Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

23:01 | 22/08/2017 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Ngày 10/8/2017, tại Phiên họp thứ 13, sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp (Ảnh: Đình Nam)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Tờ trình nêu rõ, việc thực hiện Luật Quốc phòng năm 2005 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa. Bên cạnh đó, một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng. Ngoài ra, nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ. Mặt khác, quá trình thực hiện Luật Quốc phòng 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, đòi hỏi phải ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ, Thường trực UBQPAN nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quốc phòng với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Thường trực UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn một số nội dung như: Quan điểm sửa đổi Luật và việc cụ thể hóa quan điểm này trong dự thảo Luật; về hồ sơ dự án Luật; về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; về bố cục của dự thảo Luật và về một số nội dung cụ thể khác.


Toàn cảnh Phiên họp (Ảnh: Lâm Hiển) 

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, về cơ bản, UBTVQH đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo, Báo cáo thẩm tra của UBQPAN. UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi) nhằm thi hành Hiến pháp 2013, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng. Do dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến Hiến pháp, nhiều luật, văn bản khác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trong tổ chức bộ máy Nhà nước (khoảng 15 luật) nên Ban soạn thảo cần rà soát để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất. Việc luật hóa, thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, chủ trương, đường lối của Đảng phải bám sát, thể hiện đầy đủ, chặt chẽ nhưng cũng tránh quy định chung chung, thiếu cụ thể. Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải được đánh giá kỹ tác động và phải có phương án sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính toàn diện.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu hoàn chỉnh Tờ trình và dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) để trình Quốc hội; đề nghị UBQPAN phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chuẩn bị để thẩm tra dự án Luật và xin ý kiến của UBTVQH trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới