Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo Luật An ninh mạng

14:00 | 12/01/2018 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Chiều 10/01/2018, tại phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo Luật An ninh mạng.


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp

Tại Hội thảo, đồng chí Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã trình bày Báo cáo kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn của dự thảo Luật An ninh mạng. Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí phải xác lập hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đồng thời, đề nghị quy định rõ tiêu chí và các loại hệ thống thông tin. Có ý kiến đề nghị bổ sung hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung, chỉnh lý tiêu chí tại Khoản 1, Điều 9 và các loại hệ thống thông tin tại Khoản 2, Điều 9 cho rõ hơn; căn cứ tiêu chí tại Khoản 1 và lĩnh vực có hệ thống thông tin tại Khoản 2, Điều 9 giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cho linh hoạt.

Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan đến việc ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn trong lĩnh vực an ninh mạng, phạm vi điều chỉnh, sự chồng chéo với các Luật khác đã ban hành như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu, Luật Viễn thông…. Đặc biệt là vấn đề quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam (Khoản 4, Điều 27 - khoản 4 Điều 34 của dự thảo cũ). Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet xuyên quốc gia vào Việt Nam vi phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền chống Nhà nước, kích động chống đối, phá hoại an ninh, gây rối trật tự công cộng... thì bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết.

Qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia tại các cuộc hội thảo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” và chỉnh lý theo hướng “lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản, Khoản 4, Điều 27”. Tuy nhiên, đây là nội dung nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội… Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo lý giải thêm về các phương án. Đơn cử, có cần thiết phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam? Nếu không đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam thì liệu có kiểm soát được thông tin xấu, độc phát tán trên lãnh thổ Việt Nam không và kiểm soát như thế nào?

Đã có 15 ý kiến tham gia tại Hội thảo, hầu hết đều tán thành việc ban hành Luật An ninh mạng, nhưng các đại biểu cũng đưa ra nhiều vấn đề còn băn khoăn khi dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay đang được chuyển lên “đám mây” thì việc quản lý máy chủ, quản lý dữ liệu như thế nào để đảm bảo an ninh? Vấn đề liên quan đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết....

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải an hành luật An ninh mạng vẫn yêu cầu tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, xung đột với các luật đã ban hành, tránh hạn chế quyền con người và vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và quy định các điều khoản mang tính khả thi cao, tránh bất lợi, đặc biệt liên quan đến điều ước quốc tế, tránh những phản ứng không đáng có xảy ra. Khoản 4 Điều 27 được yêu cầu tiếp tục chỉnh lý, xin ý kiến rộng rãi thêm. 

Phong Thu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới