Lộ trình Phát triển KH&CN thông tin đến năm 2050 của Trung Quốc
Trong những thập kỷ tới, KH&CN thông tin sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ cao, mở rộng hơn nữa ảnh hưởng và sự thâm nhập của nó, thay đổi nền kinh tế và phong cách sống của chúng ta, và sẽ có một ảnh hưởng sâu sắc hơn tới học tập, vui chơi giải trí, quản trị, hoạt động doanh nghiệp, phổ biến văn hóa… Máy tính và mạng lưới thông tin liên lạc sẽ đạt được tiến bộ mới về tốc độ, công suất, băng thông, độ tin cậy, thuận tiện và bảo mật. Thay đổi mang tính đột phá trong công nghệ thông tin sẽ đến sau những đột phá cơ bản trong lĩnh vực khoa học thông tin. Trong 50 năm qua, đặc biệt là kể từ khi cải cách và mở cửa, CNTT ở Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn, được phản ánh bởi quy mô hiện tại của ngành công nghiệp và người sử dụng CNTT. Theo Bộ Công nghiệp và CNTT của Trung Quốc (MIIT), trong năm 2008 doanh thu bán hàng của ngành công nghiệp thông tin nước này đạt 6300 tỷ nhân dân tệ, tăng 1490 tỷ nhân dân tệ so với năm 2007, hoặc tăng trưởng 14,6%. Tỷ lệ của giá trị gia tăng từ ngành công nghiệp thông tin trong GDP đạt 5 %. Quy mô của ngành công nghiệp thông tin chiếm một vị trí hàng đầu trong nền kinh tế, trở thành ngành công nghiệp trụ cột số 1 tại Trung Quốc. Dựa theo tình hình trong nước và quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc bắt đầu thực hiện từ năm 2007 một dự án nghiên cứu chiến lược về Lộ trình Phát triển KH&CN thông tin đến năm 2050 của Trung Quốc và đến nay Lộ trình đã được hoàn thành và công bố. Lộ trình này được coi là một định hướng chiến lược để KH&CN thông tin của Trung Quốc phát triển theo đúng quỹ đạo và đạt tới mục tiêu là xây dựng một xã hội Trung Quốc phát triển theo hướng bền vững, với vai trò không còn là “công xưởng gia công” của thế giới mà ở một vị thế cao hơn rất nhiều, đó là một trung tâm sáng tạo ra tri thức KH&CN lớn của thế giới. Dựa trên các yêu cầu chiến lược quốc gia và xu hướng của KH&CN thông tin, Trung Quốc đã chọn các lĩnh vực sau để tập trung phát triển trong Lộ trình Phát triển KH&CN thông tin đến năm 2050: - Khoa học mạng (network science) và công nghệ mạng tương lai; - Vi điện tử, quang điện tử, CNTT lượng tử; siêu tính toán (supercomputing), phần mềm và lưu trữ thông tin; - Công nghệ dựa trên tri thức và dịch vụ thông tin tương lai dựa trên xử lý tri thức; - Các hệ thống thông tin chi phí thấp và nâng cấp ngành công nghiệp truyền thống bằng CNTT; - Khoa học liên ngành về trí tuệ và khoa học nhận thức, tin-sinh học và tin học xã hội (social informatics); - Lý thuyết cơ bản của khoa học thông tin; và An ninh thông tin. Trong Lộ trình Phát triển KH&CN thông tin đến 2050, với mục tiêu chung của phát triển KH&CN thông tin ở Trung Quốc từ 2010 để 2050 có thể được mô tả như sau: Đóng vai trò tích cực và đáng kể trong các thay đổi chuyển biến trong KH&CN thông tin; Tăng cường khả năng đổi mới và phát triển bền vững để cho phép Trung Quốc trở thành một xã hội thông tin phổ biến (universal information society, u-society), trong đó hầu hết dân số sẽ là người sử dụng hệ thống thông tin, thông tin sẽ là nguồn lực quan trọng nhất cho nền kinh tế và xã hội, và trình độ phát triển của các hệ thống thông tin và các ứng dụng của chúng ở Trung Quốc sẽ gần với trình độ của các nước phát triển.