Quản trị trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc (Phần 2)
Bốn là: Vừa thúc đẩy đổi mới, vừa tăng cường giám sát
Vấn đề chính mà các công nghệ mới (như xe tự hành, ô tô bay không người lái, phần mềm y tế AI) phải đối mặt là việc ứng dụng thương mại đang gặp phải những trở ngại về mặt pháp lý. Những rào cản này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng vào công nghệ mới mà còn làm nản lòng các nhà đầu tư. Do đó, đổi mới, cập nhật quy định là chìa khóa thúc đẩy phát triển ứng dụng những công nghệ mới. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang tích cực đổi mới các phương pháp và công cụ quản lý, thúc đẩy triển khai các ứng dụng AI thông qua Hộp cát quy định (Regulatory Sandbox), thí điểm, ứng dụng trình diễn.
Trong lĩnh vực ô tô tự hành, Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản luật và quy chuẩn nhằm khuyến khích và quản lý các hoạt động thử nghiệm ô tô tự hành. Do chính sách quản lý thuận lợi, những địa phương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đã chiếm được lợi thế phát triển, một số nơi đã cấp giấy phép vận hành thử nghiệm cho các nhà sản xuất xe tự hành. Thâm Quyến đi đầu trong việc ban hành "Quy định quản lý phương tiện kết nối thông minh Thâm Quyến" để đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các ứng dụng thương mại.
Trong lĩnh vực chăm sóc y tế AI, vì phần mềm y tế AI có nhiều đặc điểm khác với các thiết bị y tế truyền thống, khó khăn trong thủ tục phê duyệt. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang tích cực cải thiện thủ tục khai báo và phê duyệt đăng ký. Hiện tại, một số phần mềm y tế AI đã được phê duyệt, ví dụ Phần mềm chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp được hỗ trợ bởi AI, Hệ thống chẩn đoán viêm phổi có sự hỗ trợ AI (của Tencent Miying).
Năm là: Xây dựng các quy tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ AI
Nội dung do AI tạo ra (AIGC: AI-Generated Contents) đã trở thành một vấn đề mới và là hướng phát triển trong tương lai của AI. Trong lĩnh vực Internet, AIGC là hình thức sản xuất nội dung sau PGC (nội dung sản xuất chuyên nghiệp) và UGC (nội dung do người dùng tạo ra), mang lại những thay đổi lớn trong sản xuất nội dung tự động. Hiện tại, công nghệ AIGC có thể độc lập tạo ra nhiều dạng nội dung khác nhau, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, nội dung 3D.... Do đó, các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ AIGC đã trở thành một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua. Các câu hỏi như “Cách bảo vệ bản quyền và quyền sở hữu nội dung AIGC” và “Liệu công nghệ AIGC có xâm phạm nội dung bản quyền của người khác không” là những vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp. Một số học giả quốc tế đề xuất rằng cần phải thiết lập các điều ước quốc tế và các quy tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ AI đặc biệt (theo quan niệm trước đây, chủ thể sáng tạo chỉ có thể là con người). EU, Vương quốc Anh, Nhật Bản,... đang xem xét hoặc xây dựng các quy định đặc biệt để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ AI. Chẳng hạn như: điều khoản ngoại lệ về bản quyền đối với việc khai thác văn bản và dữ liệu dựa trên công nghệ AI trong “Chỉ thị về Bản quyền trong Thị trường Số Duy nhất” (Copyright in the Digital Single Market) của EU; điều khoản bảo vệ tác phẩm do máy tính tạo ra trong “Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế” của Vương quốc Anh. Về vấn đề bằng sáng chế, chính sách của Anh chỉ ra rằng do AI chưa đủ tiến bộ để có thể độc lập phát minh và sáng tạo nên hiện chưa cần sửa đổi luật sáng chế nhưng cần chú ý theo dõi tiến bộ công nghệ và kịp thời đánh giá vấn đề bằng sáng chế AI.
Các quy tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung do AI tạo ra đang được Trung Quốc tích cực khám phá. Trong vụ vi phạm bản quyền giữa Công ty Luật Điện ảnh Bắc Kinh và Công ty TNHH Công nghệ Baidu Netcom Bắc Kinh (năm 2018), tòa án cho rằng chỉ những tác phẩm gốc do chủ thể là “con người tự nhiên” tạo ra mới được bảo vệ bản quyền, điều này phủ nhận khả năng bảo vệ bản quyền đối với các tác phẩm do AI tạo ra trực tiếp và độc lập. Tuy nhiên, vụ án cũng chỉ ra rằng các quyền và lợi ích liên quan của nội dung do AI tạo ra có thể được bảo vệ thông qua luật cạnh tranh và các công cụ pháp lý khác. Về mặt pháp lý, "Luật bản quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" sửa đổi năm 2020, quy định các điều khoản mở để dành không gian thể chế cho việc bảo vệ các đối tượng mới phát sinh từ việc ứng dụng các công nghệ mới (như AIGC) mang lại.
