Những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin của tỉnh Bình Định
Không nằm ngoài tình hình chung của thế giới, tại Việt Nam, tình hình an toàn thông tin (ATTT) tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng và Chính phủ trở thành mục tiêu tấn công của gián điệp, tội phạm nhằm phá hoại hệ thống thông tin, đánh cắp dữ liệu có tổ chức, tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia và làm xuất hiện nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Bình Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 (Nghị quyết số 56-NQ/TW), Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/8/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW (Nghị quyết số 27/NQ-CP); đồng thời cụ thể hóa bằng các văn bản triển khai thực hiện ở các cấp. Các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cơ yếu được triển khai đồng bộ, có sự lãnh đạo chặt chẽ, sâu sát và kịp thời báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy chính quyền, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo ATTT.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ yếu; tập trung xây dựng lực lượng, củng cố, kiện toàn tổ chức Cơ yếu các cấp chặt chẽ theo chỉ đạo của Trung ương, của ngành Cơ yếu, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu chung của hệ thống chính trị toàn tỉnh. Lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu về công tác tham mưu các giải pháp kỹ thuật tổng thể và đồng bộ để bảo vệ thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước được bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc giữa Ban Cơ yếu Chính phủ với Tỉnh uỷ Bình Định về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin
Hiện nay, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, nhằm hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, tỉnh Bình Định đã và đang tập trung đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong đó, công tác cơ yếu, bảo mật và ATTT được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc trong tiến trình xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh. Các giải pháp bảo mật, sản phẩm mật mã được triển khai đã phát huy hiệu quả như: Triển khai thiết bị bảo mật hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp trên mạng diện rộng của các cơ quan Đảng trong tỉnh; thiết bị bảo mật hệ thống thông tin chuyên ngành tổ chức xây dựng Đảng và kiểm tra Đảng; thiết bị bảo mật hệ thống truyền hình; thiết bị lưu trữ an toàn dữ liệu…
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp an toàn, an ninh chống thất thoát dữ liệu trong quá trình kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư. Hạ tầng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được nâng cấp mở rộng; Mạng truyền dữ liệu cấp II được triển khai, kết nối đến 48 cơ quan, đơn vị là các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và kết nối đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ nhu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tích hợp các hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh: Cổng thông tin điện tử; Quản lý văn bản và hồ sơ; Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Toàn tỉnh đã cấp gần 4.000 chữ ký số chuyên dùng cá nhân, hơn 700 chữ ký số chuyên dùng tổ chức và hơn 600 sim PKI cho các cá nhân; 100% các cơ quan Nhà nước, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã và cá nhân lãnh đạo từ cấp phòng trở lên đã thực hiện ký số văn bản điện tử gửi, nhận trên môi trường mạng thay thế văn bản giấy. 100% các cơ quan nhà nước và 100% số cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được cấp tài khoản thư điện tử công vụ tỉnh để thực hiện trao đổi công việc, gửi nhận văn bản điện tử.
Công tác triển khai, quản lý, khai thác hệ thống máy mã, sản phẩm mật mã của tổ chức cơ yếu được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và ngành Cơ yếu. Sản phẩm mật mã, trang thiết bị nghiệp vụ mật mã được các tổ chức cơ yếu ghi chép, cập nhật sổ quản lý đầy đủ; công tác tiếp nhận, bàn giao bảo đảm đúng quy định. Tổ chức cơ yếu thực hiện tốt việc quản lý sản phẩm mật mã theo phân cấp; duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng máy mã và trang thiết bị nghiệp vụ mật mã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cơ yếu, bảo mật và ATTT của tỉnh Bình Định vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Biên chế, nhân lực Cơ yếu hiện nay ở một số đơn vị vẫn còn thiếu; hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai công tác bảo mật, ATTT chưa đáp ứng yêu cầu; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại một số cơ quan, đơn vị còn nhiều bất cập, rủi ro khi triển khai xây dựng chính quyền số trên diện rộng…
Để thực hiện tốt công tác cơ yếu, bảo mật và ATTT, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-CP. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu tăng cường nghiên cứu các quy định, tham mưu, đề xuất với các hệ Cơ yếu báo cáo Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng, ban hành nội dung đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước về cơ yếu,
Hai là, rà soát, bổ sung đủ biên chế cho lực lượng cơ yếu; Quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu; đảm bảo chế độ chính sách, quan tâm, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với bồi dưỡng về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị của tỉnh quan tâm đưa vào các chương trình giảng dạy phù hợp.
Ba là, Quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác bảo mật, ATTT gắn với máy tính chuyên dụng của Ban Cơ yếu Chính phủ để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thiết bị ký số chuyên dùng, thường xuyên rà soát nhu cầu sử dụng chữ ký số chuyên dùng (nhất là ký số trên điện thoại di động) của các cơ quan, đơn vị để đăng ký cấp mới, thay đổi thông tin khi cần thiết. triển khai hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Nguyễn Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định