Mỹ - EU tăng cường hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
Là những nền kinh tế lớn, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kỹ thuật số toàn cầu. Từ năm 2021, hai bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa với sáng kiến "Tái thiết một thế giới tốt đẹp hơn" (Building Back a Better World - BBBW/B3W). Tháng 6/2022, hội nghị thượng đỉnh G7 công bố kế hoạch "Đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu" (Partnership for Global Infrastructure and Investment - PGII), đánh dấu giai đoạn mới trong hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu giữa Mỹ và EU. Cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ ba của Hội đồng Thương mại & Công nghệ Mỹ - EU (TTC) tổ chức vào tháng 12/2022 đã đạt được thỏa thuận về tăng cường phối hợp tài trợ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các nước thứ ba. Về lâu dài, các động thái này sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển của công nghệ số, thị trường kinh tế số và mô hình quản trị kỹ thuật số toàn cầu. [1]
Đặc điểm hợp tác hạ tầng kỹ thuật số Mỹ - EU
Việc đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quy mô lớn và có hệ thống của Mỹ và EU bắt đầu dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump. Khi ông Joe Biden lên nắm quyền và tăng cường liên minh xuyên Đại Tây Dương, hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa Mỹ và EU dần hình thành xu hướng phát triển mới, trong đó có mục tiêu cân bằng chiến lược "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" (Digital Silk Road - DSR) của Trung Quốc. Tháng 12/2022, Mỹ và EU đã thảo luận về hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ ba của TTC, quyết định thông qua cơ chế hợp tác giữa các tổ chức (như Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu,…) để tiếp tục phối hợp và mở rộng tài trợ cho các dự án hạ tầng kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương. Nội dung hợp tác tập trung vào các lĩnh vực như cáp quan băng thông rộng, mạng truyền thông không dây, kiểm tra bảo mật,… đồng thời thông qua nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số truyền thống để phát triển hạ tầng kỹ thuật số lai (hỗn hợp).
Xây dựng quy tắc cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với các giá trị phương Tây: Hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa Mỹ - EU ngày càng nhấn mạnh việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật số. Dưới thời chính quyền Donal Trump, Mỹ đã tăng cường xây dựng các quy tắc hạ tầng kỹ thuật số dựa trên các giá trị Mỹ thông qua hợp tác song phương, đa phương và xuyên khu vực. Từ năm 2017 đến 2018, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được sự đồng thuận về việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng kỹ thuật số dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh thị trường và minh bạch, công bằng, trách nhiệm và bền vững. Tháng 6/2019, "Nguyên tắc G20 về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao" (G20 Principles for Quality Infrastructure Investment) được công bố, lấy các nguyên tắc như tiêu chuẩn cao, khả năng phục hồi và sự bền vững về xã hội và môi trường làm định hướng cho cơ sở hạ tầng toàn cầu, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật số. Tháng 11/2019, Mỹ, Nhật Bản và Australia công bố "Mạng điểm xanh" (Blue Dot Network), nhấn mạnh hơn nữa việc phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu trên cơ sở các nguyên tắc khuôn khổ mở, minh bạch, bền vững và có trách nhiệm.
Sau khi nhậm chức, tổng thống Joe Biden còn cố gắng sử dụng các “giá trị dân chủ Mỹ” làm cơ sở cho hợp tác hạ tầng kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương. Năm 2020, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố “Chiến lược số 2020-2024” (Digital Strategy), nhấn mạnh sự tích hợp các giá trị dân chủ như “Tuyên ngôn nhân quyền” (The Bill of Rights) của Mỹ và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (Universal Statement of Human Rights), chống lại "chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số". Tháng 6/2021, sáng kiến B3W của Nhóm G7 về bản chất là định hình mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu của các quốc gia "dân chủ" (do các nước "dân chủ" dẫn đầu, tuân theo các giá trị quan và chuẩn mực cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phương Tây), chất lượng cao và minh bạch. Đáp lại, tháng 11-12/2021, Anh và EU đã triển khai "Sáng kiến Xanh sạch" (Clean Green Initiative) và kế hoạch "Cổng toàn cầu" (Global Gateway), nhấn mạnh vào thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu và tăng cường kết nối dựa trên các nguyên tắc tiêu chuẩn cao, bền vững và bảo vệ môi trường xanh. Tháng 4/2022, “Tuyên bố cho tương lai của Internet” (Declaration for the Future of the Internet) do Mỹ và EU khởi xướng đề xuất xây dựng một “Internet mở, tự do, toàn cầu, có thể tương tác, đáng tin cậy và an toàn”. Tháng 6/20022, Nhóm G7 đề xuất kế hoạch PGII, tuyên bố Mỹ và EU sẽ cung cấp 200 tỷ USD và 300 tỷ Euro tương ứng để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các dự án liên quan khác cho các nước đang phát triển với tiêu chí tiêu chuẩn và chất lượng cao, minh bạch và bền vững.
Tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Mỹ - EU hướng tới các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới, với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực trọng tâm. Trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, Mỹ tăng cường hợp tác với các đồng minh để tập trung vào những dự án ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong khu vực này, từ đó thúc đẩy "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của mình. Một mặt, Mỹ tăng cường hợp tác song phương với các nước thông qua các cơ chế như “Sáng kiến Cảng Chiến lược” (Strategic Ports Initiative), “Nhóm Thỏa thuận” (Deal Team Initiative) [2]... Mặt khác, thông qua hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Australia để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chất lượng cao ở khu vực này.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu chủ yếu dựa trên quan điểm tầm nhìn về chủ quyền kỹ thuật số, lấy EU làm nòng cốt để thúc đẩy hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tháng 2 và tháng 7 năm 2020, EU lần lượt công bố các báo cáo "Định hình tương lai kỹ thuật số của châu Âu" (Shaping Europe's digital future), "Chủ quyền kỹ thuật số châu Âu" (Digital Sovereignty for Europe) [3], đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số của cơ sở hạ tầng truyền thống châu Âu; nhấn mạnh sự phát triển của "đám mây châu Âu" và cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng là một bước quan trọng trong việc xây dựng chủ quyền kỹ thuật số châu Âu.
Sau khi tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Mỹ và EU đã mở rộng phạm vi đầu tư sang các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. Sáng kiến B3W và kế hoạch PGII đề xuất hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển, lấy Mỹ Latinh và Caribe, châu Phi và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương làm mục tiêu hợp tác. Đặc biệt là trong việc thúc đẩy các dự án cụ thể, Mỹ và EU có xu hướng tập trung tương tác chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đồng ý mở rộng hợp tác tài chính cho các dự án như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Thông qua kết nối các cơ chế hợp tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật số ba bên Mỹ - Nhật Bản - Australia để phát triển hạ tầng số khu vực, từ đó tăng cường vai trò điều phối của Mỹ và EU.
Tháng 10/2021, Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tập trung thảo luận phương thức liên kết giữa sáng kiến B3W và sáng kiến "Mạng Blue Dot". Tháng 5/2022, Mỹ khởi xướng thành lập “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Framework - IPEF), coi IPEF là một trong những cơ chế triển khai cụ thể cho các dự án hạ tầng kỹ thuật số Mỹ - EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo sáng kiến B3W. Tháng 6/2022, Kế hoạch PGII do Nhóm G7 đề xuất thông báo rằng Mỹ và EU sẽ hợp tác đầu tư dự án điện thông minh tại Đông Nam Á, do chính phủ Mỹ và USAID chủ trì, hợp tác với khu vực tư nhân châu Âu và các ngân hàng phát triển để cung cấp vốn cho các dự án xây dựng hạ tầng số. Tháng 12/2022, Trong cuộc tham vấn cấp cao lần thứ ba về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và EU cùng nhấn mạnh cải thiện kết nối khu vực, tăng cường hợp tác và điều phối tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng số ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đa dạng hóa và thể chế hóa các kênh tài chính: Hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Mỹ và EU dựa trên các kênh tài chính được thể chế hóa đa dạng và trưởng thành hơn. Việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đòi hỏi hỗ trợ vốn lớn và lâu dài. Mỹ và EU nhấn mạnh mô hình đầu tư kết hợp giữa khu vực công – tư nhân. Năm 2018, Mỹ thành lập Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) với số vốn đăng ký là 60 tỷ USD để cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Năm 2018, EU công bố “Kết nối Âu - Á: Chiến lược của EU” (Connecting Europe & Asia: The EU Strategy) [4], cung cấp nguồn tài chính bền vững cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các nước châu Á bằng cách tích hợp nhiều quỹ từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng phát triển đa phương và khu vực tư nhân. Năm 2020, EU công bố "Định hình tương lai kỹ thuật số châu Âu" đề xuất tăng cường tài trợ cho cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối.
