Vai trò của không gian mạng trong các cuộc chiến quân sự trên thế giới (Phần I)

09:00 | 13/10/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Theo bảng xếp hạng tiềm lực quân sự do công ty truyền thông US News And World Report (Mỹ) công bố, Mỹ, Trung Quốc và Nga đang là những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới về quân sự năm 2022. Với sự vượt trội về kinh tế, công nghệ và kỹ thuật, các cường quốc này đã tận dụng tiềm năng về công nghệ thông tin, nhất là không gian mạng để dành ưu thế trong các cuộc chiến và coi đó là một trong những chiến lược trọng tâm làm chuyển đổi tư duy quân sự và tổ chức trang bị quân đội trong thế kỷ XXI. Thực tế hiện nay, không chỉ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang phát triển và chú trọng hơn tới tác chiến mạng. Trong phần I của bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu vai trò của không gian mạng trong các cuộc chiến quân sự có sự tham gia của Mỹ.

VAI TRÒ KHÔNG GIAN MẠNG TRONG NỀN QUÂN SỰ MỸ

Là một cường quốc đứng đầu cả về quân sự lẫn kinh tế, Mỹ hiện phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới Internet, do đó các tổ chức, cá nhân tại quốc gia này thường có nguy cơ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng. Mặt khác, Mỹ có khả năng trong cả phòng thủ và triển khai sức mạnh nhờ vào các công nghệ tiên tiến và ngân sách dành cho quân sự rất lớn. Chiến tranh mạng thể hiện mối đe dọa ngày càng lớn đối với các hệ thống vật lý và cơ sở hạ tầng được kết nối với Internet. Để đối phó với những mối đe dọa này, Mỹ đã phát triển các năng lực không gian mạng quan trọng vừa để phòng thủ, vừa để tăng cường khả năng tấn công khi có tình huống xảy ra.

Kể từ Chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Mỹ đã tuân theo một kịch bản tác chiến nhằm khai thác lợi thế công nghệ để chiến đấu và giành chiến thắng nhanh chóng. Kịch bản bắt đầu với các cuộc tấn công mạng chống lại các hệ thống tình báo, chỉ huy điều hành và cơ sở dữ liệu của các tổ chức chính trị đối lập. Những cuộc tấn công như vậy khiến kẻ thù bị động, hoang mang và khả năng chiến đấu bị giảm sút rõ rệt, giúp quân đội Mỹ có thời gian huy động lực lượng áp đảo và kiểm soát phạm vi, năng lực cũng như làm chủ cuộc chiến. Chiến thắng với hao phí quân sự thấp cùng với thời gian nhanh chóng, đây là phương thức chiến tranh hiện đại, hiệu quả của quân đội Mỹ [1].

Thực tế, các lực lượng quân sự hiện nay đang ngày càng phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin, trong đó bao gồm cả các đối thủ của Mỹ. Điều đó mở ra cơ hội cho Mỹ sử dụng các cuộc tấn công mạng với mục tiêu hướng tới các hệ thống thông tin liên lạc của đối thủ. Đây là sự phát triển của một kịch bản tác chiến vốn quen thuộc nhưng được ứng dụng một công cụ tấn công mới. Điều đó cho thấy rằng, đặc thù của không gian mạng làm cho nó trở nên đặc biệt “hấp dẫn” đối với các nước có tiềm lực quân sự mạnh mẽ: số lượng lớn các lỗ hổng có thể tấn công khai thác, khả năng tiêm nhiễm mã độc và khả năng phá hoại các hệ thống vũ khí dựa trên các phần mềm độc hại có thể được sử dụng. Nếu sự cạnh tranh giữa các cường quốc trở thành xung đột giữa các nước, sẽ là không bất ngờ khi Mỹ mở ra một cuộc chiến tranh trên không gian mạng. Ngoài ra, quân đội các nước trên thế giới đã theo dõi Mỹ với sự quan tâm lớn trong nhiều năm qua và theo một số cách khác nhau, họ đã bắt chước cách tiếp cận của Mỹ với những thành công trong tác chiến hiện đại. Giờ đây, bên cạnh việc cố gắng phát triển tiềm lực quốc phòng truyền thống, các nước sẽ phát triển thêm các hình thức tác chiến hiện đại bao gồm cả nghiên cứu để sử dụng không gian mạng cho các mục đích chính trị, quân sự.

KHÔNG GIAN MẠNG TRONG MỘT SỐ CUỘC CHIẾN QUÂN SỰ CỦA MỸ

Ngay từ thời kì “Chiến tranh lạnh”, theo lời kể của Thomas C. Reed trong cuốn sách tự truyện năm 2004 “At the Abyss: An Insider’s History of the Cold War”, vào năm 1982 một hệ thống điều khiển máy tính bị gián điệp xâm nhập từ một công ty của Canada đã khiến một đường ống dẫn khí đốt của Liên Xô phát nổ [2]. Liên Xô cáo buộc rằng mã nguồn của hệ thống điều khiển đã được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sửa đổi để cài đặt một quả bom logic làm thay đổi tốc độ máy bơm gây ra vụ nổ đường ống. Tác chiến không gian mạng hiện đại đang được sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại trong các cuộc xung đột quân sự, mà điển hình là việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào Libya vào năm 2011. Tại đây, họ đã xâm nhập vào mạng viễn thông và các chương trình truyền hình của Libya, để phát đi các nội dung không đúng tới dân chúng sở tại. Điều đó tác động mạnh mẽ và nhanh chóng làm rối loạn tinh thần xã hội, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối đông đảo, nhất là lớp trẻ xuống đường chống lại Chính phủ Libya. Gần đây, Mỹ và phương Tây cũng được cho là đã sử dụng tác chiến mạng để can thiệp vào Venezuela, tăng cường hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập tổ chức biểu tình, bạo loạn lật đổ Chính phủ của Tổng thống N. Maduro.

Một ví dụ tiêu biểu khác, vào tháng 6/2010, Iran là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng khi cơ sở hạt nhân của nước này ở Natanz bị mã độc “Stuxnet” xâm nhập. Stuxnet được cho là mã độc tiên tiến nhất từng được phát hiện cho tới thời điểm đó, nó đã phá hủy hơn 1000 máy ly tâm hạt nhân, theo một bài báo của Business Insider: “Mã độc này đã khiến chương trình nguyên tử của Tehran chậm lại ít nhất hai năm”.

Năm 2013 theo các tài liệu mật do cựu quản trị viên hệ thống của CIA, Edward Snowden làm rò rỉ đã tiết lộ rằng, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã xâm nhập vào các máy chủ tại trụ sở của Huawei, công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, nhằm thực hiện kế hoạch khai thác công nghệ của Huawei, để khi công ty bán thiết bị cho các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh và quốc gia không sử dụng sản phẩm của Mỹ, NSA có thể chuyển vùng qua mạng máy tính và điện thoại của họ để tiến hành giám sát và nếu được tổng thống ra lệnh các hoạt động tấn công mạng sẽ lập tức được thực thi [3].

KHÔNG GIAN MẠNG LÀ CON DAO 2 LƯỠI ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI MỸ

Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý, nhưng bản chất của không gian mạng cũng là con dao 2 lưỡi đối với quân đội Mỹ. Các thuộc tính đặc biệt của không gian mạng mở ra cơ hội tấn công, nhưng chúng cũng bao gồm một số hạn chế về kỹ thuật, tổ chức và chính trị. Ngay cả những chiến dịch mạng được thực hiện hoàn hảo cũng có thể tạo ra những kết quả không mong muốn và những vấn đề này có thể vượt xa tầm kiểm soát của con người, tạo ra những nỗi lo về sự leo thang căng thẳng giữa các nước. Mới đây nhất, vào tháng 4/2023, binh nhất Jack Teixeira - kỹ thuật viên công nghệ thông tin thuộc bộ phận tình báo số 102, Lực lượng Vệ binh quốc gia của Mỹ đã làm rò rỉ các tài liệu quân sự mật chứa các đánh giá, báo cáo tình báo về cuộc chiến tranh tại Ukraine, các hoạt động phản gián cũng như những phân tích thông tin nhạy cảm về tình hình các nước đồng minh của Mỹ [4]. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về công tác quản lý tài liệu quân sự quan trọng cũng như việc kiểm soát không nghiêm ngặt đối với quyền truy cập đến các thông tin báo cáo quân sự của Mỹ. Đặc biệt để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong vấn đề ngoại giao và quan hệ của Mỹ đối với các nước đồng minh. Không khó để hiểu tại sao các nhà chiến lược quân sự kỳ vọng không gian mạng sẽ đóng một vai trò trung tâm trong chiến tranh hiện đại.