Sáu là: Tiêu chuẩn hóa
Các tiêu chuẩn trong lĩnh vực quản trị AI phản ứng linh hoạt hơn so với các quy định của luật pháp liên quan. Do đó, các tiêu chuẩn quản trị AI đã trở thành vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và ngành công nghiệp AI. Tiêu biểu phải kể đến: Các tiêu chuẩn AI đáng tin cậy của EU; Các tiêu chuẩn quản trị (quản lý rủi ro AI, nhận dạng phân biệt đối xử AI, ...) do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) đề xuất; Kế hoạch phát triển hệ sinh thái chứng nhận AI của Vương quốc Anh; Tiêu chuẩn đạo đức AI của IEEE, v.v. Về mặt triển khai, IEEE đã khởi động dự án chứng nhận đạo đức AI; Vương quốc Anh hy vọng sẽ phát triển ngành chứng nhận AI hàng đầu thế giới.
Trung Quốc rất coi trọng việc tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực AI. "Đề cương phát triển Tiêu chuẩn hóa quốc gia" [16] chỉ ra rằng tiêu chuẩn hóa đóng vai trò cơ bản và hàng đầu trong việc thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia; yêu cầu nghiên cứu tiêu chuẩn hóa phải được thực hiện trong các lĩnh vực như AI, thông tin lượng tử và công nghệ sinh học. Gần đây, Trung Quốc liên tục thúc đẩy ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn địa phương và tiêu chuẩn nhóm trong lĩnh vực quản trị AI. Ví dụ, Ủy ban Quản lý Tiêu chuẩn hóa Quốc gia đã thành lập Nhóm Tổng hợp Tiêu chuẩn hóa AI quốc gia; Ủy ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn hóa Công nghệ Thông tin Quốc gia đã thành lập một tiểu ban kỹ thuật về AI;… Tháng 7/2020 "Hướng dẫn xây dựng Hệ thống tiêu chuẩn AI thế hệ mới quốc gia" [17] được ban hành, đã định hình tổng thể trong lĩnh vực tiêu chuẩn AI, mục đích thiết lập một hệ thống tuân thủ cho AI thông qua các tiêu chuẩn an toàn/đạo đức và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững của AI.
Bảy là: Các biện pháp kỷ luật tự giác để quản trị AI
Quản trị AI hiệu quả đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể liên quan (như nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức ngành nghề, nhóm học thuật, người dùng và công chúng), trong đó, xây dựng kỷ luật tự giác của các công ty công nghệ là một phần quan trọng để thực hiện yêu cầu “đạo đức là trên hết”. Lý do kêu gọi "đạo đức là trên hết" vì trước sự phát triển nhanh chóng của AI, hiện tượng “độ trễ pháp luật” ngày càng nổi bật. Trong lĩnh vực AI, "đạo đức là trên hết" trước tiên thể hiện qua việc các công ty công nghệ tự quản lý về đạo đức công nghệ. Ở cấp độ ngành nghề, các tổ chức liên quan đã đề xuất các hướng dẫn đạo đức để định hướng cho các công ty AI. Tiêu biểu về vấn đề này bao gồm “Công ước về tự kỷ luật của ngành AI” [18] và “Hướng dẫn vận hành AI đáng tin cậy” [19] của Liên minh phát triển công nghiệp AI Trung Quốc (AIIA), "Nhận thức chung của Bắc Kinh về AI" [20] và "Tuyên bố trách nhiệm của ngành AI" [21] của Viện nghiên cứu AI Bắc Kinh, " Hướng dẫn ngăn ngừa rủi ro an toàn đạo đức về AI " [22] của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa An toàn thông tin Quốc gia.
Ở cấp độ doanh nghiệp, các công ty công nghệ, với tư cách là chủ thể chính trong đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghiệp AI, chịu trách nhiệm quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI một cách có trách nhiệm. Các công ty công nghệ Trung Quốc đã tích cực thực hiện các yêu cầu pháp lý và khám phá các biện pháp tự quản lý có liên quan, chủ yếu bao gồm: ban hành các quy tắc đạo đức AI; thành lập các tổ chức quản trị AI nội bộ (như ủy ban đạo đức); tiến hành đánh giá đạo đức hoặc đánh giá rủi ro bảo mật cho các hoạt động AI; công bố thông tin liên quan đến thuật toán, thúc đẩy tính công khai, minh bạch của thuật toán; tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề đạo đức AI (như công cụ phát hiện và nhận dạng nội dung thông tin tổng hợp, công cụ đánh giá quản trị AI),....