Khi tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ và EU cải thiện hơn nữa cơ chế đầu tư. Thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu của Nhóm G7, tăng cường huy động, điều chỉnh tỷ lệ vốn giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, từ đó hình thành các kênh tài chính và cơ chế hợp tác hoàn thiện hơn, được thể chế hóa và đa dạng hơn. USAID có kế hoạch từ năm 2020 đến năm 2024, hợp tác với các đối tác tư nhân quốc tế để tăng 20% đầu tư của khu vực tư nhân vào các thị trường có mức độ dịch vụ kỹ thuật số thấp.
Tháng 6/2021, G7 công bố sáng kiến B3W, Mỹ và EU có kế hoạch tập trung vào nguồn tài chính tư nhân và được bổ sung bằng nguồn tài chính công, thông qua tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB, EBRD… để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tháng 6/2022, Nhóm G7 đề xuất Kế hoạch PGII, Mỹ và EU sẽ phối hợp tận dụng nguồn tài chính của chính phủ và khu vực tư nhân, mong muốn huy động 500 tỷ USD để hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật số và các dự án liên quan. Đến tháng 12/2022, cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ ba của TTC nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp tài chính giữa các tổ chức tài chính công - tư nhân và ngân hàng phát triển ở cả hai bên, thông qua các kênh tài chính xuyên Đại Tây Dương để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật số ở các nước thứ ba.
Động lực thúc đẩy hợp tác Mỹ - EU về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số toàn cầu dẫn đến “khoảng cách số” trên thế giới ngày càng nới rộng, nhất là ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình, dẫn đến nhu cầu hợp tác và đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tăng cao. Việc có cùng quan điểm nhận thức, ưu thế công nghệ cũng như yêu cầu chiến lược phải cân bằng với Trung Quốc khiến dư địa hợp tác hai bên lớn, từ đó thúc đẩy sự phát triển hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu giữa Mỹ và EU.
Hợp tác thu lợi từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số: Khi thế giới bước vào kỷ nguyên số hóa, các quốc gia đang phát triển từ châu Á, châu Mỹ đến châu Phi không chỉ đối mặt với khoảng cách trong xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống như cầu cảng, đường sá, sân bay, mà nhu cầu thực hiện chuyển đổi số của cơ sở hạ tầng truyền thống cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật số mới cũng tăng lên đáng kể. Theo báo cáo "Triển vọng xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu" (Global Infrastructure Outlook, 2017) [5] thì đến năm 2040, tổng nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu tăng lên 94 nghìn tỷ USD, trong đó châu Á chiếm 54% và châu Mỹ chiếm 22%. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tỷ lệ thâm nhập mạng nói chung ở Mỹ Latinh thấp và khoảng một phần ba dân số chưa được kết nối Internet; đầu tư hạ tầng kỹ thuật số của châu Á dự báo sẽ tăng và có thể đạt 512 tỷ USD vào năm 2040; châu Phi cần hỗ trợ tài chính khoảng 100 tỷ USD mỗi năm để hoàn thành phổ cập truy cập băng thông rộng vào năm 2030. Từ đó có thể thấy, thị trường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng, các hợp tác nhỏ lẻ sẽ khó đáp ứng nhu cầu. Hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa Mỹ và EU có một không gian rộng lớn.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm 50% dân số và 60% tổng GDP của thế giới, trong đó Ấn Độ và ASEAN có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, đồng thời chính phủ các nước này rất chú trọng thông qua chuyển đổi số để đạt được sự phát triển kinh tế chất lượng cao. Các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ và EU như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Các nước ASEAN đã lần lượt ban hành chiến lược chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như Sáng kiến Điện thông minh Đông Nam Á và tuyến cáp thông tin dưới biển dài 17.000 km nối Singapore và Pháp cũng được đề xuất trong tuyên bố chung PGII. Có thể thấy, triển vọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang đến nhiều cơ hội thị trường cho hợp tác Mỹ và EU để đạt được lợi ích cả về chính trị và kinh tế.