Các đối thủ của Mỹ rất muốn tìm cách khắc phục điểm yếu về cơ sở vật chất cũng như kho vũ khí truyền thống hạn chế của họ. Đồng thời, họ tin rằng các hoạt động tác chiến trên không gian mạng sẽ làm giảm lợi thế của Mỹ, đặc biệt nếu chúng có thể phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng và phức tạp mà Mỹ cần để triển khai sức mạnh trên những khoảng cách rộng lớn. Điển hình có thể kể đến như cuộc tấn công vào các cơ quan chính phủ Mỹ gần đây xảy ra vào tháng 6/2023 [5], hay như cuộc tấn công vào đường ống dẫn dầu lớn nhất của Mỹ - Colonial Pipeline vào năm 2021 [6]. Đây đều là những cuộc tấn công mạng gây thiệt hại lớn cả về kinh tế và chính trị đối với Mỹ.

Để biến không gian mạng thành một loại vũ khí trong tác chiến không hề đơn giản, vì vũ khí mạng phải được điều chỉnh cho phù hợp với cấu hình của các hệ thống mạng và thiết bị cụ thể, nên cần có thông tin tình báo chi tiết để hoạt động hiệu quả. Nỗi lo sợ về các cuộc tấn công mạng sẽ đặt ra mức độ cảnh giác cao hơn, khiến các hoạt động tấn công trở nên khó khăn hơn nhiều. Bên phòng thủ cũng sẽ thiết lập các mục tiêu giả, đánh lạc hướng làm đối thủ bối rối, vì vậy họ vẫn có thể tiếp tục chiến đấu ngay cả khi bị tấn công.

Mặc dù là một trong những quốc gia đi đầu trong tác chiến không gian mạng, quân đội Mỹ vẫn gặp phải những vấn đề khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai. Các nhà hoạch định quân sự Mỹ đang cố gắng tạo ra học thuyết chiến tranh mạng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là việc quy kết trách nhiệm và biện pháp răn đe. Mỹ nên phản ứng như thế nào đối với một cuộc tấn công mạng nhằm vào mạng lưới của họ nếu không thể chứng minh một cách rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan? Chính sách răn đe có hiệu quả như thế nào nếu các quốc gia đối lập biết rằng các hoạt động mạng của họ có thể được thực hiện ẩn danh? Mỹ có thể kiểm soát trên không, trên bộ, trên biển và trên vũ trụ ở cấp độ từng khu vực, nhưng không gian mạng là một môi trường điện tử toàn cầu, Mỹ không thể thống trị hay kiểm soát bởi bất kỳ ai hay bất kỳ quốc gia nào.

KẾT LUẬN

Tác chiến không gian mạng có tầm quan trọng không hề thua kém so với các môi trường tác chiến truyền thống như trên không, trên bộ hoặc trên biển. Việc tăng cường tiềm lực quân sự về cả tấn công và phòng thủ mạng sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong việc định hình sức mạnh quân sự của Mỹ trong tương lai. Trong phần sau của bài viết tác giả sẽ tiếp tục cung cấp đến độc giả cái nhìn chung nhất về vai trò của không gian mạng trong các cuộc chiến quân sự có sự góp mặt của Nga và Trung Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://warontherocks.com/2021/03/warfighting-in-cyberspace/

[2]. https://cand.com.vn/Ho-so-mat/Vu-no-duong-ong-dan-dau-khi-dot-xuyen-Siberia-cua-Lien-Xo-vao-nam-1982-la-tai-nan-hay-pha-hoai-i293083/

[3]. https://thanhnien.vn/edward-snowden-tiet-lo-my-tan-cong-vao-mang-di-dong-trung-quoc-18524202.htm#

[4]. Tạp chí An toàn thông tin số 02 (72) 2023

[5]. https://www.nbcnews.com/tech/security/us-govenment-agencies-hacked-cyberattack-moveit-rcna89525 .

[6]. https://antoanthongtin.vn/an-toan-thong-tin/my-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-o-17-tieu-bang-sau-cuoc-tan-cong-mang-colonial-pipeline-107104

 

Nguyễn Trường An, Nguyễn Thế Hùng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới