Công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự tại Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, có tác động và ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội, thông qua các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tích hợp mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây (Social, Mobile, Analytics and Cloud - SMAC). Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với tất cả các quốc gia, để nắm bắt, tận dụng cơ hội nhằm phát triển đất nước.
Mật mã (với các chức năng bảo mật, xác thực, toàn vẹn, chống chối bỏ) có vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn, an ninh cho hạ tầng CNTT, là một yếu tố có tính quyết định tới hiệu quả phát triển ứng dụng CNTT.
Để hoạt động quản lý nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã ngày càng đạt hiệu quả cao, đáp ứng và phù hợp với xu thế thời đại, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, nhằm đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chống lại sự tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch phản động lợi dụng môi trường mạng tuyên truyền, kích động, gây rối làm mất ổn định về chính trị, kinh tế.
Mật mã dân sự: Chính sách phát triển và quản lý của Nhà nước
Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu, kinh doanh, phát triển, ứng dụng mật mã dân sự (MMDS) nằm trong chính sách chung về an toàn thông tin mạng (ATTTM). Theo đó, Nhà nước đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ATTTM, đáp ứng yêu cầu ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước khuyến khích nghiên cứu, phát triển, áp dụng biện pháp kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ xuất khẩu, mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ ATTTM trong nước sản xuất, cung cấp; Tạo điều kiện nhập khẩu sản phẩm, công nghệ hiện đại trong nước chưa có năng lực sản xuất, cung cấp. Bên cạnh đó, Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ ATTTM, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ ATTTM.
Đối với yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm MMDS; Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ bảo mật và an toàn thông tin; Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm MMDS đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, coi trọng giám sát chất lượng sản phẩm MMDS, để mật mã trở thành công cụ hữu hiệu cho việc đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin.
Đối với yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội: Nhà nước sử dụng các biện pháp quản lý, giám sát có hiệu quả đối với mọi hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm MMDS; Ngăn ngừa việc sử dụng sản phẩm MMDS để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và việc sử dụng sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước vào lĩnh vực kinh tế - xã hội; Ngăn chặn sử dụng mật mã một cách trái phép, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Do tính chất đặc thù và vai trò quan trọng của sản phẩm MMDS trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, được sử dụng để đảm bảo ATTT trong các ngành, lĩnh vực quan trọng. Nhà nước quy định kinh doanh sản phẩm MMDS và dịch vụ MMDS là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhằm thống nhất quản lý về mật mã, trong đó có MMDS, Đảng và Nhà nước giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý. Điều này được khẳng định trong Luật Cơ yếu năm 2011; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
Công tác quản lý Nhà nước về MMDS tại Việt Nam trong thời gian qua
Triển khai Luật An toàn thông tin mạng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS. Sau gần hai năm triển khai Luật An toàn thông tin mạng, triển khai Nghị định số 58/2016/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan về MMDS, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan, để triển khai các công việc trên nhiều mặt:
- Phối hợp với Tổng cục Hải quan và các cơ quan Bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và hiệp hội tổ chức nhiều buổi hội nghị, tọa đàm công tác quản lý MMDS. Qua đó đã cơ bản giải đáp những vấn đề vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp (TC/DN); Chủ trì tổ chức hội thảo quốc gia về MMDS “Đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm MMDS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (tháng 8/2017); Cục Quản lý MMDS và Kiểm định sản phẩm mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) và một số cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Công an tổ chức thành công Hội nghị Quốc gia An ninh mạng 2017 (tháng 11/2017).
- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành 21 tiêu chuẩn quốc gia về MMDS; Trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành 03 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MMDS sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng MMDS; Quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ MMDS; Kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm MMDS.
- Về cấp phép kinh doanh: Hiện nay, theo thống kê, có gần 1.000 mã sản phẩm MMDS đang được kinh doanh trên thị trường Việt Nam, chịu sự quản lý cấp phép kinh doanh, xuất - nhập khẩu của Ban Cơ yếu Chính phủ. Tính đến tháng 12/2017, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS cho 52 doanh nghiệp; Cấp hơn 70 Giấy phép xuất, nhập khẩu sản phẩm MMDS; Phối hợp với Bộ TT&TT thẩm định Hồ sơ chứng thực chữ ký số công cộng cho các tổ chức CA công cộng, CA chuyên dùng.
- Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực MMDS: Tiếp tục mở rộng hợp tác về MMDS với các quốc gia là đối tác truyền thống, tin cậy, đối tác hợp tác toàn diện, các nước có nền khoa học, công nghệ tiên tiến; Chú trọng hợp tác trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, kiểm định chất lượng sản phẩm MMDS.
Có thể nói, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về MMDS của Ban Cơ yếu Chính phủ đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; Được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, mạnh mẽ, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm dịch vụ MMDS. Đồng thời, các hoạt động trong lĩnh vực MMDS được kiểm soát, góp phần quan trọng vào đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Công tác quản lý Nhà nước về MMDS tại Việt Nam trong thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về MMDS, Ban Cơ yếu Chính phủ (trực tiếp là Cục Quản lý MMDS và Kiểm định sản phẩm mật mã) sẽ tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý MMDS; Thúc đẩy, tạo điều kiện ứng dụng sản phẩm MMDS trong các ngành, lĩnh vực then chốt; Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm dựa trên hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về MMDS; Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và tạo điều kiện thuận lợi cho TC/DN nghiên cứu, kinh doanh, chuyển giao công nghệ về MMDS.
Việc triển khai thực hiện sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý MMDS phù hợp với xu thế phát triển của khoa học - công nghệ, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.
- Triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý MMDS tại Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định số 58/2016/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2016/NĐ-CP (đang trình Chính phủ phê duyệt).
- Tạo điều kiện thuận lợi cho TC/DN nghiên cứu, kinh doanh, chuyển giao công nghệ về MMDS; Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại website https://nacis.gov.vn.
- Thúc đẩy, tạo điều kiện ứng dụng sản phẩm MMDS trong các ngành, lĩnh vực then chốt: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, giao dịch điện tử, thương mại điện tử....
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh, sử dụng sản phẩm MMDS tại các TC/DN.
- Triển khai mạnh mẽ các hoạt động thử nghiệm, đánh giá, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp sản phẩm MMDS.
- Đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm dựa trên hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Mở rộng hợp tác quốc tế về MMDS với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đức, Pháp... về đánh giá sự phù hợp.
- Tham gia và ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực MMDS.
Kết luận
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mật mã ngày càng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn, an ninh cho hạ tầng CNTT, là một yếu tố có tính quyết định tới hiệu quả phát triển ứng dụng CNTT. Để quản lý tốt hơn về MMDS, tạo điều kiện về môi trường sản xuất, kinh doanh cho các TC/DN, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời và đúng đắn. Điều này đã thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu và ứng dụng sản phẩm MMDS ngày càng mạnh mẽ, giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các TC/DN.
Với chức năng là cơ quan mật mã quốc gia, trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tham mưu giúp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về Cơ yếu, trong đó có MMDS. Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các chính sách về quản lý MMDS, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, dịch vụ MMDS phát triển và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội của đất nước.
ThS. Nguyễn Thanh Sơn, Cục QLMMDS&KĐSPMM, Ban Cơ yếu Chính phủ