Xây dựng hệ thống an ninh chung để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu

13:00 | 09/10/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, từ đại dịch covid-19 gây ra gián đoạn sản xuất, gián đoạn các tuyến vận tải biển do cướp biển hoặc thời tiết khắc nghiệt, cho đến các lệnh trừng phạt kinh tế, tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh ảm đạm cho hệ thống cung ứng toàn cầu.

Những điều này đã tác động lâu dài đến sản xuất công nghiệp, giá cả leo thang và người tiêu dùng phải chịu gánh nặng. Đáng lo ngại hơn, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, khiến những gián đoạn tương tự có khả năng tái diễn với tần suất dày đặc hơn, đe dọa sự ổn định và phát triển của kinh tế thế giới.

Mới gần đây, một sự cố kinh hoàng tại Lebanon khiến hàng chục người tử vong và hàng ngàn người bị thương đã làm xuất hiện những lo ngại về an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc trong trật tự quốc tế ở thời điểm hiện tại. Sự cố này đã phơi bày một lỗ hổng an ninh vô cùng nguy hiểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, những thiết bị liên lạc tưởng chừng vô hại như thiết bị liên lạc dân sự, bộ đàm... đều đã trở thành vũ khí gây chết người.

Điều này buộc chính phủ Lebanon nói riêng và toàn thế giới nói chung phải suy ngẫm: Làm sao để có thể bảo vệ chuỗi cung ứng, huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu trong một thế giới siêu kết nối, khi mà ranh giới giữa dân sự và quân sự ngày càng mong manh? Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại khái niệm về an ninh phi truyền thống để ứng phó với những thách thức ngày càng gia tăng.

Xét về quy mô, mức độ an toàn và ổn định của một tổ chức/doanh nghiệp phụ thuộc vào điểm yếu nhất trong chuỗi cung ứng. Bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ nhất ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi cung ứng đều có thể gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ tổ chức/doanh nghiệp.

Theo một nghiên cứu, tin tặc có thể khai thác lỗ hổng trong chuỗi cung ứng phần mềm để phát tán mã độc, đánh cắp dữ liệu, gây tê liệt hệ thống. 45% tổ chức trên toàn thế giới được dự đoán sẽ là nạn nhân của các cuộc tấn công chuỗi cung ứng phần mềm vào năm 2025, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Theo nhận định của các chuyên gia, trước những thách thức mới này, các khái niệm an ninh truyền thống đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp. Việc bảo vệ an ninh quốc gia một cách phiến diện, tách biệt với an ninh của các quốc gia khác chỉ dẫn đến sự bất ổn và phân mảnh toàn cầu, cản trở việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế cần thiết để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột khu vực và bất bình đẳng về thu nhập. Như sự cố ở Lebanon đã chứng minh, an ninh của một quốc gia hoàn toàn có thể bị đe dọa bởi những yếu tố bất ngờ từ một quốc gia khác.

Để xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và bền vững, chúng ta cần một cách tiếp cận mới, một tầm nhìn mới về an ninh. Khái niệm "an ninh chung" do Trung Quốc đề xuất mang đến một hướng đi đáng suy ngẫm: an ninh là không thể chia cắt, an ninh của một quốc gia phải song hành với an ninh của các quốc gia khác.

Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia nên tăng cường giao tiếp và hợp tác thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc để cùng nhau giải quyết mối đe dọa an ninh mới. Nhìn chung, các quốc gia cần tăng cường giao tiếp, chia sẻ thông tin, xây dựng lòng tin và cùng hành động để ứng phó với các mối đe dọa an ninh chung. Nhất là, cần có một nền tảng quản lý liên quan đến nhiều quốc gia và công ty/doanh nghiệp để cải thiện tiến trình theo dõi, giám sát các thành phần và thiết bị quan trọng. Điều này đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật, cũng như sự tin tưởng và hợp tác từ tất cả các bên.

Sự kết nối toàn cầu vừa là nguồn gốc của nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng vừa là môi trường lý tưởng cho các mối đe dọa an ninh phát sinh và lan rộng. Xung đột khu vực, thay vì chỉ gây ra những hậu quả trực tiếp cho các bên liên quan, nay có thể tác động đến an ninh mạng toàn cầu thông qua các cuộc tấn công mạng, gián điệp và phá hoại.

Chính phủ các nước cần nhận thức rõ rằng trong thời đại số, an ninh không còn là khái niệm thuộc về riêng một quốc gia nào. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, để bất kỳ quốc gia nào đảm bảo an ninh của chính mình, chính phủ cũng phải quan tâm đến an ninh của các nước khác. 

Khái niệm "an ninh chung” do Trung Quốc đề xuất được giới chuyên gia cho rằng xứng đáng được cộng đồng quốc tế xem xét nghiêm túc. Nó nhấn mạnh sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau về an ninh giữa các quốc gia, là một hướng đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Để xây dựng một không gian mạng an toàn và bảo mật cho tất cả, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ việc chia sẻ thông tin về mối đe dọa, phối hợp ứng phó với các cuộc tấn công mạng đến việc xây dựng các tiêu chuẩn an ninh mạng toàn cầu. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau mới có thể mang lại an ninh thực sự cho tất cả các quốc gia trong kỷ nguyên số.

Phan Minh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới