 nhóm: Nhóm thường trực; Nhóm An toàn, an ninh mạng; Nhóm Chính sách và thể chế; Nhóm Dữ liệu. Trong đó có 03 đồng chí thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ là: Cục trưởng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Lê Quang Tùng (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin) và Phó Cục trưởng Đặng Duy Mẫn (Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền). Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Tổ công tác.
Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia
Ngày 09/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trực tuyến tới 63 điểm cầu trên toàn quốc. Cổng dịch vụ công quốc gia là địa chỉ cho phép người dân và doanh nghiệp sử dụng một tài khoản duy nhất để truy cập dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình hình, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh kiến nghị, không phụ thuộc vào thời gian và địa giới hành chính (Bước đầu là 8 dịch vụ trực tuyến) của tất cả các cổng dịch vụ công cấp Bộ/tỉnh.
Phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 21/4/2015, Bộ TT&TT đã xây dựng, công bố Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0; tổ chức hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kiến trúc chi tiết của Bộ, ngành, địa phương nhằm áp dụng trong quá trình xây dựng CPĐT, CQĐT hướng tới tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh đầu tư trùng lặp. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay đa số các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng được kiến trúc (CPĐT đối với cấp bộ và chính quyền điện tử đối với cấp tỉnh), thực hiện duy trì, phát triển kiến trúc.
Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia trên thế giới đang ứng dụng công nghệ mới để xây dựng, phát triển CPĐT. Vì vậy, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cần được cập nhật phù hợp với xu thế này. Trong bối cảnh đó, tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Bộ TT&TT đã được giao nhiệm vụ hoàn thành cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0.
Ngày 31/12/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký quyết định số 2323/QĐ-BTTT phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0. Những điểm mới chủ yếu của phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0 là: Khung Kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0 được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số; bổ sung các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc CPĐT; bổ sung định hướng phát triển CPĐT của quốc gia; bổ sung khái niệm về Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, Kiến trúc CPĐT cấp Bộ, Kiến trúc CQĐT cấp tỉnh; bổ sung các mô hình tham chiếu.
Bên cạnh đó, Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 còn thể hiện rõ mô hình kết nối CPĐT Việt Nam, mô tả tóm tắt các thành phần (bao gồm một số hệ thống lớn của quốc gia); cập nhật một số nội dung về các xu thế phát triển công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…; thống nhất sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn trong CPĐT Việt Nam; bổ sung nội dung an toàn thông tin mạng; bổ sung phương pháp tiếp cận Kiến trúc CPĐT và khung tham chiếu tương hợp.
Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ
Ngày 22/01/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã ký quyết định số 62/QĐ-VPCP phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 07/02/2020, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Trước đó, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới giảm thiểu tối đa công tác văn bản hóa, hướng tới xây dựng CPĐT và nền kinh tế số. Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg được ban hành nhằm quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Quyết định này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc và không áp dụng đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ cũng được giới thiệu tới các Bộ, ngành, địa phương và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống báo cáo quốc gia và tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống chính thức khai trương ngày 13/3/2020.
Ban hành Danh mục văn bản điện tử không gửi kèm văn bản giấy
Ngày 04/02/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 775/VPCP-KSTT về Danh mục văn bản điện tử không gửi kèm văn bản giấy, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương gửi văn bản điện tử không kèm văn bản giấy giữa các cơ quan hành chính nhà nước đối với 26 loại văn bản gồm: 04 loại văn bản quy phạm pháp luật và 22 loại văn bản hành chính. Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 15/02/2020.
Tổ chức hội nghị trực tuyến lần thứ 3 về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến lần 3 về CPĐT
Ngày 12/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị UBQG về CPĐT và các Ban chỉ đạo CPĐT, Chính quyền điện tử các Bộ, ngành, địa phương. Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện triển khai CPĐT năm 2019, xác định các hạn chế, tồn tại cần giải quyết và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm về triển khai CPĐT năm 2020, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính: Hoàn thiện thể chế; Hoàn thiện các yếu tố nền tảng; Xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng thành nền tảng số; Xây dựng trung tâm giám sát quốc gia về CPĐT; Thương mại hóa 5G, ưu tiên nền tảng di động.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý UBQG về CPĐT sẽ đồng thời chỉ đạo các nội dung triển khai tới Chính phủ số, Thành phố thông minh, Chuyển đổi số và Kinh tế số. Bộ TT&TT là cơ quan điều phối thống nhất về CPĐT.
Đặng Duy Mẫn