Kiềm chế ảnh hưởng kỹ thuật số của Trung Quốc: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối lợi ích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy nâng cấp công nghiệp trong tương lai. Điều quan trọng đối với các nước phương Tây là tiếp tục duy trì lợi thế công nghiệp và quyền diễn ngôn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản trị an ninh thông tin toàn cầu. Gần đây, vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học & công nghệ nói chung, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nói riêng đã tăng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lớn nhất thế giới, số lượng trạm gốc 4G chiếm hơn 50% tổng số toàn cầu, trạm gốc 5G đạt 2,312 triệu, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động và băng thông rộng đều cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Trung Quốc cũng đã xây dựng hệ thống công nghiệp truyền thông quang lớn nhất thế giới, đứng trong top đầu về các công nghệ then chốt trong lĩnh vực truyền thông quang [6].
Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với EU và các đồng minh, Mỹ tăng cường kiềm chế đà phát triển của ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Trung Quốc. EU cũng hy vọng hợp tác với Mỹ để giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ngành công nghệ kỹ thuật số. Tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu công bố "Triển vọng chiến lược EU - Trung Quốc" (EU - China Strategic Outlook) [7], định vị Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" ngày càng quan trọng của EU; quan điểm của EU đối với Trung Quốc dần chuyển sang “chủ yếu cạnh tranh, tăng cường đối đầu, cân nhắc hợp tác”. Kể từ khi Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ tiếp tục ưu tiên cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Trong "Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ 2022" (2022 National Security Strategy), Trung Quốc tiếp tục được định vị là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và mục tiêu của Mỹ là phải vượt qua Trung Quốc trong "thập kỷ quan trọng" tiếp theo.
Dựa trên cơ sở này, Mỹ và EU đã phối hợp trừng phạt rộng rãi đối với các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ và thiết bị kỹ thuật số then chốt như 5G và chất bán dẫn. Tháng 1/2023, Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đạt được thỏa thuận về hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, đánh dấu sự gia tăng hơn nữa trong phối hợp giữa Mỹ và EU để kiềm chế ngành công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc.
Hợp tác về diễn ngôn của quản trị kỹ thuật số toàn cầu: Công nghệ kỹ thuật số và quản trị kỹ thuật số đang trở thành những lĩnh vực cốt lõi của cạnh tranh quốc tế hiện nay. Mỹ coi việc thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số với EU là một bước đi quan trọng để duy trì vai trò lãnh đạo quốc tế đối với các quy tắc kỹ thuật. EU cũng coi tăng cường hợp tác với Mỹ để nâng cao ảnh hưởng của khối trong quản trị kỹ thuật số toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Mỹ và EU tích cực xây dựng một cơ chế điều phối quy tắc kỹ thuật số song phương đặc biệt và thường xuyên tiến hành các cuộc đối thoại, tham vấn cấp cao.
Tháng 12/2020, EU công bố "Chương trình nghị sự mới giữa EU và Mỹ về Thay đổi Toàn cầu" (New EU-US Agenda for Global Change), lần đầu tiên đề xuất rằng EU và Mỹ nên thiết lập một cơ chế điều phối đặc biệt và hợp tác chặt chẽ về các tiêu chuẩn và công nghệ kỹ thuật số. Tại cuộc họp đầu tiên của TTC vào tháng 9/2021, Mỹ và EU đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường trao đổi và hợp tác trong quản trị dữ liệu và nền tảng công nghệ. Tháng 12/2021, Mỹ và EU đã đưa ra cơ chế “Đối thoại chính sách cạnh tranh kỹ thuật chung Mỹ - EU” (U.S.-EU Joint Technology Competition Policy Dialogue - TCPD) để trao đổi và hợp tác về các thách thức thực thi cạnh tranh công nghệ. Tháng 5 và tháng 12/2022, TTC đã tổ chức các cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ hai, lần thứ ba và đạt được sự đồng thuận về các vấn đề như công nghệ và dịch vụ thông tin (ICT), hạ tầng kỹ thuật số, chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,… Thành lập cơ chế “Thông tin Tiêu chuẩn hóa Chiến lược” Mỹ - EU (Strategic Standardisation Information) để chia sẻ thông tin về phát triển tiêu chuẩn quốc tế. Tháng 3 và tháng 10/2022, Mỹ và EU đạt được thỏa thuận mới về nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu. Kết quả hợp tác kỹ thuật số giữa Mỹ và EU đã đặt nền tảng vững chắc cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương, giúp hai bên cùng nhau củng cố quyền kiểm soát thị trường kỹ thuật số toàn cầu và quyền xây dựng quy tắc.
Gia tăng cạnh tranh quốc tế
Là một phần trong “sáng kiến thế kỷ” Vành đai – Con đường (BRI), chiến lược DSR của Trung Quốc tập trung nhiều vào các nước đang phát triển. Ước tính đến năm 2019, Trung Quốc đã chi 79 tỷ USD cho các dự án liên quan. Đến năm 2021, DSR đã giúp Trung Quốc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 17 quốc gia, thiết lập cơ chế hợp tác thương mại điện tử song phương với 23 quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung Quốc về thương mại số. Thông quan DSR, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâm nhập và chiếm ưu thế so với các đối thủ công nghệ đến từ Mỹ, phương Tây trong việc chiếm lĩnh thị trường Etiopia, Nigeria, Rumani, Bungari, Séc, Pakistan, Mông Cổ, Iran... Tháng 6/2020, Trung Quốc hoàn thành hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, đưa nước này trở thành cường cuốc vệ tinh định vị, cạnh tranh với hệ thống GPS (Mỹ), Glonass (Nga) và Galileo (châu Âu). Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành tuyến cáp quang dọc BRI, dung lượng vượt 100Tbps, kết nối trực tiếp châu Á, châu Phi, châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.
Giới chính trị phương Tây đánh giá, DSR của Trung Quốc là một giải pháp hấp dẫn đối với các quốc gia đang tìm cách tăng tốc phát triển hạ tầng công nghệ. Với tầm ảnh hưởng có phần đi xuống của phương Tây, thì sự mở rộng DSR tác động trực tiếp đến lợi ích của phương Tây, nhất là Mỹ. Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc khiến vai trò của Mỹ và EU trong đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu giảm đi rõ rệt. Đây là nguyên nhân khiến Mỹ và EU tăng cường kiềm chế Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật số. Trong báo cáo “Đánh giá mối đe dọa thường niên của Cộng đồng tình báo Mỹ” tháng 4/2021, Mỹ coi Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng, thách thức Mỹ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, quân sự và công nghệ.
Hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Mỹ - EU bước vào một giai đoạn phát triển mới, liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt có tính hệ thống đối với ngành công nghệ Trung Quốc. Sự đồng thuận mới nhất mà Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đạt được (tháng /2023) về hạn chế cung cấp thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc khiến cho cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu càng sâu sắc hơn. Đối với hệ thống Internet hiện tại, chủ yếu do các công ty Mỹ thống trị. Hoạt động của hệ thống tên miền Internet toàn cầu và việc phân bổ địa chỉ IP được kiểm soát bởi Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (ICANN). Tháng 4/2022, Mỹ và EU cũng đã thông qua "Tuyên bố về tương lai của Internet" (Declaration for the Future of the Internet) [9] để đặt nền móng cho phương Tây tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn Internet. Hợp tác hạ tầng kỹ thuật số giữa Mỹ và EU củng cố hơn nữa vai trò của phương Tây trong lĩnh vực Internet, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc (thông qua DSR) đối với hệ thống quản trị không gian mạng toàn cầu.
Bên cạnh đó, hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Mỹ - EU sẽ thúc đẩy cạnh tranh ý thức hệ giữa “liên minh phương Tây” và “phi phương Tây” trong quản trị kỹ thuật số toàn cầu. Nhật Bản, Singapore và các quốc gia khác cũng đang điều chỉnh mô hình quản trị kỹ thuật số, tăng cường phối hợp với Mỹ và EU trong các vấn đề liên quan. Đối với Singapore, trên cơ sở "Thỏa thuận đối tác kinh tế kỹ thuật số" (DEPA), nước này có kế hoạch thúc đẩy các quy tắc thương mại kỹ thuật số tiêu chuẩn cao trở thành chuẩn mực toàn cầu; tăng cường hợp tác quản trị kỹ thuật số với Australia, Anh và các quốc gia khác để mong muốn đóng vai trò hơn nữa trong xây dựng các quy tắc kinh tế số toàn cầu. Đối với Nhật Bản, nước này đang tích cực thúc đẩy "luồng dữ liệu xuyên biên giới dựa trên niềm tin” (DFFT) và phát triển "vòng tròn lưu thông kỹ thuật số" giữa Mỹ, EU và Nhật Bản. Có thể thấy, hợp tác đa phương của Mỹ, EU, Singapore, Nhật Bản và các quốc gia khác tăng cường đáng kể liên minh phương Tây trong lĩnh vực quản trị kỹ thuật số toàn cầu. Hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương sẽ góp phần tạo nên “cuộc đối đầu giữa phe phương Tây và phe phi phương Tây" trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu.
Kể từ khi Joe Biden nhậm chức, Mỹ và EU liên tiếp đề xuất và thông qua sáng kiến B3W và kế hoạch PGII, từ đó hình thành mối quan hệ hợp tác chủ động hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này có tác động sâu sắc đến nền kinh tế số, phát triển thị trường số và định hình quản trị kỹ thuật số toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ và EU vẫn đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách và những rắc rối về nợ công, dẫn đến khả năng tài chính để hỗ trợ cơ sở hạ tầng toàn cầu gặp phải những thách thức nhất định. Bên cạnh đó, các “tiền đề chính trị” được lồng ghép trong hợp tác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Mỹ - EU có thể gây ra sự nghi ngờ từ các nước đối tác (Mỹ - EU ưu tiên đầu tư và hợp tác với các quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn “dân chủ” và “nhân quyền” của phương Tây, đồng thời có thể kèm theo các yêu cầu cô lập Trung Quốc, Nga).
Là trung tâm của Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò của ASEAN trong cạnh tranh chiến lược nước lớn nói chung và lĩnh vực kỹ thuật số nói riêng được nâng cao hơn. Điều này vừa mang lại những cơ hội (như vốn, công nghệ, đối tác), những cũng có những thách thức mới (việc phải chọn bên, không thống nhất trong nội bộ Khối) đối với các quốc gia ASEAN. Đối với Việt Nam, cần tăng cường phân tích chính sách phát triển khoa học & công nghệ, trong đó có lĩnh vực kỹ thuật số của các quốc gia, khu vực trên thế giới để kịp thời điều chỉnh chiến lược quốc gia về phát triển kỹ thuật số trong trung và dài hạn.
Tài tiệu tham khảo [1]. https://ciss.tsinghua.edu.cn/info/subemail_wzjx/6193 [2]. https://www.state.gov/deal-teams/ [3]. https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2020/651992/EPRS_BRI(2020)651992_EN.pdf [4]. https://www.eeas.europa.eu/eeas/connecting-europe-asia-eu-strategy_en [5]. https://www.oxfordeconomics.com/resource/global-infrastructure-outlook/ [6]. https://www.miit.gov.cn/zwgk/zcjd/art/2023/art_9f5022af3cdf48789484117d9da03c58.html [7]. https://commission.europa.eu/publications/eu-china-strategic-outlook-commission-and-hrvp-contribution-european-council-21-22-march-2019_en [8]. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf [9]. https://www.state.gov/wp-content/uploads/2022/04/Declaration-for-the-Future-for-the-Internet.pdf |
Trần Văn Liệu