Cơ yếu Tuyên quang đổi mới, năng động, sáng tạo cùng “dòng chảy số”

16:00 | 04/08/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Với quyết tâm cao trong công cuộc chuyển đổi số nhằm bắt kịp, không bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số cùng với chương trình đột phá trong cải cách hành chính. Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin sẽ là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ tham mưu của tỉnh, đặc biệt là lực lượng cơ yếu và đội ngũ cán bộ làm công tác cơ yếu, vừa phải đổi mới, năng động, sáng tạo vừa phải tích cực tham mưu cho cấp ủy, cơ quan các giải pháp bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu, phục vụ đắc lực cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/6/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.

Trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định về Luật an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước. Củng cố lực lượng chuyên trách đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng kết hợp đầu tư trang, thiết bị, phương tiện khoa học - kỹ thuật để chủ động phòng ngừa rủi ro, ứng phó và khắc phục kịp thời các sự cố về an toàn, an ninh mạng, giảm tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số, bảo vệ an toàn các nguồn thông tin, dữ liệu trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hoạt động trên môi trường số.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin.

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức. Sự gia tăng không ngừng của số hóa tại Việt Nam, các nền tảng số ngày càng thu thập được lượng lớn dữ liệu quan trọng bao gồm thông tin cá nhân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tài liệu nội bộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược và phương án bảo vệ dữ liệu phù hợp sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin và gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức. Do vậy, việc chuẩn bị nguồn lực, kỹ thuật và con người để đảm bảo an toàn thông tin và sẵn sàng ứng phó với sự cố thông tin là rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, an toàn, an ninh thông tin, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Tuyên Quang đã thường xuyên quan tâm đến hoạt động cơ yếu và chú trọng xây dựng các tổ chức cơ yếu vững mạnh toàn diện; nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về cơ yếu, bảo vệ bí mật Nhà nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, đặc biệt là Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 15/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị định số 56-NQ/TW. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao quản lý năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu, xác định yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã trong các hệ thống thông tin quan trọng để triển khai, đưa vào khai thác đúng mục đích, yêu cầu nhiệm vụ.

Lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cơ bản được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Cơ yếu, trách nhiệm trong công tác, phục tùng sự phân công, điều động của tổ chức, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn, chính xác và kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang trong mọi tình huống. Chấp hành nghiêm túc các chế độ sử dụng điện mật, tổ chức lưu trữ, quản lý, tiêu hủy tài liệu đúng nguyên tắc của ngành Cơ yếu. Mọi nội dung thông tin qua cơ yếu đều được mã hóa và giải mã bằng nghiệp vụ mật mã. Ngoài công tác cơ yếu, cán bộ, nhân viên cơ yếu được phân công kiêm nhiệm thêm các công việc khác như quản trị mạng, công tác viễn thông, công tác văn thư, hoạt động công tác đảng, đoàn thể…