Tám là: Hợp tác và cạnh tranh quản trị AI toàn cầu
Sự phát triển của nền kinh tế số toàn cầu đang hình thành các quy tắc quốc tế mới. Cạnh tranh AI toàn cầu không chỉ là cuộc cạnh tranh về công nghệ mà còn là cuộc cạnh tranh về các quy tắc và tiêu chuẩn quản trị. Gần đây, hợp tác quản trị AI toàn cầu có nhiều bước phát triển; Nguyên tắc của OECD về trí tuệ nhân tạo (OECD/G20 2019) [23] là khuôn khổ chính sách AI toàn cầu đầu tiên. Tháng 11/2021, UNESCO đã thông qua thỏa thuận đạo đức AI đầu tiên trên thế giới "Khuyến nghị về Đạo đức của AI" (Recommendation on the Ethics of Artificial Intelligence) [24], hiện là khuôn khổ chính sách AI toàn cầu được thống nhất và toàn diện nhất.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính sách AI nhằm tăng cường tác động đến các quy tắc và tiêu chuẩn quản trị AI toàn cầu. Ví dụ: tháng 6/2023, dự thảo “Luật Trí tuệ nhân tạo” (AI act) đã được Nghị viện châu Âu thông qua với 499 phiếu thuận, 28 phiếu chống và 93 phiếu trắng, nhiều khả năng sẽ trở thành đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh toàn diện lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này. Các chuyên gia dự đoán rằng, giống như tác động của luật bảo mật dữ liệu GDPR trước đây đối với ngành công nghệ toàn cầu, Luật Trí tuệ nhân tạo của EU sẽ mở rộng “Hiệu ứng Brussels” sang lĩnh vực AI, đây chính là điều mà EU hy vọng sẽ thiết lập cơ chế quản trị AI cho thế giới thông qua tiêu chuẩn quy định. Ngoài luật về AI, Hội đồng Châu Âu cũng đang chuẩn bị "Công ước AI quốc tế" [25] đầu tiên trên thế giới. Giống như "Công ước về tội phạm mạng" và "Công ước về quyền riêng tư" trước đây, cả quốc gia thành viên và quốc gia không phải thành viên đều có thể tham gia và phê chuẩn các công ước AI trong tương lai. Hoa Kỳ luôn dẫn đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp AI. Nước này cũng tích cực định hình vai trò lãnh đạo của mình trong lĩnh vực chính sách AI. Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU (thành lập năm 2020) là thúc đẩy hợp tác Mỹ-EU về quản trị AI. Tóm lại, cạnh tranh AI toàn cầu ngày càng nhấn mạnh đến cạnh tranh quyền lực mềm trong lĩnh vực chính sách và quản trị AI.
Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc tham gia quản trị khoa học và công nghệ toàn cầu, tích cực đưa ra các sáng kiến riêng và nỗ lực để đạt được công nhận và đồng thuận từ các nước, ví dụ, “Sáng kiến An ninh Dữ liệu Toàn cầu” được nước này đề xuất năm 2020 [26]. Tháng 11/2022, tại Hội nghị các quốc gia tham gia Công ước LHQ về một số loại vũ khí thông thường, Trung Quốc đã đệ trình một văn bản về tăng cường quản lý đạo đức đối với AI, đề xuất trước hết phải tuân thủ đạo đức, tăng cường tính tự giác, sử dụng AI có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Kết luận
Nhiều chính sách, quy định của Trung Quốc như “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và đề cương mục tiêu dài hạn đến năm 2035”, “Xây dựng nhà nước pháp quyền Trung Quốc (2020-2025)”, “Ý kiến về Tăng cường quản trị có đạo đức Khoa học & Công nghệ" … cho thấy quản trị AI trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách quản lý khoa học và công nghệ của nước này. Trong tương lai, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện khung pháp lý về dữ liệu và AI, đồng thời thúc đẩy hoạt động giám sát chính xác và linh hoạt; từng bước đưa quản trị đạo đức AI từ nguyên tắc sang thực tiễn. Bên cạnh đó, để năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nước này sẽ mở rộng hợp tác với các nước dọc vành đai - con đường (BRI) trong lĩnh vực AI; tăng cường diễn ngôn thông qua các diễn đàn quốc tế và khu vực; tích cực đưa ra các sáng kiến quản trị liên quan đến AI để cạnh tranh vài trò lãnh đạo quốc tế với Hoa Kỳ, EU và các cường quốc công nghệ khác.
Trần Văn Liệu