Hoạt động cơ yếu tại các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu ngày càng được hoàn thiện, nâng cao, đổi mới theo hướng tích cực, duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng máy mã và trang thiết bị nghiệp vụ mật mã; công tác thu hồi sản phẩm mật mã bảo đảm đúng quy định. Việc chuyển, nhận và xử lý điện mật được thực hiện đúng quy tắc, quy trình. Hằng năm, duy trì nghiêm chế độ huấn luyện nghiệp vụ thường xuyên và kiểm tra kết quả huấn luyện đối với cơ yếu cấp dưới, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đúng quy định; hiện tại 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của tỉnh đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Duy trì hoạt động hệ thống thực hiện giám sát an toàn, an ninh mạng theo tiêu chuẩn, phát hiện và xử lý hàng nghìn kết nối độc hại, ngăn chặn nhiều cuộc rà quét, tấn công vào hệ thống website của tỉnh, trong đó có nhiều mã độc nguy cơ cao, nghiêm trọng như các mã độc có hành vi mã hóa tống tiền, đánh cắp dữ liệu… Công tác phối hợp giữa các lực lượng cơ yếu quân đội, công an, đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh được tổ chức thống nhất, đồng bộ, triển khai toàn diện. Trong đó, lực lượng cơ yếu của quân đội, công an triển khai thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trên giao, dùng kỹ thuật mật mã bảo đảm nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ huy các cấp được bí mật, chính xác, kịp thời; thường xuyên duy trì vững chắc hệ thống kỹ thuật mật mã, sử dụng tốt trang bị kỹ thuật nghiệp vụ, bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống; quản lý chặt chẽ tài liệu và các trang thiết bị kỹ thuật mật mã và đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu theo đúng nguyên tắc và quy định của ngành; duy trì nghiêm chế độ trực, bảo đảm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang luôn nhận được sự quan tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các Hệ Cơ yếu, vì vậy, hệ thống trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các hệ cơ yếu trong tỉnh được trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang. Hiện nay, mạng thông tin diện rộng của tỉnh đã được triển khai theo mô hình hai cấp, kết nối Trung tâm tích hợp dữ liệu tại trụ sở Tỉnh ủy đến mạng cục bộ của các cơ quan, đơn vị huyện ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; 100% cơ quan, đơn vị sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng của Đảng để trao đổi, xử lý, gửi, nhận thông tin, tài liệu qua mạng. Hệ thống mạng nội bộ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu được thiết kế bảo đảm tính sẵn sàng cao và được quy hoạch theo các phân vùng mạng chức năng…

Nhờ sự giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của Ban Cơ yếu Chính phủ trong đào tạo nguồn nhân lực, trang cấp thiết bị, sản phẩm mật mã, giải pháp mật mã... trước mắt, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, giải quyết các vấn đề lớn về mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành từ nay đến cuối nhiệm kỳ và các vấn đề mới đặt ra, bảo đảm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và của cả nhiệm kỳ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị địa phương có sử dụng lực lượng cơ yếu sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, chỉ đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu tăng cường rà soát, quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ yếu đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với các quy định hiện hành và nhiệm vụ công tác cơ yếu trong tình hình mới. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần cảnh giác cách mạng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng cơ yếu duy trì trực nghiệp vụ, công tác mã dịch điện mật theo quy định, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang; kịp thời khắc phục sự cố xảy ra, đảm bảo hệ thống cơ yếu hoạt động thông suốt, liên tục.

Thứ hai, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường triển khai, thực hiện các giải pháp về bảo mật, an toàn thông tin, ứng dụng chữ ký số trong thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước. Tiếp nhận, quản lý, vận hành, khai thác Đài điện báo do Cục Bưu điện Trung ương và Viễn thông tỉnh Tuyên Quang bàn giao theo đúng chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng và cấp ủy tỉnh. Thực hiện nghiêm các quy định của ngành Cơ yếu về quản lý cán bộ, các trang thiết bị mật mã, sản phẩm mật mã, chế độ thông tin báo cáo; đảm bảo an toàn, chính xác trong việc giao nhận, vận chuyển, kiểm kê, tiêu hủy các loại tài liệu, trang thiết bị của ngành Cơ yếu.

Thứ ba, triển khai thực hiện Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 12/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Đảng của tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả; tiếp nhận các phần mềm bảo mật an toàn, an ninh thông tin do trung ương chuyển giao. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các đơn vị cơ yếu trực thuộc; quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên cơ yếu tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ về công tác cơ yếu; chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới tại tỉnh cho đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định hoạt động cơ yếu, công tác bảo mật, an toàn thông tin có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo truyền tải thông tin bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang các cấp. Đặc biệt, để bắt kịp “dòng chảy số” - xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu sẽ nặng nề hơn, phải nỗ lực, đổi mới tư duy, sáng tạo trong các mặt công tác, thường xuyên nâng cao trình độ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác cơ yếu và những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin; sẵn sàng tiếp thu có hiệu quả những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật mật mã và công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại trong tình hình mới.

Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới